Các quy luật của trí nhớ trong học tập

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 35 - 39)

1.4.7.1. Khái niệm về trí nhớ

− Theo Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên (NXB Văn hóa thông tin 1999), trí nhớ là khả năng lưu giữ trong óc những điều đã biết, đã trải qua, có thể nhắc lại, nói lại được.

− Theo tâm lý học Đại cương – Phạm Minh Hạc chủ biên (NXBGD 1997), trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm của cá nhân dưới hình thức biểu tượng bao gồm sự ghi nhớ, giữ gìn và tái tạo sau đó ở trong cái mà con người đã cảm giác, tri giác, rung động, hành động hay suy nghĩ trước đây.

− Theo Đại bách khoa toàn thư Xô viết – Phát triển trí nhớ của học sinh phổ thông – Nia Tsut-co, trí nhớ là năng lực tái hiện kinh nghiệm đã qua, một trong các tính chất cơ bản của hệ thần kinh, biểu hiện ở khả năng lưu giữ lâu dài thông tin về các sự kiện của thế giới bên ngoài và các phản ứng của cơ thể, nhiều lần đưa thông tin đó vào phạm vi ý thức và hành vi.

Như vậy ta có thể nói một cách ngắn gọn “Trí nhớ là khả năng lưu giữ và tái hiện thông tin”.

1.4.7.2. Vai trò của trí nhớ

Các nhà tâm lí học đã tổng kết rằng trí nhớ có vai trò quan trọng đặc biệt đối với con người:

− Nhờ có trí nhớ con người mới có thể hoạt động bình thường. Trí nhớ là điều kiện không thể thiếu để con người có đời sống tâm linh bình thường, ổn định, lành mạnh. Trí nhớ giúp con người tích lũy vốn kinh nghiệm sống và sử dụng vốn kinh nghiệm đó ngày càng tốt hơn.

− Nếu con người không có trí nhớ thì chắc chắn không có quá khứ, không có tương lai, mà chỉ có hiện tại tức thời. Không có trí nhớ sẽ không có ý thức về bản thân mình và do đó sẽ không có nhân cách. “Nếu không có trí nhớ thì con người sẽ mãi mãi ở tình trạng một đứa trẻ sơ sinh” – (I. M. Xêtrênôp).

− Đối với nhận thức, trí nhớ là công cụ để lưu trữ lại các kết quả của cảm giác, tri giác. Nó là điều kiện để diễn ra nhận thức cảm tính (tư duy và tưởng tượng). Nhờ có trí nhớ mà những hình ảnh tri giác, những khái niệm tư duy, những biểu tượng xúc cảm, tình cảm… trong đời sống tâm lí không bị mất đi theo thời gian và khi cần đến thì chúng lại xuất hiện. Trí nhớ giúp học sinh học tập đạt được hiệu quả cao.

Việc rèn luyện và phát triển trí nhớ cho học sinh là một nhiệm vụ dạy học quan trọng. Trí nhớ có thể học tập và rèn luyện được. Vì vậy, mỗi sinh viên cần học cách nhớ để sử dụng cho mình và dạy lại cho học sinh sau này.

1.4.7.3. Các quy luật của trí nhớ a)Quy luật hướng đích

Muốn ghi nhớ tốt cần tập trung sự chú ý vào một mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Đỉnh điểm của sự chú ý là sự tập trung tinh thần. Tập trung tinh thần là để cho óc ngừng lâu trên một hình ảnh độc nhất. Tập trung tinh thần không làm mệt mỏi toàn bộ trí óc mà chỉ một phần trí óc bị ảnh hưởng bởi sự tập trung ấy. Nói tóm lại, quy luật hướng đích nhằm tạo động cơ, gây chú ý, tập trung tư tưởng.

Ví dụ: Khi dạy bài Lưu huỳnh, phần “ảnh hưởng của nhiệt độ đối với cấu tạo phân tử và tính chất vật lý của lưu huỳnh”, giáo viên chiếu đoạn phim về sự thay đổi trạng thái, cấu tạo phân tử của lưu huỳnh khi nhiệt độ thay đổi. Trước khi chiếu, giáo viên yêu cầu học sinh xem, ghi nhớ và mô tả lại quá trình đó. Như vậy, học sinh biết được nhiệm vụ của mình, sẽ tập trung chú ý vào đoạn phim để ghi nhớ các thông tin.

b)Quy luật ưu tiên

Sự ghi nhớ có chọn lọc theo mức độ ưu tiên khác nhau tùy đặc điểm từng tài liệu.

− Bao giờ thì hình ảnh cụ thể cũng dễ nhớ hơn ngôn từ trừu tượng.

− Sự việc, hiện tượng càng hấp dẫn, sinh động, gây hứng thú thì càng dễ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí.

Ví dụ: Các bài giảng khi có thêm phương tiện trực quan (hình vẽ, mô hình, thí nghiệm) hỗ trợ thì học sinh sẽ nhớ bài đó sâu sắc hơn các bài khác.

− Tài liệu cũng sẽ dễ nhớ khi:

+ Có ý nghĩa quan trọng, cần thiết, bổ ích. + Gây sự tranh cãi.

+ Có vấn đề giải quyết chưa trọn vẹn.

c) Quy luật liên tưởng

Liên tưởng xảy ra khi điều bạn nói hay nghĩ có mối liên hệ với ý tưởng đã có trước, chúng là nền tảng cho một ký ức có rèn luyện.

Ưu điểm chính của liên tưởng là ghi nhận nhanh kể cả thông tin có và không có trật tự. Xét về bản chất, liên tưởng dựa trên khả năng quan sát tinh vi, kết hợp các suy diễn để ghi nhận thông tin. Giáo viên thường dùng chữ thần, thơ ca, bảng hệ thống hóa kiến thức để giúp cho học sinh ghi nhớ dễ dàng và lâu hơn.

Vận dụng quy luật liên tưởng trong dạy học:

Muốn nhớ điều gì phải tìm cách liên kết nó với những cái khác. Muốn nhớ nhanh, nhớ lâu phải thấu hiểu vấn đề, phải tìm ra các mối liên hệ:

− Giữa kiến thức mới và vốn kiến thức sẵn có. − Giữa các ý tưởng, các bộ phận của kiến thức.

− Giữa vốn kiến thức đã có và thực tế cuộc sống. • Phải tìm ra mối liên hệ logic, theo trật tự giữa:

− Các vật có tính chất tương tự hay tương phản nhau. − Các vật gần nhau về không gian và thời gian.

− Các vật có mối quan hệ phụ thuộc, ngang hàng hay giao nhau. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phân loại: chúng ta sẽ rất khó nhọc khi phải ghi nhớ điều gì phi lý và hỗn độn. Phân loại là sắp các vật, các vấn đề ra từng hạng có trật tự, tùy theo những điểm tương cận của chúng. Trí nhớ dễ ghi nhận những vấn đề được sắp xếp theo trật tự hợp lý, bởi vì trật tự hợp lý khiến ảnh tượng này phải khêu gợi ảnh tượng kia, ý này nhắc nhở ý khác.

Ví dụ: Học một bài có hệ thống kiến thức bằng sơ đồ hình cây hay bảng so sánh kiến thức sẽ giúp học sinh ghi nhớ tốt và hiểu bài dễ dàng hơn.

d)Quy luật lặp lại

Muốn nhớ điều gì phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Ôn tập là mẹ của trí nhớ. Cách tốt phải để ghi nhớ là lặp đi lặp lại.

Sự lặp lại là một phương pháp rất hiệu quả trong việc bảo tồn trí nhớ, nó là một điều kiện thiết yếu nếu muốn tạo được một ký ức máy móc. Giáo viên có thể áp dụng quy luật này vào kiểm tra đầu giờ, củng cố từng phần hay nhắc lại một nội dung kiến thức nào đó có liên quan đến phần đang học.

Ví dụ: Khi dạy về tính chất hóa học của axit sunfuric, giáo viên nhắc lại cho học sinh tính chất hóa học chung của axit, cách cân bằng phản ứng oxi hóa – khử.

e) Quy luật kìm hãm

Sự ghi nhớ sau bao giờ cũng làm suy giảm sự ghi nhớ trước.

− Cần quên đi những gì không cần thiết bằng cách không nhắc lại, gợi lại. − Cần xác định rõ mức độ cần ghi nhớ với mỗi tài liệu (dài hạn, ngắn hạn hoặc tức thời).

− Lựa chọn thật kĩ những gì sẽ học thuộc lòng.

− Như vậy có nghĩa là khi dạy, giáo viên nên bám sát trọng tâm bài học, không nên quá ôm đồm và mở rộng quá nhiều.

Ví dụ: Khi dạy bài Oxi, giáo viên tập trung vào tính chất hóa học và cách điều chế Oxi trong phòng thí nghiệm.

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 35 - 39)