7. Cấu trúc luận văn
2.1.1 Vài nét về cốt truyện
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch”[19, tr.99]. Cốt truyện có một tiến trình vận động, thường bao
gồm các thành phần: trình bày, khai đoạn (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút). Cốt truyện có hai chức năng nghệ thuật cơ bản: một mặt, cốt truyện là một phương diện tổ chức bộc lộ tính cách; mặt khác, cốt truyện còn là phương diện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội thông qua hệ thống sự kiện. Đây cũng là cách hiểu cốt truyện theo tinh thần truyền thống.
Giáo sư Trần Đình Sử trong giáo trình Dẫn luận thi pháp học, trên cơ sở
bao quát các cách tiếp cận của Thi pháp học hiện đại, đã đưa ra sự nhận thức sâu sắc về cốt truyện. Tính quan niệm của cốt truyện văn học được nhấn mạnh, sự
phân biệt giữa “cốt truyện tự nhiên” và “cốt truyện nghệ thuật” đồng thời được
xem xét trong mối tương quan giữa chúng đã cho chúng ta một cái nhìn khái quát về cốt truyện trong tính đầy đặn, nghệ thuật của nó.
Đáng lưu ý là Lí thuyết chủ nghĩa hình thức Nga, đặc biệt là
B.Tomachevski đã luận giải sâu sắc về khái niệm cốt truyện. Ông cho rằng “Cốt truyện không những đòi hỏi chỉ số thời gian, mà còn chỉ số nhân quả... Mối quan hệ nhân quả ấy càng thứ yếu bao nhiêu thì mối quan hệ thời gian càng quan
trọng”[68]. Và “Người ta có thể xem việc phát triển một cốt truyện như là sự chuyển từ một tình huống này sang một tình huống khác”[69]. Ông chú thích: “cũng áp dụng với truyện ngắn tâm lý, ở đây những nhân vật kế tiếp và các mối
quan hệ của họ được thay thế bằng chuyện nội tâm của riêng một nhân vật. Nhưng mô-típ tâm lí trong các hành động của họ, những khía cạnh khác nhau của đời sống tinh thần, những bản năng, những ham mê của họ... đóng vai trò
của các nhân vật thông thường”[68]. Và khái niệm cốt truyện được xác định: “Cốt truyện là tên gọi chỉ tổng thể các sự kiện liên quan nhau được thông báo trong tác phẩm (...) . Đối lập với cốt truyện là cốt truyện nghệ thuật, vẫn là các sự kiện ấy, nhưng ở trong sự trình bày, trong trật tự mà chúng được thông báo trong tác phẩm, trong mối liên hệ mà chúng được cung cấp trong thông báo về chúng trong tác phẩm”[59].
Như vậy, dù theo cách hiểu truyền thống hay theo quan điểm Thi pháp học hiện đại thì sự kiện vẫn được xác định là đơn vị cơ bản của cốt truyện. Tuy nhiên, thi pháp học hiện đại xem xét sự kiện trong hệ thống quan niệm, sự kiện
trong cốt truyện nghệ thuật là sự kiện mang quan niệm của nhà văn. “một sự kiện trở thành sự kiện đối với nhà văn này nhưng không phải là sự kiện đối với nhà văn kia”[59]. Cũng có nghĩa là ý nghĩa của sự kiện được xác lập trong một “môi
trường” nghệ thuật nhất định.