7. Cấu trúc luận văn
3.3.2.1 Giọng trầm buồn
Với người nghệ sĩ giải tỏa cảm xúc là nhu cầu tự nhiên của con người. Nguyễn Huy Thiệp thể hiện nỗi buồn thương của mình bằng cách tạo ra những con người với những tâm trạng cô đơn, bị thất bại chủ nghĩa, là người luôn đi tìm kiếm cái đẹp. Nhưng nỗi buồn thương của Phạm Thị Hoài lại là thiếu tình yêu đồng loại, là thế giới những nhân vật cô đơn, một thực trạng nghèo văn hóa. Một thế giới bị cô đơn, bị phân rã, khó tạo ra chất bản nguyên của con người, con người bị tẩy trắng cá tính, trở thành kẻ không có mặt, biến thành những mô hình cứng nhắc. Bảo Ninh lại mang đến cho con người một nỗi buồn: nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn tình yêu, buồn về sự sáng tạo nghệ thuật, buồn về hiện tại đang ngày đêm diễn ra. Còn Nguyễn Quang Lập tập trung vào khắc họa những tổn thương tinh thần của con người. Sau những hào quang chiến thắng, con người trở về với cuộc sống hàng ngày với đầy những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn, bởi vậy âm hưởng chung trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập là trầm buồn. Nỗi buồn của Nguyễn Quang Lập thể hiện sâu sắc về số phận con người, ông chủ yếu đi vào khám phá những nỗi đau tinh thần của con người. Chính vì vậy giọng điệu trầm buồn toát lên từ chính âm hưởng về cuộc đời và số phận của các nhân vật. Đó là những người lính trở về sau chiến tranh, đó còn là những con người bình thường là nạn nhân của cuộc sống mới, những con người cô đơn trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Họ bị đẩy vào bi kịch.
Trước tiên, đó là nỗi buồn của những người lính trở về sau cuộc chiến. Vợ
chồng đại tá Chi trong Tiếng lục lạc bỏ lại sau mình hai mươi mốt năm tuổi trẻ,
những hào quang để quay về với cuộc sống đời thường, hạnh phúc đã đến với họ bởi họ sắp có con nhưng khắc nghiệt thay khi đứa con của họ sinh ra lại “dị dạng”. Chiến tranh chưa bao giờ kết thúc đối với những người lính, nó vẫn quẩn quanh đâu đó xung quanh họ để rồi lại gây ra cho họ những nỗi đau dai dẳng
không có hồi kết. Đó là nỗi buồn của “chị” trong Bốn mươi chín cây cơm nguội một thời cũng là một “cô gái xinh tươi” lẽ thường người như chị phải được
hưởng một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Vậy mà chiến tranh đã cướp đi của chị tất cả: tuổi trẻ, sắc đẹp, tình yêu. Khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường thì chị đã trở thành một người lỡ thì, thật khó khăn để kiếm tìm hạnh phúc, chị thấy buồn và thèm được sự chia xẻ. Vẫn là nỗi buồn của những
con người đi ra từ cuộc chiến, trong Hạnh phúc mong manh con người bị xô đẩy
vào những tình huống éo le để rồi dằn vặt, giày vò và chua xót nhận ra rằng: Hạnh phúc thật mong manh, bởi khi tưởng bị mất ấy là lúc họ được và khi tưởng chừng hạnh phúc đang đến thì chính là lúc nó ra đi.
Đó là nỗi buồn của những con người bị sụp đổ niềm tin. Một ông Thiệt,
trong Ngày xửa ngày xưa, hai năm sống một mình ở rừng thèm khát được trở về
với con người, nhưng khi trở về với con người thì niềm tin về con người sụp đổ. Và cuối cùng thì ông lại phải quay về cuộc sống ngày xưa. Hay thằng bé Chơn ở thung lũng Chớp Ri cũng vì đổ vỡ niềm tin mà nó bỏ đi.
Trầm buồn tạo nên giọng điệu đặc trưng trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, nó phù hợp với cảm hứng bi kịch trong nội tâm con người, buồn nhưng không bi quan. Người đọc thông qua nỗi buồn mà điều chỉnh lại cuộc sống, đó chính là khả năng thanh lọc kì diệu của nghệ thuật.