Tính tích cực trong dạy học

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 33 - 35)

1.4.6.1. Khái niệm a)Tính tích cực

Tính tích cực là một trong những thuộc tính quan trọng của nhân cách, được biểu hiện qua hành động năng nổ, hăng hái của chủ thể và có ảnh hưởng lớn đến kết quả của công việc. Tính tích cực có những đặc trưng sau:

− Luôn luôn gắn liền với một hoạt động cụ thể nào đó và được biểu hiện qua hành động.

− Dựa trên nền tảng của hứng thú, nhu cầu và động cơ.

− Ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập (mang lại hiệu quả cao trong công việc).

Tính tích cực trong hoạt động liên quan với động cơ. Từ động cơ sinh ra hứng thú – tiền đề của sự tự giác. Hứng thú và tự giác lại là hai yếu tố tâm lí cơ bản để tạo nên tính tích cực. Tính tích cực là nguồn gốc của tư duy độc lập. Tư duy độc lập là mầm mống của sáng tạo.

Học tập là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi đi học. Tính tích cực trong hoạt động học tập là tính tích cực nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Trong dạy học, tính tích cực biểu hiện ở sự tự giác, nỗ lực của mỗi cá nhân biến nhu cầu nhận thức thành kết quả học tập, nghiên cứu và sáng tạo.

Theo I. U. C Babanxki, tính tích cực trong học tập là “sự phản ánh vai trò tích cực của cá nhân học sinh trong quá trình học, nhấn mạnh rằng, học sinh là chủ thể của quá trình học chứ không phải là đối tượng thụ động. Tính tích cực của học sinh không phải chỉ tập trung vào việc ghi chép, ghi nhớ đơn giản hay thể hiện sự chú ý mà còn hướng học sinh tự lĩnh hội các tri thức mới, tự nghiên cứu các sự kiện, tự rút ra kết luận và tự khái quát sao cho dễ hiểu, tự cụ thể hóa kiến thức mới nhằm tiếp thu kiến thức mới”.

Theo GS. Hà Thế Ngữ thì tính tích cực hoạt động nhận thức của học sinh là sự ý thức được nhiệm vụ học tập thông qua việc học sinh hăng say học tập, từ đó tự mình ra sức hoàn thành nhiệm vụ học tập, tự mình khắc phục khó khăn để nắm tri thức, kĩ năng mới và nắm tài liệu một cách tự giác.

Như vậy, có thể coi tính tích cực trong học tập là sự tìm tòi, nắm vững tri thức, vận dụng nó vào các hoạt động thực tiễn. Tích cực hóa hoạt động nhận thức tức là chuyển người học từ vị trí thụ động sang chủ động, giúp họ tìm thấy niềm say mê hứng thú trong học tập.

1.4.6.2. Vai trò của tính tích cực trong học tập

Học sinh là chủ thể của quá trình học tập vì vậy việc học tập chỉ có thể có kết quả nếu học sinh có ý thức chủ động, tích cực và sáng tạo. Học sinh chỉ nắm vững tri thức, hình thành cho mình những kĩ năng, kĩ xảo, phát trển năng lực tư duy sáng tạo từ đó hình thành và phát triển nhân cách tốt khi các em tích cực nhận thức, có động cơ mục đích đúng trong quá trình học tập. Nếu như không có nhu cầu học tập, không có động cơ học tập, không cố gắng vươn lên thì không thể có kết quả học tập tốt. Việc học tập của học sinh chỉ có kết quả cao khi chính các em ý thức được nhiệm vụ học tập của mình, biết tự chuyển hóa những yêu cầu của xã hội thành nhu cầu học tập của bản

thân và cố gắng khắc phục khó khăn và vươn tới mục tiêu đã định. Kết quả học tập phụ thuộc rất nhiều vào tính tích cực hoạt động nhận thức nên việc học tập chỉ có hiệu quả cao khi giáo viên phát huy hết khả năng tích cực sáng tạo của học sinh.

Tính tích cực là một trong những điều kiện quan trọng để học sinh đạt kết quả cao trong học tập. Tính tích cực giúp cho khả năng ghi nhớ của con người tốt hơn, kiến thức có được nhờ quá trình tích cực nhận thức của học sinh sẽ tồn tại vững chắc hơn. Do đó, tính tích cực trong học tập có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp thu nắm vững tri thức.

Tính tích cực của học sinh chính là một động lực của quá trình dạy học. Nếu phương pháp giảng dạy chủ yếu là truyền đạt, thông báo kiến thức thì học sinh sẽ bị phụ thuộc vào giáo viên. Cách học chủ yếu là nghe, hiểu, ghi nhớ và tái hiện sẽ làm cho kết quả học tập bị hạn chế. Nhưng nếu coi dạy học là hoạt động phối hợp của thầy và trò, nếu giáo viên biết tổ chức, điều khiển quá trình học tập của học sinh, tạo ra những điều kiện tốt nhất cho các hoạt động tích cực, sáng tạo thì học sinh sẽ có thể thực hiện được nhiệm vụ học tập một cách tốt nhất.

Một phần của tài liệu một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 – chương trình cơ bản” (Trang 33 - 35)