Biện pháp 2: Lấp lỗ hổng kiến thức cho HS

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 73 - 76)

Kiến thức có nhiều “lỗ hổng” là một “bệnh” phổ biến của HS TBY. Trong quá trình dạy học, GV cần phát hiện và phân loại những kiến thức, kỹ năng của HS. Những

lỗ hổng nào điển hình mà trên lớp chưa đủ thời gian để khắc phục thì cần có kế hoạch tiếp tục giải quyết trong nhóm HS TBY vào những buổi học phụ đạo. Thông qua quá trình học lý thuyết và làm bài tập của học sinh, GV cần tập cho HS, nhất là HS TBY có ý thức tự phát hiện lỗ hổng của bản thân mình và biết cách lấp những lỗ hổng đó. Việc lấp lỗ hổng kiến thức của HS, GV có thể áp dụng một số biện pháp sau:

− Giúp học sinh nắm được kiến thức một cách hệ thống: Kiến thức của bất kỳ bộ môn nào cũng là một hệ thống. Tính hệ thống thể hiện ở trật tự sắp xếp và mối quan hệ giữa các kiến thức. Các môn khoa học tự nhiên thường có tính hệ thống cao hơn. Với môn hóa học, nếu không nắm được các kiến thức cơ bản có tính nền tảng như kí hiệu, công thức phân tử, công thức cấu tạo, công thức tính toán, phương trình phản ứng, tính chất hóa học. . . học sinh sẽ không thể làm bài tập, khó khăn trong việc tiếp thu bài mới có liên quan đến kiến thức đã học. GV có thể tiến hành hệ thống kiến thức cho HS vào sau mỗi tiết học bài mới thông qua một phiếu các câu hỏi liên quan đến kiến thức trọng tâm của bài vừa học để HS về nhà học bài và trả lời những câu hỏi đó hoặc GV có thể hệ thống kiến thức của một chương vừa học trong tiết luyện tập bằng bảng, sơ đồ…

− Trong lúc dạy bài mới, GV nên nhắc lại một số kiến thức cũ liên quan đến bài đang học để tạo cho HS cơ sở, nền tảng tiếp thu kiến thức bài mới, thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức với nhau, nắm chắc kiến thức hơn.

− Dạy bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông. Vì khả năng học tập của HS TBY rất hạn chế nên giáo viên cần nắm vững trọng tâm từng bài để thiết kế bài giảng khoa học, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh; thiết kế câu hỏi hợp lý, tập trung vào kiến thức trọng tâm, tránh nặng nề quá tải. Khi dạy, giáo viên nên tìm cách truyền đạt kiến thức một cách cô đọng mà dễ hiểu bằng cách xoáy sâu vào nội dung chính của bài học.

− Giáo viên cần soạn một hệ thống bài tập cơ bản với đầy đủ các dạng câu hỏi, bài tập của mỗi chương. Vì kiến thức HS TBY chưa được vững nên khi ra những bài tập cho HS TBY giáo viên chỉ cần chọn những bài tập đơn giản, cơ bản, có yêu cầu vừa phải, nhắm vào trọng tâm, nâng cao trình độ dần từng bước và bài tập tương tự chỉ

khác nhau chút ít. Tránh những bài tập quá khó, học sinh không hiểu được. Quan trọng là hướng dẫn cho các em cách làm tổng quát ứng với từng dạng bài tập, sau đó mới đi vào việc giải từng bài tập cụ thể.

− Có nhiều cách đưa ra bài tập cho HS TBY tùy vào đặc điểm của học sinh và mục đích sử dụng bài tập mà giáo viên có thể chọn hướng ra bài tập khác nhau.

+ Hướng thứ nhất giáo viên có thể đưa ra những nhóm bài tập tương tự nhau, mỗi nhóm bài tập tương tự nhau gồm mỗi nội dung khác nhau. Đối với mỗi nhóm bài tập giáo viên nên giải 1 hoặc 2 bài làm mẫu còn các bài khác giáo viên nên tóm tắt đề, hướng dẫn học sinh vạch ra định hướng giải, sau đó học sinh căn cứ vào sơ đồ định hướng, bắt chước cách giải của giáo viên để tự giải các bài tập này. Việc sử dụng bài tập như vậy có tác dụng kích thích tư duy của những học sinh có trí nhớ kém, tư duy chậm phát triển. Quá trình giải thường xuyên các bài tập lâu dần sẽ hình thành kỹ năng giải bài tập cho học sinh, giúp học sinh lấy lại căn bản.

+ Hướng thứ hai giáo viên có thể đưa ra những bài tập có nội dung nêu bật lên trọng tâm tức là nêu bật lên các tính chất đặc trưng nhất của một chất nào đó hoặc những bài tập có điểm gút. Giáo viên vạch ra định hướng giải, hướng dẫn mở những điểm gút rồi học sinh sẽ làm tiếp các phần còn lại của bài tập. Thông qua bài tập, giáo viên chuyển những kiến thức ở phần lý thuyết mà các em đã học sang hệ thống bài tập và các bài tập mà giáo viên sử dụng trong trường hợp này là các bài tập cơ bản để học sinh tiếp thu từ từ, khi các em đã giải được thành thạo thì mới nâng cao. Việc sử dụng bài tập như vậy có tác dụng củng cố kiến thức, tạo nền tảng để các em học cao hơn.

− Khi sửa bài, GV cần nhắc lại những kiến thức liên quan đến bài tập đó, nhấn mạnh những lỗi sai thường gặp ở HS; sửa cụ thể, chi tiết từng bài cho các em theo dõi. Nói chung, khi dạy HS TBY thì sự cẩn thận, tỉ mỉ, rõ ràng, cụ thể là yếu tố cần thiết và rất quan trọng.

− Tận dụng tối đa các tiết luyện tập, ôn tập, các buổi học phụ đạo để tranh thủ ôn tập, củng cố, kiểm tra, đánh giá kiến thức của HS. Qua đó, biết được các em chưa nắm vững chỗ nào để kịp thời bổ sung, bù đắp kiến thức đó cho các em, tránh để lại những lỗ hổng kiến thức. Và để cho tiết luyện tập, ôn tập có hiệu quả, HS định hướng

mục tiêu bài học, hoạt động tích cực, tiếp thu bài nhanh, GV cần xây dựng một hệ thống câu hỏi định hướng bài ôn tập và một số bài tập bổ trợ phát trước (có thể là hệ thống bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa, sách bài tập, trong đề cương hay do GV soạn trước) yêu cầu HS chuẩn bị ở nhà. Việc này có tác dụng giúp HS hình dung được giờ học sắp đến sẽ ôn lại những nội dung trọng tâm nào, rèn luyện những kĩ năng gì, tạo cơ hội cho các em xem lại bài trước và cũng là dịp để các em phát hiện ra kiến thức mà mình chưa nắm vững, từ đó sẽ tập trung chú ý hơn vào phần đó trong khi ôn tập. Hệ thống câu hỏi định hướng và bài tập bổ trợ cũng được coi là tài liệu cần thiết giúp HS tự học. Nó không chỉ mang tính chất tái hiện kiến thức đơn thuần mà còn nhằm gợi mở, phát triển kĩ năng tư duy.

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 73 - 76)