7. Cấu trúc luận văn
2.2.2.1 Nhân vật bi kịch
N.A Guilaiep trong công trình Lí luận văn học đã từng phát biểu “xung đột bi kịch xuất hiện trên cơ sở những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa khát vọng chủ quan của nhân vật với hoàn cảnh khách quan của đời sống” [48]. Đọc
truyện ngắn Nguyễn Quang Lập ta cũng có thể nhận thấy xung đột ấy, xung đột tạo nên một loại bi kịch của con người.
Thông thường khi nói tới bi kịch, người ta nghĩ ngay tới cái chết của nhân
vật chính. Song trong Tiếng lục lạc không có cái chết mà nỗi đau còn nặng nề
hơn cái chết. Vợ chồng đại tá Chi sau hai mốt năm xa cách. Anh là đại tá sư đoàn, còn chị là một cấp dưỡng của các binh trạm. Cuộc chiến tranh kết thúc quá nửa đời người anh chị mới được gặp nhau. Ngày gặp lại, anh đã 57 tuổi, chị cũng 46, mới dám mơ ước có một đứa con. Cả hai cùng gắng gỏi vượt qua tuổi già, bệnh tật. Hằng đêm vợ chồng yêu nhau để hy vọng có đứa con mà như đọa đày
vì bất lực “Đêm đêm, anh ôm chị vào lòng. Chị lắng tai nghe nhịp tim anh có khỏe không” để đến một ngày kia hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh chị, chín
tháng mười ngày trôi qua, họ chờ đợi “thằng cu” trong ngập tràn hạnh phúc, chị
mường tượng thấy đứa con của mình “khôi ngô, bụ bẫm, nó chập chững lần thành giường đi về phía ba nó”. Còn anh “đêm đêm anh vén áo chị lên, ghé tai nghe tiếng đập của con anh. Anh nghe một cách nghiêm túc và kiên nhẫn”.
Nhưng phải chăng tạo hóa đã khéo trêu người khi “ban tặng” cho họ một đứa
con dị dạng “chân cháu bị bẻ gập ra sau, cứng ngắc, mặt cháu bị bóp méo đến ghê gớm: mí mắt trái phình ra rất lớn, kéo xuống bịt kín toàn bộ gò má. Môi dưới cháu cũng phình to ra trệ xuống quá cằm”. Không, tạo hóa không tàn nhẫn
như vậy mà do chất độc màu da cam đã ngấm với nồng độ rất cao trong cơ thể
chị mới gây ra như thế. Tội ác man rợ của chiến tranh đâu chỉ là “đống xương vô định đã cao bằng đầu” mà còn ở di hại của nó cho muôn đời sau. Vợ chồng đại
tá Chi, những người đã phải đi qua cuộc chiến tranh quá nửa cuộc đời, mà rồi không bao giờ được nhìn thấy những đứa con bụ bẫm, lành lặn mà lại sinh ra những đứa con dị dạng. Họ sẽ còn phải chịu khổ đau gấp trăm ngàn lần khổ đau trong cuộc chiến để làm cho hết phận sự của đời người vì những đứa con do hậu quả của chiến tranh để lại. Đó là một bi kịch đau đớn không gì bù đắp nổi.
Nguyễn Quang Lập đã khéo tạo ra hai cảnh đối lập cách nhau chỉ một bức tường, một khoảng sân: người mẹ đã qua cơn sinh nở, cơn sinh nở chờ đợi trong hi vọng của hai mốt năm chiến tranh và những tháng ngày hòa bình, chị mỉm cười hạnh
phúc, bác sĩ Giàu “dựa vào tủ thuốc thở dốc” điều ông không muốn tin đã thành
sự thật. Sự thật đau đớn ấy đã giáng vào ông đòn mạnh mẽ khiến ông choáng váng. Còn ngoài sân: người bố oai hùng từ trận mạc trở về, người bố chờ đợi đứa con của đời mình qua bao năm tháng chiến tranh gian khổ chờ đợi trong sự háo hức. Anh mơ ước sẽ trao cho con chiếc lục lạc là kỉ vật của một đồng đội đã hi
sinh tặng con, anh nghĩ “Ngày mai, thằng con anh không hiểu sao anh cứ nghĩ đó như “thằng” lớn lên, chỉ cần một tuổi thôi là anh đã giao lại cái lục lạc cho nó rồi. Nó có nghĩa vụ phải giữ gìn cái lục lạc cho hết đời mình. Để khi bố mẹ nó đã yên nghỉ dưới “suối vàng”, mỗi lần thành công được một việc gì, nó phải rung lên cho bố mẹ nó mừng…” ước muốn thật giản dị và tràn đầy yêu thương.
Anh chị đã có con trai đấy, nhưng ước mơ mãi mãi chỉ là giấc mơ, anh đã có con – con của anh đã ra đời bằng xương bằng thịt và đang ở cách anh có mấy bước chân thôi nhưng có lẽ cũng mãi xa vời vợi, có gì đau đớn hơn? Anh vẫn reo lên, anh vẫn giơ cao cái lục lạc gắn bó máu thịt với anh mà không biết được sự thật đang ở cách anh mấy bước chân là sự thật đau xót vô cùng. Qua tìm hiểu hai nhân vật này, độc giả cũng cảm nhận được chiều sâu nhân bản của ngòi bút Nguyễn Quang Lập, ông đã thể hiện chân thực và cảm động cái khát khao có được đứa con để an ủi cho tuổi già của những người lính sau cuộc chiến, cũng như nghịch cảnh đầy trớ trêu bất hạnh của họ mà chiến tranh đã để lại khi nó đi qua. Viết về chiến tranh, Nguyễn Quang Lập cũng như nhiều tác giả không viết về những người lính trong cuộc chiến mà ông quan tâm nhiều đến những bất hạnh, những đau khổ của họ trong thời hậu chiến vì thế khi xây dựng những
nhân vật cùng những số phận bi kịch, nhà văn dẫu có đề cập đến quan hệ xã hội, đến thân phận song không phải nhằm tái hiện những xung đột xã hội, những tính cách điển hình hoàn cảnh điển hình. Mục đích chủ yếu của nhà văn là thể hiện trạng thái tinh thần của con người trước những biến đổi tác động của hoàn cảnh sống. Chiến tranh dù đã kết thúc nhưng hậu quả của nó vẫn đeo bám và đè nặng
nên cuộc đời những người lính. Người lính trong Tiếng vạc sành (Phạm Trung Khâu) bị thương nặng, cả khuôn mặt, giọng nói đã biến dạng “phía dưới cặp mắt sáng và cái mũi thanh như một khoảng trống hoác. Xương cằm dưới bị cắt một nửa. Răng trên bị gẫy gần hết. Cái lưỡi bị thụt vào trong làm lộ cái miệng như một cái hang sâu hoắm, đỏ lòm, trông rõ cả cuống họng. Khi nói chuyện chỉ phát ra tiếng “tọc” “tọc” liên hồi cùng với đờm rãi rớt ra”[63]. Tất cả mọi
người từ vợ con đến đồng đội đều lầm tưởng anh đã hi sinh, may mắn thay người lính vẫn sống sót và tìm về quê hương. Nhưng lúc ấy vợ con anh đã sống hạnh phúc với người khác. Hơn nữa vì hình dáng kì dị anh cũng không dám tìm gặp họ, mà chỉ đứng ở phía sau cất tiếng gọi, hi vọng được nhìn ngắm vợ con lần cuối rồi sẽ ra đi mãi mãi oái oăm thay, người chồng sau lại tưởng anh là thú hoang nên đã vô tình bắn chết. Người vợ lúc đó mới vỡ lẽ mọi chuyện, chị đau khổ đến điên loạn rồi chết. Người chồng sau bị bắt để lại những đứa con không cha, không mẹ bơ vơ khi tuổi còn thơ. Người lính khi chết hóa thành con vạc sành, ngày đêm cất tiếng kêu khắc khoải, đau dớn. Đây là một thảm kịch vì sự tan vỡ, chia lìa hạnh phúc gia đình. Lỗi không phải tại ai mà lỗi tại chiến tranh.
Hạnh phúc mong manh cũng là một bi kịch về tình yêu và gia đình sau chiến tranh, nếu người lính trong Tiếng vạc sành trở về trong trạng thái méo mó
cả về hình dáng thì trong truyện ngắn này Nguyễn Quang Lập lại chủ yếu tập trung vào những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn con người. Trong cuộc chiến
một người lính bỗng nhiên có thai, bị kỉ luật buộc phải rời quân ngũ, chịu sự nhiếc móc của người mẹ và rồi rũ bỏ tất cả để dắt con lang hang đi tìm bố của nó. Tiếc rằng sau sáu năm ròng mong mỏi, hai mẹ con chị đã tìm thấy Thạc nhưng anh không thuộc về mẹ con chị nữa bởi anh đã có vợ, hơn nữa vợ anh cũng là một người phụ nữ tốt. Còn Mai sáu năm chung sống với chồng vậy mà chị chưa sinh cho anh được đứa con. Sự xuất hiện của mẹ con Liên khiến căn phòng sáu mươi bốn mét vuông của vợ chồng chị trở thành một căn phòng ngổn ngang bất hạnh. Mai đã không vượt qua được mình, chị lồng lộn trong ghen tuông, tìm cách trừng trị thằng bé cũng là cách đánh ghen mẹ nó ngay trong bữa ăn để rồi phải sống trong sự dằn vặt, đau khổ. Còn Thạc như một quả trứng không thể hòa chung lòng đỏ và trắng vào nhau, anh không thể vì Mai mà bỏ rơi Liên, lại không thể vì Liên mà nói xấu Mai, và con anh nó cần có bố. Với Liên, chị đã có thể sống qua mười năm chờ đợi, với gánh nặng kỉ luật, gia đình hắt hủi một đứa con thơ. Sáu năm đi tìm người yêu nhưng đứng trước một người đàn bà thứ hai của người yêu thì chị lại hoàn toàn bất lực. Mẹ con chị đã phải khó khăn biết bao để tìm được hạnh phúc nhưng hạnh phúc thật mong manh. Nó cứ trao liệng, dền dứ quanh số phận của những người trong cuộc để cuối cùng là sự ra đi lặng lẽ của mẹ con Liên với lời nhắn chất chứa đầy yêu thương “Con Đi Ba Hí-Nhơn”.
Tất cả các nhân vật trong truyện đều chỉ được một chút hạnh phúc mong manh trong cuộc sống, còn lại cho họ toàn là những buồn đau mất mát. Họ đã sẵn lòng nhường nhịn nhau, tưởng như người được nhường sẽ rất hạnh phúc và mình cũng hạnh phúc theo. Nhưng rốt cuộc lại mang thêm bất hạnh cho người được nhường và cho cả chính mình. Phải chăng đó là nghiệp chướng? ở truyện này là nghiệp chướng của chiến tranh.
Vẫn viết về chiến tranh, trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri ta lại
gặp một câu chuyện đau lòng, đó là bé Chơn mới năm tuổi được lôi ra từ dưới
bụng người mẹ chết bom cùng tám người ruột thịt khác trong gia đình “cha mẹ anh em nằm ngổn ngang trên mặt đất. Không ai còn trọn vẹn, mặt ai cũng nhăn nhó, thâm tím, hình như rất đau đớn. Thấy một chân mẹ rời ra, nó chạy đến, kéo cái chân rời tới gần, hí hoáy lắp vào cho mẹ. Nhiều người trông thấy, đứng ôm mặt khóc rú lên. Còn nó nó không để ý đến ai nữa, nghiến răng cố lắp chân mẹ cho bằng được. Cho đến khi hoàn toàn bất lực, nó gục đầu vào bụng mẹ òa khóc. Nó lăn xả vào ôm hết người này lay gọi, lại người kia… Toàn thân thấm đầy máu những người đã khuất…”. Không còn người thân, mái trường và vòng tay
cô Thương trở thành ngôi nhà thứ hai của thằng Chơn. Nhưng cái thung lũng Chớp Ri có vẻ là nơi an toàn trong chiến tranh nhưng lại không chút an bình trong cuộc sống của mỗi con người. Trẻ con không được nói dối, người lớn thì tha hồ. Việc nói dối của cô giáo Thương đầy tính nhân văn, trong khi lời nói thật
của thầy Hoài lại là sự độc ác “Em không biết chú Dũng chết rồi à ?”. Quả bom
tàn bạo có hình của Mỹ đã giết chết tám người ruột thịt của thằng Chơn nhưng quả bom tàn nhẫn vô hình của thầy Hoài tuy không giết chết được nó nhưng đã giết chết một tình yêu đẹp nhất trần đời trong tâm hồn trẻ thơ của nó. Mất niềm tin, mất cả điều ước vọng đẹp đẽ nhất thằng Chơn đã bỏ nhà ra đi cùng với chiếc ba lô “đi đánh đế quốc Mỹ” của nó. Sự ra đi của thằng Chơn là đỉnh điểm của sự tuyệt vọng, nó không chấp nhận sự giả dối cũng như sự hèn nhát đốn mạt.
Chiến tranh cũng đặt Ba-đoong và Cu-muôn trong Cây sến lửa vào hai
hàng ngũ đối lập một mất một còn để ông Cu-muôn phải mang mãi tâm trạng đau đớn của một người đã tự tay mình giết chết người bạn chí cốt từ thủa lọt lòng. Bi kịch, đó như một bi kịch cho những “tiểu địa đàng” khi nền văn minh xa
lạ xâm lấn vào, ùa vào bằng nhiều con đường, bằng nhiều lí thuyết cao siêu lẫn tầm thường, cuốn vào trong dòng lũ những con người nhất thời lầm lạc như Ba- đoong. Chiến tranh cũng đã gây ra bao đau khổ cho Thùy Dương, một cô diễn viên múa xinh đẹp bị bom tọa độ cưa đứt đôi chân, người yêu cô hy sinh ngoài chiến trường để rồi khi chiến tranh đã đi qua nhưng với Thùy Dương vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn vẫn luôn nhức nhối. Có lẽ những dấu tích chiến
tranh đó sẽ còn ám ảnh cô mãi (Tiếng kèn Trompet). Thùy Dương là nạn nhân của chiến tranh thì đến thời bình cô giáo Hường trong Tiếng khèn bè lại là nạn
nhân một bi kịch tình yêu. Bom Napan giết người tàn bạo nhưng không hủy hoại được tâm hồn những người sống sót. Nhưng thói đểu cáng lưu manh lừa lọc của con người thì hủy hoại thê thảm biến người ta từ một cô gái trong trắng ngọc ngà trở thành một người đàn bà điên dại kinh sợ. Nhưng đằng sau mỗi bi kịch vẫn là cái nhìn nhân bản. Người lái đò trong suốt mười sáu năm liền đã phải vật vã đau đớn vì ý thức được hết lỗi lầm của mình. Hai người đàn bà đều từ nỗi khổ của mình mà thông cảm nỗi khổ của người kia và dám hi sinh hạnh phúc cho nhau. Bằng tiếng khèn bè u buồn, chứa chất nhiều tâm sự và mang nặng tình yêu thương, người đàn ông đã cố giành lại cuộc sống cho một cô gái khốn khổ. Tình cảm yêu thương của đồng đội đã dành cho vợ chồng đại tá Chi. Thông qua những nhân vật bi kịch của Nguyễn Quang Lập, có thể thấy rằng, chúng không chỉ có chức năng tái hiện những xung đột xã hội và số phận con người mà còn thể hiện những trạng thái tâm tưởng của con người trước đời sống. Xây dựng những nhân vật này, Nguyễn Quang Lập đã có một hướng giải quyết rất riêng, xung đột tạo ra bi kịch thường gay gắt nhưng tất cả những xung đột ấy đều được chuyển hóa trong nhận thức và tình cảm của nhân vật, tạo ra những cái kết không có hậu nhưng đậm chất nhân văn.
Với việc thể hiện những bi kịch số phận, bi kịch tâm trạng của các nhân vật, có lẽ Nguyễn Quang Lập không chủ yếu nhằm khái quát bản chất xã hội của con người mà nghiêng về phía tinh thần nhằm bộc lộ những ý nghĩa nhân sinh sâu rộng. Phải nói rằng, không có những cảm giác nội cảm thật sâu đậm như thế nhân vật của ông chưa dễ gì có được sự đồng cảm của độc giả. Song ông đã làm được điều đó. Xét đến cùng, cảm nhận và miêu tả đời sống tâm lí sâu kín với bao giằng xé đầy bi kịch cũng là biểu hiện rõ nét khả năng nắm bắt đời sống của ngòi bút Nguyễn Quang Lập.