7. Cấu trúc luận văn
3.1.1 Lối trần thuật chủ quan
Theo M.Bakhtin: “Trần thuật từ ngôi thứ nhất là tương tự với sự trần thuật của người kể chuyện. Đôi khi hình thức này do dụng ý dựa trên lời kể của kẻ khác quy định; đôi khi như lối kể của Tuôcghênhiep nó có thể tiếp cận và cuối
cùng là hòa nhập với lời trực tiếp của tác giả, tức là hoạt động với lời một giọng của ngôi thứ hai” [38]. Với lối trần thuật này, người đọc thường thấy xuất hiện
một nhân vật xưng “tôi” chủ động kể chuyện mình. Mà nhân vật xưng “tôi” ấy chính là hình thức đóng vai làm một người trong truyện. Đây là lối kể của “người bình luận từ bên trong hành động”, điểm nhìn được đặt vào nhân vật xưng “tôi” cho nên qua cách nhìn nhận, đánh giá của nhân vật đó người đọc thấy tính cách, tâm hồn nhân vật sinh động đến mức như được tận mắt nhìn thấy một con người thực giữa cuộc đời, đang nghe anh ta tâm sự giãi bày. Với lối kể chuyện này, người đọc luôn tin vào câu chuyện, dễ bị cuốn vào diễn biến cuả chuyện, luôn có cảm giác là chuyện thực chứ không phải thế giới nghệ thuật.
Người kể truyện ở ngôi thứ nhất trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập trước tiên được thực hiện như hình thức bộc lộ cái “tôi’ cá nhân trong tác phẩm có tính tự truyện. Người kể chuyện đó cũng là một người trong cuộc, trực tiếp tham gia hay chứng kiến các sự kiện, nhập thân vào hoàn cảnh để mô tả, phân tích giải thích, suy ngẫm, bày tỏ thái độ. Sự hiện diện của nhân vật “tôi”- người kể chuyện chính là hình thức gia tăng tính đối thoại, chất vấn cho câu chuyện. Khi người kể chuyện cũng là một nhân vật bình đẳng như các nhân vật khác trong truyện sẽ lôi cuốn được sự chú ý của người đọc, tạo cảm giác về tính khách quan của truyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể truyện. Từ đó truyện mở rộng sự đối thoại đa chiều giữa người kể truyện với nhân vật, người kể chuyện với độc giả, nhân vật với độc giả… Người kể chuyện đã hiện diện , thâm nhập vào câu chuyện sẽ có dịp tìm sâu hơn vào thế giới nội tâm của con người. Mỗi lời nhân vật nói ra, tự trăn trở và giải thích giúp người đọc cảm
thấy nghe được “lời nói của người có mặt chứ không phải lời nói của người vắng mặt như là lời của ngôi thứ hai như là lời của ngôi thứ ba”[38]. Trong hầu hết
các truyện ngắn giai đoạn sau, nhân vật “tôi” chủ yếu kể chuyện người khác, do vậy vừa dễ dàng thâm nhập vào câu chuyện, đồng thời có thể quan sát nhân vật từ điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Nhân vật “tôi” khi kể truyện người khác sẽ không chỉ có cơ hội chứng kiến, bộc lộ cảm xúc của mình mà còn có thể đánh giá, phán xét, nêu ý kiến về nhiều phương diện đời sống. Nhân vật “tôi” tham gia dẫn dắt câu chuyện không phải trong một trạng thái tâm lí, không phải là người biết hết, trái lại luôn trăn trở, hoài nghi, thậm chí chợt bừng tỉnh nhận ra một điều gì đó đằng sau câu chuyện mà mình theo dõi. Đọc truyện
Đường đời không lối rẽ nhân vật “tôi” trong vai nhà văn Lập kể chuyện về một
cô gái tên Trâm, suốt hai mươi năm trời chị sống trong nỗi cô đơn bởi chị tin vào
tình yêu ba ngày đêm với Phương – một người lính “có tài bẻm mép”, bởi chị cũng tin vào lời nói của anh trước lúc hai người chia tay “ nếu hòa bình anh không về tìm em, có nghĩa là anh chết”. Và hòa bình anh không về tìm chị mà đã
kịp có một gia đình hạnh phúc. Trong khi đó đứa con gái là niềm an ủi duy nhất cũng bỏ chị mà đi, chị không lập gia đình mà ở vậy thờ chồng con, bởi chị vẫn tin vào lời anh dặn. Đau dớn, xót xa và cảm thông cho thân phận của người phụ nữ chính là nỗi niềm kín đáo ẩn sau câu chuyện kể của nhân vật “tôi”.
Một điều đặc biệt ở tác phẩm của Nguyễn Quang Lập là sự hóa thân của
tác giả vào những đứa trẻ. Trong truyện ngắn Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri tác giả đứng hẳn ở vị trí của đứa trẻ chín tuổi để cảm nhận, xem xét cuộc sống
và con người xung quanh, đứa trẻ thường tiếp nhận cuộc sống theo những ấn tượng thơ ngây, có nét phiêu lãng mơ hồ. Nó hay nghĩ về đám mây hình con cá
trắm, về cầu vồng bảy sắc, về dòng sông “phía đỉnh cầu vồng, một đám mây hình con cá trắm rất lớn, xuất hiện chỉ cách cầu vồng có một gang tay. Bao giờ có cầu vồng cũng có đám mây hình con cá trắm…Phía dưới bụng nó có một vệt
sáng, như là một lân tinh của nước biển. Lấp lánh, lấp lánh…Con cá trắm trôi tận cửa Gianh…” tất cả biểu tượng đẹp đẽ ấy là dành cho chú Dũng-người được
nó tin tuyệt đối. Nó không tin vào cái có thật (chú Dũng đã hy sinh, thầy Hoài và mẹ nó yêu nhau) nhưng nó lại tin vào cái hết sức mơ hồ.
Chọn ngôi kể từ cái nhìn của nhân vật “tôi”, một thằng bé mới chín tuổi, câu chuyện giữ được cái hồn nhiên của trẻ thơ khi nhìn những sự phức tạp của cuộc đời, đồng thời nó đảm bảo cho câu chuyện được giữ bí mật đến phút cuối đã đem lại cảm xúc mạnh mẽ và lâu dài trong lòng độc giả.
Trong truyện ngắn Vọng trắng nhân vật tôi kể với bạn đọc câu chuyện gia
đình mình, là người chứng kiến những sự biến đổi ngay trong gia đình đồng thời người đọc cũng nhận thấy sự chuyển biến trong cái nhìn của nhân vật “tôi”. Khi còn là một thằng bé bảy tuổi láu lỉnh, tính toán chi li đầy hồn nhiên, hài hước,
đến khi mười hai tuổi cậu đã nhận ra “mối ràng buộc thiêng liêng của gia đình và dòng họ… hiểu được hệ lụy của một người đối với mọi người”. Khi trở thành một cậu thanh niên 17 tuổi cậu “ vui vẻ khoác súng lên đường” vì ý thức được
mình đang thực hiện bổn phận thiêng liêng của con người và cũng chính là lời kêu gọi khẩn thiết của người mẹ. Qua sự dẫn dắt và cảm nhận của nhân vật “tôi” người đọc được chứng kiến những diễn biến tâm lý của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi người có một tâm trạng, một sự hy sinh riêng nhưng họ đều nén lại đau buồn và âm thầm chịu đựng. Truyện nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, nó không chỉ đọng lại sự xót xa, ngưỡng mộ, khâm phục của “tôi” mà còn gieo vào lòng người một sự xẻ chia thấm thía về lẽ sống cao thượng, về sự hi sinh cao cả của những người mẹ, người vợ trong chiến tranh, bởi không chỉ có máu đổ hay cái chết mới là sự khốc liệt của chiến tranh mà còn cả những năm tháng đợi chờ mòn mỏi, những hệ lụy tinh thần, sự hi sinh tình cảm không gì có thể cân đo đong đếm được.
Trong Tiếng kèn Trompet tác giả đã hóa thân vào nhân vật “em”- Thùy
Dương, một cô diễn viên múa xinh đẹp người đứng ra kể câu chuyện của chính mình khiến cho câu chuyện diễn ra hết sức tự nhiên như nó vốn xảy ra như thế. Tình yêu đến bất chợt khi tình cờ Thùy Dương bị ốm, Long bị thương và họ ở cùng nhau trong căn hầm. Tình yêu của họ thật đẹp nhưng chiến tranh lại tàn khốc khi Thùy Dương bị bom tiện đứt cả hai chân, chị còn sống nhưng chị không còn tiếp tục múa được nữa, không thể đi trên đôi chân của mình, nửa tình yêu kia của chị cũng ra đi mãi mãi. Vì thế, khi hòa bình đến nhưng với chị những chứng tích chiến tranh vẫn ở lại mãi mãi cả thể xác và tâm hồn. Sự mới lạ trong cách dùng đại từ “em” ở ngôi thứ nhất để kể chuyện làm cho câu chuyện nhẹ nhàng thú vị, khơi gợi được sự cảm thông và tạo được ấn tượng nơi người đọc.
Có thể nói, lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất của Nguyễn Quang Lập nhiều khi đã biến thành dòng ý thức hoặc độc thoại nội tâm của chính nhân vật. Bởi người kể chuyện không chỉ kể những sự kiện xảy ra trong đời sống mà còn dẫn dắt người đọc đi sâu vào thế giới bí ẩn của tâm hồn mình. Sự thật tâm hồn nếu được chính nhân vật giãi bày sẽ tự nhiên và chân thật hơn.
Trần thuật qua nhân vật “tôi” là cách để nhà văn biểu lộ trực tiếp những quan điểm cá nhân của mình. Đồng thời, khi khoảng cách của người kể chuyện với nội dung trần thuật bị xóa bỏ, truyện ngắn trở thành một thể loại hết sức dân chủ càng tỏ ra phù hợp với xu hướng tiếp cận hiện thực hiện nay. Truyện ngắn sẽ tạo ra một thế giới không chỉ tồn tại một chân lý duy nhất mà chứa đầy những câu hỏi, những vấn đề đang tiếp diễn chưa đến một kết luận sau cùng, những bề bộn ngổn ngang như nó vốn có…Chính bởi những lí do trên mà thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập trở nên hết sức gần gũi với bạn đọc.