7. Cấu trúc luận văn
3.1 Điểm nhìn trần thuật
Trong sáng tạo nghệ thuật, điểm nhìn là yếu tố quan trọng, có vai trò đặc biệt quyết định thành công của tác phẩm. Về khái niệm điểm nhìn, Nguyễn Thái Hòa trong “Điểm nhìn và điểm nhìn nghệ thuật trong truyện” (kỉ yếu Hội nghị
Tự sự học, 2001, Đại học Sư phạm Hà Nội) có nêu: “Điểm nhìn nghệ thuật là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nó là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn”. Bàn về vai trò của yếu tố này trong cấu trúc của loại tác phẩm tự sự, tác giả Pospelov cho rằng: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các sự vật với chủ thể trần thuật, hay nói cách khác điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả”[17]. Trong giáo trình giảng dạy tác giả Trần Đình Sử cho rằng: “Điểm nhìn là cái vị trí dùng để quan sát cảm nhận, đánh giá, bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lí, tâm lí, văn hóa”[59, tr.149]. Các tác giả trong Từ điển thuật ngữ Văn học cũng cho rằng: “Điểm nhìn nghệ thuật là vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật…[19, tr.113]
Như vậy, điểm nhìn nghệ thuật là một yếu tố đặc biệt quan trọng, giữ vai trò then chốt trong sáng tạo nghệ thuật. Điều này là rất có cơ sở bởi ở tác phẩm tự sự nghệ sĩ sẽ không thể miêu tả, trần thuật được các sự kiện đời sống nếu không xác định được cho mình một điểm nhìn đối với chúng từ những góc độ và vị trí khác nhau.
Trong sáng tác truyền thống, người kể truyện - tác giả là người biết rõ, biết hết về nhân vật, về diễn biến câu truyện cho dù họ chọn vị trí trung gian hay xưng tôi. Cách kể ấy là cách kể chỉ có một điểm nhìn và vì thế văn học dần trở nên đơn điệu.
Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, với công cuộc hiện đại hóa văn học, các tác giả đã có những cách tân rõ rệt đối với lối kể chuyện đơn điệu và áp đặt trước đây. Các nhà văn đã có quan niệm cũng như cách nhìn mới về hiện thực
cuộc sống và con người “Công chúng không phải là đối tượng dạy dỗ, mách nước mà là đối tượng đối thoại về chân lí. Con người không phải là một thực thể biết trước…”. Cần có một phương thức trần thuật phù hợp với cái nhìn “đa
chiều”. Và vì thế các nhà văn đã thể hiện sự sáng tạo trong cách lựa chọn và linh động di chuyển điểm nhìn trong sáng tác của mình.
Như vậy, khái niệm điểm nhìn nghệ thuật có thể giúp ta giải phẫu cấu trúc nội tại của tác phẩm, phân tích cảm thụ, miêu tả và thái độ tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm.