Biện pháp 4: Kế hoạch “Đôi bạn cùng tiến”

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 81 - 82)

Giáo viên căn cứ vào lực học của từng học sinh trong lớp để lập danh sách “Đôi bạn cùng tiến” – một học sinh giỏi hoặc khá sẽ kèm cặp, giúp đỡ một bạn học trung bình hoặc yếu trong quá trình học tập. Mỗi đôi bạn như vậy được gọi là một cặp. Việc chọn bạn cùng học có thể do các em tự chọn, bắt cặp với nhau để các em dễ dàng, thoải mái trong vấn đề trao đổi bài, động viên, khích lệ nhau cùng tiến bộ.

Sau khi tạo được danh sách “Đôi bạn cùng tiến”, giáo viên hướng dẫn cho các em những kế hoạch giúp đỡ nhau trong quá trình học:

− Học sinh khá giỏi khảo bài, kiểm tra bài tập của bạn mình. Nếu bạn có vấn đề khúc mắc, chưa hiểu thì các em sẽ hướng dẫn, giảng lại kiến thức đó cho bạn mình, giúp bạn làm được các bài tập cơ bản. Đầu giờ dạy, giáo viên có thể bớt chút thời gian hỏi thăm tình hình học tập một số cặp để nắm bắt được kết quả học nhóm của các em, đặc biệt là HS TBY. Thông qua học sinh khá, giỏi, giáo viên hỏi han về khả năng nắm bài, giải bài của các em HS TBY.

− Bên cạnh đó, để gây hứng thú, khơi dậy, khích lệ tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, giáo viên nên áp dụng các hình thức khen thưởng đối với đôi bạn nào có sự cố gắng, tiến bộ trong học tập. Chẳng hạn như giáo viên có thể cộng 1 điểm cho mỗi em. Tuy nhiên, không nên áp dụng điểm trừ , vì như vậy sẽ làm cho học sinh khá, giỏi bị ảnh hưởng kết quả điểm số học tập, có thể gây bất mãn cho các em. Mà giáo viên nên có hình phạt riêng đối với những em TBY chưa thật sự cố gắng khi có sự giúp đỡ của bạn như: áp dụng điểm trừ, kiểm tra thường xuyên, chép phạt kiến thức bài học…

− Kế hoạch “ Đôi bạn cùng tiến” nên được phát huy trong các tiết luyện tập, ôn tập. Giáo viên ra bài tập về nhà cho cả lớp chuẩn bị, để những học sinh khá giỏi tìm

cách giúp bạn cùng học của mình hiểu và tự làm được các bài tập đó. Đến giờ luyện tập, với những dạng bài tập tương tự đã ra về nhà, giáo viên có thể ưu tiên tinh thần xung phong của những HS TBY lên bảng giải. Sau khi các em giải xong, giáo viên hỏi thêm một số câu hỏi liên quan đến bài tập đó để kiểm tra mức độ thông hiểu của các em, rồi cho điểm.

Bên cạnh kế hoạch “đôi bạn cùng tiến”, có thể tổ chức thảo luận nhóm trong giờ học, từ 4-6 học sinh, mỗi nhóm có đủ các đối tượng học sinh khá, giỏi, trung bình, yếu để các em hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giải quyết các bài tập, câu hỏi giáo viên đặt ra. Sau đó, giáo viên gọi thành viên của mỗi nhóm trả lời, ưu tiên HS TBY. Cộng điểm, tuyên dương trước lớp những nhóm thảo luận tốt.

Lưu ý đối với hình thức bắt cặp 2 học sinh hay thảo luận nhóm lớn: mỗi biện pháp có những lợi thế riêng, có thể phù hợp và hiệu quả với học sinh này nhưng lại không có hiệu quả đối với một số học sinh khác. Và biện pháp “đôi bạn cùng tiến” hay thảo luận nhóm lớn thường đem lại hiệu quả cho những HS TBY nhưng chăm chỉ, có sự cố gắng, chịu khó vượt qua khó khăn, học hỏi bạn bè để tiến bộ hơn. Trong một lớp học, cũng không tránh khỏi có những em chây lười, đối phó, ỷ lại vào bạn bè trong lúc học nhóm, không cố gắng trong học tập. Thường những đối tượng học sinh này không quan tâm đến sự giúp đỡ của bạn bè. Với những học sinh như vậy, giáo viên nên có những hình phạt như: chép phạt kiến thức bài học, áp dụng điểm trừ, kiểm tra thường xuyên… nhưng quan trọng hơn là giáo viên nên khéo léo, tế nhị khuyên răn, động viên các em cố gắng, chú ý hơn vào học tập. Thấy được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè, các em sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 81 - 82)