Biện pháp 6: Vận dụng quy luật trí nhớ

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 88 - 90)

Với đối tượng HS TBY, khả năng ghi nhớ kém, các em hay quên kiến thức sau khi học. Vì vậy, GV có thể vận dụng các quy luật trí nhớ đã nêu ở mục 1.4.7 để giúp HS nhớ bài lâu hơn.

Quy luật hướng đích

Trước một chương hay cụ thể là mỗi bài học, giáo viên cần xác định rõ và nhấn mạnh cho học sinh kiến thức trọng tâm của bài. GV có thể ghi các mục của bài học vào một góc bảng bên phải rồi đánh dấu vào phần kiến thức trọng tâm đó để học sinh dễ theo dõi và tập trung tinh thần nhiều hơn vào phần đó.

GV có thể căn cứ vào quyển “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông môn hóa học lớp 11 chương trình chuẩn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác định kiến thức trọng tâm của mỗi bài.

Quy luật ưu tiên

Trong giảng dạy, GV nên khai thác thế mạnh của hóa học – môn khoa học thực nghiệm bằng cách sử dụng các phương tiện trực quan như: mô hình, mẫu vật, hình vẽ, đoạn phim thí nghiệm hay thí nghiệm trực tiếp… thay cho việc sử dụng ngôn từ trừu tượng. Như vậy sẽ để lại cho học sinh ấn tượng sâu sắc trong tâm trí, giúp các em hiểu và nhớ bài lâu hơn.

GV nên tạo nhiều tình huống có vấn đề mà học sinh tích cực suy nghĩ thì có thể giải quyết được.

Ví dụ: Khi dạy đến tính chất hóa học của phenol - bài “Phenol”, GV đặt vấn đề: Tại sao phenol tác dụng được với NaOH còn etanol lại không?

Quy luật liên tưởng

− Khi học bài mới, GV cho các em so sánh điểm giống và khác nhau giữa kiến thức bài mới với kiến thức đã học, hay liên hệ giữa kiến thức đã có với thực tế cuộc sống.

Ví dụ: Khi dạy bài “Ankin”, GV nên nhấn mạnh cho HS biết: vì ankin cũng là hidrocacbon không no giống anken nên ankin cũng dễ dàng tham gia phản ứng cộng. Nhưng ankin chứa liên kết ba (trong đó có 2 liên kết π kém bền) nên ankin tham gia phản ứng cộng với một hoặc hai phân tử tác nhân tạo thành hợp chất không no loại anken hoặc hợp chất no.

− Phân biệt tính chất hóa học đặc trưng của từng nhóm chất.

Ví dụ: Dựa vào đặc điểm cấu tạo suy ra: phản ứng đặc trưng của ankan là phản ứng thế, còn phản ứng đặc trưng của anken, ankin là phản ứng cộng.

− GV hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ hay biểu bảng.

− Gán nội dung kiến thức đang học bằng một câu thơ, câu văn dễ nhớ.

Ví dụ 1: Khi dạy phản ứng cộng của anken với tác nhân không đối xứng HX, sau khi hướng dẫn quy tắc Mac-côp-nhi-côp, GV có thể chỉ cho HS cách nhớ quy tắc cộng bằng một câu nói mẹo, đó là: “Giàu lại càng giàu”, tức là Hidro của HX sẽ cộng vào cacbon mang nối đôi chứa nhiều hidro hơn, X cộng vào cabon còn lại.

Ví dụ 2: GV có thể dùng một đoạn thơ để giúp HS nhớ về cấu tạo và tính chất hóa học của benzen khi dạy bài “Benzen và đồng đẳng của benzen”

Benzen là hợp chất vòng Dễ thế, khó cộng, anh quên rồi à!

Oxi hóa – khử khó mà

Tính chất hóa đó gọi là tính thơm.

(Tính thơm của các hợp chất thơm: dễ thế, khó cộng, khó oxi hóa khử).

Quy luật lặp lại

Vận dụng phương pháp ôn - giảng - luyện: Đây là 3 bước chính của một tiết lên lớp được sử dụng liên tục trong quá trình giảng dạy. Để sử dụng phương pháp ôn – giảng – luyện đạt hiệu quả, trước hết GV cần xem xét toàn bộ chương trình giảng dạy

mình phụ trách trong một bài, một chương hay năm học có liên hệ với những kiến thức của bài nào hay ở chương trình lớp dưới mà các em đã học. Sau đó lập kế hoạch ôn tập, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của những bài trước, hay năm học trước cho học sinh và có kết hợp giảng, luyện.

Đối với HS TBY thường ít chú ý tới tiết học, các em có nhiều lỗ hổng kiến thức và dễ “khó nhớ, mau quên” nên phương pháp ôn – giảng – luyện phải được sử dụng thường xuyên.

Trong bước kiểm tra bài cũ để “ôn” kiến thức đã học cho học sinh, đồng thời chuẩn bị cho việc tiếp thu kiến thức mới, GV vẫn phải giảngluyện nếu cần thiết. “Giảng” nếu đã quên hay chưa hiểu , “luyện” nếu chưa đủ để khắc sâu… Nếu phần câu hỏi kiểm tra có liên quan đến bài học mới thì việc “luyện” ở trong bước này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tiếp thu bài mới của học sinh.

Ví dụ: Khi dạy bài Phenol, tới phản ứng thế nguyên tử H của vòng benzen, GV nên nhắc lại quy tắc thế H trên vòng benzen đã học trong bài “Benzen và đồng đẳng benzen”.

Phương pháp ôn – giảng – luyệncũng có thể áp dụng khi cho HS làm bài tập. Với HS TBY, cần cho các em ôn đi ôn lại, luyện tập với nhiều bài khác nhau của cùng một dạng để các em nắm vững và nhớ cách làm.

Quy luật kìm hãm

Vì là đối tượng HS TBY nên bài học càng đơn giản càng dễ hiểu, càng cô đọng càng tốt. Nên khi dạy, GV cần xác định rõ trọng tâm bài học và dạy xoáy sâu vào kiến thức đó, không nên dạy lan man, mở rộng nhiều.

Ví dụ: Dạy bài Ancol, GV nên tập trung dạy về tính chất hóa học của ancol no, đơn chức. Và chủ yếu cho HS tập viết các phản ứng của etanol để minh họa các tính chất đó.

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)