Nhân vật cô đơn

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập nhìn từ thi pháp thể loại (Trang 60 - 66)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2.2 Nhân vật cô đơn

Trong các truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập nổi lên sự cô đơn của con người. Đặc biệt là con người thời hậu chiến. Lỗi cô đơn vừa là hậu quả của những mất mát, những tổn thất trong chiến tranh kéo dài đến hậu chiến và sẽ còn kéo dài mãi không biết đến bao giờ; vừa là hệ quả của cuộc sống mới khi không còn mục đích chung là tất cả cho chiến thắng. Thời chiến, một chiếc máy bay địch rơi đâu đó xa lắc xa lơ, một chiến công có được ở đâu đó xa tít bởi những người không quen cũng làm tất cả hậu phương, tiền tuyến nức lòng. Đến thời bình khi con người ta quay trở lại với những lo toan vặt vãnh thường ngày với những nhu cầu cá nhân, thật khó tìm thấy sự chia sẻ, hòa đồng. Mỗi con người quẩn quanh trong sự cô độc của riêng mình.

Khi chiến tranh kết thúc, chứng kiến những bi kịch của số phận người, phải nói rằng Nguyễn Quang Lập đã rất nhạy cảm khi khám phá nỗi cô đơn trong tâm hồn con người. Đó là lão Nông - một người đàn ông cô độc, một mình gặm nhấm nỗi cô đơn vì ông đã mất hết người thân trong chiến tranh. Và một cô giáo Hường đã phát điên và sống kiếp người không phải là người trong thời bình

vì sự độc ác, giả dối ngọt ngào của Hùng - gã lái buôn bảnh bao. Giữa hai con người cô độc của hai bi kịch đó ngẫu nhiên mà gặp nhau và tiếng khèn bè của ông Nông như một phương thuốc thần diệu, kéo cô gái đáng thương ra khỏi cơn mê dại. Tiếng khèn có sức lôi cuốn, có hiệu ứng của một loại “thần dược” bởi nó được chắt ra, vắt ra từ tâm khảm, từ một tình cảm được giấu như than ẩn trong tro. Tình cảm đó không đơn thuần là đam mê giữa hai giới tính mà bắt nguồn từ một tình người, một tình cảm thánh thiện. Tiếng khèn của người đàn ông cứu rỗi tâm hồn đau đớn của cô giáo. Nhưng tiếng khèn đơn độc của ông trong phút chốc đã không thể chiến thắng sức mạnh của sự giả dối bởi bóng ma cũ lại xuất hiện. Bóng ma đã làm cho người con gái hóa dại, bóng ma xuất hiện từ cái đuôi ma quái của con chó trắng, con vật đã đồng hành trong giấc mơ của ông suốt một thời gian dài trước khi gặp cô gái điên, gã lái buôn một con người gây cho người khác cảm giác vừa đáng ghét vừa đáng sợ. Tiếng khèn bè của ông lại vang lên, nhưng lần này chiếc khèn thần thánh của ông hình như đã mất hiệu lực. Ông thổi hoài mà người đàn bà vẫn nhảy múa, hú hét. Mặt trời đã rụng bên kia đỉnh núi, người đàn bà vẫn cuốn theo những vòng múa man rợ như có một con quỷ nào đó đang xốc nách chị tung hê. Ông không chịu buông chiếc khèn bè, hy vọng của ông không tắt, không thể tắt được. Ông dồn hết sức lực của năm mươi năm có mặt trên đời này để đẩy hơi vào chiếc khèn bè. Liệu tiếng khèn ấy có một lần nữa chiến thắng được cái xấu xa đê tiện để giành lại cuộc sống cho cô giáo Hường?

Không phải Nguyễn Quang Lập nghi ngờ khả năng được hưởng hạnh phúc của con người nhưng nhân vật của ông thật khó khăn biết bao để đạt được điều đó. Trong Tiếng khèn bè người đàn ông cô độc đó muốn dùng tình yêu thương của mình để cứu vớt một con người nhưng lòng nhân ái của ông thật đơn độc trong cái nhịp sống hiện đại.

Đó còn là một ông Thiệt trong Ngày xửa ngày xưa, sống hai năm đơn độc

trong rừng với đôi mắt mù lòa, một mình ông phải chống chọi với muôn vàn khó

khăn “Làng Mùi đã biến dạng... Những con thú nhỏ đã tìm về sinh sống. Đôi khi có những bầy lợn rừng kéo nhau qua mặt ông, đôi khi có vài con rắn trườn qua bụng ông vào những giờ ông ngủ..., và sau đó là tiếng hổ, thỉnh thoảng có tiếng hổ gầm lên ghê rợn...Nhưng mọi sự hăm dọa của súc vật không làm ông sợ hãi bằng nỗi cô đơn khủng khiếp mà ông đang chịu đựng”. Nhưng bằng niềm tin và

một khả năng phi thường, ông đã vượt qua mọi khó khăn để tìm về đồng bằng với mọi người, vô cùng sung sướng nhưng bao nhiêu viễn cảnh tốt đẹp mà ông đã vẽ ra trong phút chốc đã tan vỡ. Ông đau đớn nhận ra: không một ai hiểu để mà xót thương cho ông cả. Cũng đúng thôi, bởi họ làm sao có thể hình dung hết sự tồn tại cô độc trong hai năm của ông tội nghiệp như thế nào, làm sao họ có thể hiểu được sự thiếu thốn tiếng người hai năm qua kinh khủng ra làm sao để chạy ngay đến ôm chầm lấy ông, để mà an ủi ông. Khi gian khổ và cô độc ông vẫn sống sót vì ông còn niềm tin, niềm hy vọng vào con người. Nhưng khi đã đến với con người rồi ông lại thấy mình lạc lõng, sống khắc khoải trong nỗi cô đơn, niềm hy vọng duy nhất là có ngày gặp lại chị Lẹ-người vợ thứ tư của ông lại nối dài cuộc sống cho ông, thế nhưng kết cục của cuộc gặp gỡ đó lại là đỉnh điểm của sự tuyệt vọng, ông mất hết niềm tin vào con người. Chiến tranh tàn khốc và chết

chóc nhưng trong lửa đạn tình người đã nuôi sống ông và vì thế hai tiếng “mọi người” đã trở thành niềm tin, trở thành sức mạnh tiếp cho ông sự sống, nhưng

hòa bình thì ông lại phải chạy trốn đồng loại trong sự cô đơn lạc lõng. Bởi cuộc sống hiện đại đã cuốn con người ta đi và không cho phép người ta dừng lại dù chỉ chốc lát để hiểu thực ra những người cạnh mình cần gì. Và đó cũng là một bi kịch của thời hậu chiến.

Quan tâm đến thế giới tinh thần của con người, Nguyễn Quang Lập còn có khả năng đi sâu vào khai thác những uẩn khúc, tạo nên tấm bi kịch ngầm trong con người nhân vật. Điều này có thể thấy ở một số truyện mà tập trung hơn cả

trong truyện Đò ơi. Đó là câu truyện về người lái đò “người anh hùng sông nước” đã có “năm mươi năm sống lương thiện và một giờ gây tội ác”. Chiến

tranh, bom đạn không gây nên cho ông một vết xước nào trên da thịt nhưng trong một phút trỗi dậy của con người bản năng ông lại gây ra cho mình một vết thương lòng quá đắng cay để rồi trong suốt quãng đời còn lại sống trong đau khổ, cô đơn, lương tâm bị dày vò.

Truyện của Nguyễn Quang Lập phần lớn là truyện buồn, truyện về một nỗi khổ đau mất mát, ngòi bút của ông đặc biệt quan tâm đến số phận người phụ nữ. Có lẽ càng nhạy cảm bao nhiêu phụ nữ càng dễ bị tổn thương bấy nhiêu

trước những điều trớ trêu của cuộc sống. Nhân vật “chị” trong Bốn mươi chín cây cơm nguội cũng vậy là một người phụ nữ đã từng có một thời trẻ đẹp với

dăm bảy chàng trai lực lưỡng lẽo đẽo theo đuổi. Vậy mà cho đến ngoài tuổi bốn mươi chị mới nhận được cái hôn đầu tiên, bất ngờ của một người đàn ông xa lạ

đã khiến chị “sững người, toàn thân rung lên, một cảm giác mát rượi và ram ráp từ lúm đồng tiền má trái chạy lây lan khắp cơ thể chị”. Điệp khúc “mát rượi và ram ráp” y như là âm thanh của tiếng mưa rơi và chảy vào tâm hồn người phụ

nữ vậy, nó tưới đẫm tâm hồn tưởng đã khô héo của chị, để rồi chị lại khát khao và tiếc nuối cái thời trẻ trung đã qua. Mà thực ra chị đâu đến nỗi mất đi cơ hội

hưởng hạnh phúc, nếu như không có cái “hắng giọng” đầy phi lý mất nhân tính

đầy giả dối ghê người của tay thủ trưởng binh trạm Trường Sơn năm xưa. Cái hắng giọng “oai hùng” ấy đã khiến chị phải xuôi tay đứng nhìn tuổi xuân trôi qua khô héo. Chị đã đi qua chiến tranh không còn cơ hội để tạo dựng hạnh phúc

nhưng nhu cầu bản năng không thôi ám ảnh chị, giữa khuya chị đã lao vào cơn mưa mịt mù, đi như kẻ mộng du, áp mặt vào thân cây cơm nguội để tự lừa mình

đó là khuôn mặt đàn ông. Cũng giống như “chị” trong Bốn mươi chín cây cơm nguội, chị Túc trong Xưa kia chị đẹp nhất làng của Tạ Duy Anh từng là một cô

gái vô cùng xinh đẹp, đảm đang. Chị như một cô tấm giữa trần gian, người như chị lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc. Vậy mà chiến tranh đã cướp đi của chị tất cả: tuổi trẻ, sắc đẹp, tình yêu. Khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường thì chị đã trở thành người đàn bà lỡ thì, tàn tạ, đã có đứa trẻ bi bô tập nói gọi chị là bà. Như vậy, chiến tranh không chỉ cướp đi bao nhiêu sinh mạng, gây ra cảnh đau thương, tang tóc chia lìa cho bao gia đình. Chiến tranh còn gây ra sự lỡ dở cho bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu cuộc đời.

Hay đó còn là hạnh phúc của một người đàn bà vắng chồng mười chín năm và người đàn ông vợ chết bom mười chín năm bất thành chỉ vì bà bị ám ảnh bởi cặp mắt của người chồng đã khuất, nó làm cho bà day dứt, đau đớn. Nó là cái giá nhân đôi của sự hy sinh nghĩa tình, ràng buộc của người phụ nữ Việt Nam

trong và sau cuộc chiến có quá nhiều mất mát (Vĩnh biệt mười chín con gà trống). Một ông hiệu trưởng bất đắc dĩ, vì ông “là một cán bộ xã được điều về phụ trách trường” đã ba chục năm không có ai thay thế “vì không có thằng đếch nào dưới xuôi ngu đến nối bò lên đây tranh chức hiệu trưởng” của ông. Trước

đây, ông đã từng yêu cô giáo Diệp, dù đó là tình yêu đơn phương để rồi ông hiệu trưởng trẻ măng đó biến thành một người mỗi ngày cần phải làm cho mình say thêm, sao cho ký ức ba mươi năm về trước ngập chìm trong rượu. Còn Mỵ, trước kia là một nữ sinh với tuổi thiếu thời nhiều mộng tưởng điên rồ và xuẩn ngốc,

mới mười bốn tuổi “đã cả gan ngồi thu lu một mình sau tảng đá hàng giờ liền chờ đợi một người đàn ông”. Vậy mà bốn mươi bốn tuổi chị vẫn có một mình

trong sự cô đơn “đối với chị, bóng tối luôn luôn nguy hiểm và đểu cáng, nó tìm mọi cách dìm chết tuổi thanh xuân của chị”. Những kỷ niệm của ba mươi năm

về trước, những kỷ niệm về cô giáo Diệp vẫn cứ hiện về ám ảnh tâm trí của hai

người để rồi “trời xui đất khiến thế nào mà trong thung lũng chỉ còn họ là độc thân”. Sự trớ trêu của số phận những con người bình thường, những cuộc sống

bình thường mà dữ dội, âm thầm... đó chính là cuộc đời. Đợi đến mùa hoa phượng, họ vẫn là những con người với một thế giới đầy riêng tư bí ẩn, chua cay và cả ngọt ngào? Rồi hy vọng mùa hoa phượng đến nỗi cô đơn của họ sẽ trôi qua, quá khứ không còn ám ảnh mà chỉ còn là kỷ niệm... và hạnh phúc sẽ quay về.

Như vậy, cô đơn thực chất là chuyện của những số phận, những con người cá nhân nhưng nó không phải là vấn đề riêng tư, nhỏ bé. Đi vào từng mảnh đời cô độc là những vấn đề mang tính lớn lao, thể hiện con người cô đơn chính là chủ nghĩa nhân đạo trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập để góp phần giúp cho người đọc hiểu rõ hơn những vấn đề sâu kín thuộc về vấn đề con người. Ở mỗi truyện ngắn sau chiến tranh là từng cá thể, từng mảnh đời thầm lặng hay sôi động, chân dung và số phận con người đã được thể hiện khá sinh động, sâu sắc, đa chiều. Đi sâu vào tâm hồn con người, nhà văn thấy được ở mỗi nhân vật ấy từng niềm vui, nỗi buồn hay sự đau khổ, khao khát, đam mê. Đúng như lời nhận

xét “Nhân vật của Nguyễn Quang Lập mang những nét cô đơn mà nguyên nhân là do hâu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Nhưng vượt lên nỗi cô đơn, mỗi nhân vật đều nuôi giữ cảm hứng về tương lai”[65].

Có thể nói, qua nhân vật thể hiện quan niệm sống, cách nhìn nhận đánh giá con người cũng như tài năng nghệ thuật của Nguyễn Quang Lập. Mỗi nhân vật là một cuộc đời, một số phận trong cuộc sống xã hội muôn màu muôn vẻ mà soi ngắm vào đó ta sẽ thấy những triết lý nhân sinh sâu sắc của nhà văn.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập nhìn từ thi pháp thể loại (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)