Lối trần thuật khách quan

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập nhìn từ thi pháp thể loại (Trang 81 - 84)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.2Lối trần thuật khách quan

Người trần thuật khác với người kể chuyện, không trực tiếp xuất hiện

trong tác phẩm. Người trần thuật là “hình thái của hình tượng tác giả…,là người mang tiếng nói, quan điểm của tác giả vào trong tác phẩm văn xuôi”[19]. Điểm

nhìn này đặt người kể ở ngôi thứ ba, không tham dự vào câu chuyện và luôn có ý thức giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật. Người kể có thể nhập thân chứ không nhập vai nhân vật. Đây là kiểu người kể toàn thông “biết hết” nhưng chỉ đứng ngoài diễn biến câu chuyện được kể. Lối kể này đem đến cảm giác các sự kiện như nó kể ra không ai nói. Sự kiện được đưa lên hàng đầu để cố gắng xóa đi sự hiện diện của người kể.

Với quan điểm trần thuật này, câu chuyện được kể dưới nhiều góc độ, nhiều quan niệm và cách lý giải khác nhau vì thế mà tạo nên tính chân thực cho tác phẩm.

Bằng giọng của người kể hàm ẩn, thế giới nhân vật cùng các sự kiện bên

ngoài và bên trong được tái hiện. Chẳng hạn mở đầu cho Hạnh phúc mong manh tác giả viết: “Bây giờ người đàn bà ấy đã xuất hiện trong căn phòng sáu mươi tư mét vuông của vợ chồng anh. Một người đàn bà nghèo, quần áo tuềnh toàng, cũ kĩ với đứa con chừng mười tuổi đã gõ cửa đúng phòng anh sau sáu năm gõ cửa nhầm hàng trăm nhà người khác”. Như vậy, người đàn bà ấy và đứa con của chị

là nhân vật được quan sát, nhân vật được miêu tả thông qua lời của một người kể hàm ẩn, không tham gia vào nội dung câu chuyện.

Hay trong Tiếng gọi phía mặt trời lặn, câu chuyện về chú vẹt Hơ-rê cứ

như tự nó kể ra, không thông qua giọng trực tiếp của một nhân vật cụ thể nào:

chần chừ. Nó đứng run rẩy trên một nhành cây lim cao nhất triền núi bên này nhìn sang cây lim cao nhất triền núi bên kia với ánh mắt đầy lo sợ”.

Nguyễn Quang Lập sử dụng phương pháp trần thuật này nhiều hơn, bởi ông đã biết làm mới lối trần thuật quen thuộc để tạo cho tác phẩm những cuốn hút của người đọc. Với lối kể lạnh lùng khách quan nhưng vẫn thể hiện thái độ của mình khi dựng lại những cảnh đời oái oăm, trớ trêu đặc biệt thời kỳ hậu

chiến. Một ông Thiệt trong Ngày xửa ngày xưa đã sống sót trong cuộc chiến tàn

khốc. Hai năm sống đơn độc ở rừng hoang với đôi mắt mù lòa, phải chống chọi với muôn vàn khó khăn nhưng bằng nghị lực phi thường ông đã vượt qua khó khăn để tìm về đồng bằng với mọi người, vô cùng sung sướng nhưng bao nhiêu viễn cảnh tốt đẹp mà ông đã tưởng tượng ra trong phút chốc đã tan vỡ. Trong hành trình trở về với con người ông lại không được chấp nhận làm người. Trong

Tiếng lục lạc người kể cũng tái hiện từ góc nhìn chứng kiến cảnh đoàn tụ của vợ

chồng đại tá Chi sau hai mươi mốt năm xa cách. Họ khát khao có một đứa con và hạnh phúc cũng mỉm cười với họ, nhưng hạnh phúc hay bất hạnh khi đứa trẻ

sinh ra “là một con người dị dạng”. Nguyễn Quang Lập tỏ ra lạnh lùng, dửng

dưng khi tiếp cận mảng hiện thực này nhưng đằng sau sự lạnh lùng đó là cả một trái tim nhân hậu đang thổn thức trước nỗi đau của những con người đang trực tiếp gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Cũng vậy, khi kể lại một bi kịch về tình

yêu và gia đình sau chiến tranh ở Hạnh phúc mong manh, người đọc như đang

được xem một bộ phim quay chậm, vì vậy câu chuyện cứ diễn ra một cách khách quan, điểm nhìn của người trần thuật cũng không cố định mà luôn di chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác. Nhà văn đã để cho nhân vật tự đối thoại, được trực tiếp tranh luận, đi từ suy đoán đến sự thật, và từ sự ghen tuông, ác cảm đến

sự đồng cảm và nhường nhịn hạnh phúc cho nhau. Người kể chuyện không tham dự vào câu chuyện và không “ràng buộc” người đọc vào bất cứ thiên ý nào.

Chọn cho mình điểm nhìn khách quan lạnh lùng, có lúc tưởng như vô cảm và mất niềm tin vào con người, Nguyễn Quang Lập cố tình đi ngược với cảm xúc nhân văn thông thường để thâm nhập sâu hơn vào một thực trạng đã mất hết tính nhân văn. Đó là những tàn dư của chiến tranh để lại đi kèm với sự thờ ơ, vô cảm của con người với nỗi đau của người khác, bởi nhịp sống hiện đại đã cuốn người ta đi và không cho phép người ta dừng lại dù chỉ trong chốc lát để hiểu

được những người đang sống cạnh mình cần gì (Tiếng khèn bè).

Từ một điểm nhìn bên ngoài hết sức khách quan, nhà văn đã phơi bày đến cả những mảng hiện thực chua xót nhất. Đó là cảnh vợ liên kết với nhân tình để

hại chồng trong Sa mạc trắng: “ Hắn vụt ra từ cánh trái cái tủ ba buồng, chụp tấm chăn chiên lên người đàn ông. “A...oái!”. Người đàn ông thất kinh, giãy đành đạch, nhưng hắn khỏe hơn ít nhất năm lần, lẹ làng gí mạnh ngón tay cái phía ót nạn nhân...người đàn ông đã mềm nhũn trong tay hắn...Vợ người bị nạn từ lúc hắn hành sự đến giờ vẫn trùm kín chăn “ngủ như chết” bỗng bật dậy... Hắn bật cười thành tiếng. Người đàn bà nghệch mặt , cười-cái mặt cười méo xệch. Thị xách tay nải, thở hắt ra: “Đi được chưa?”. Hắn ôm chặt thị, thè lưỡi liếm quanh mặt thị. Em ơi! Tiên sư bố nó...tự do rồi!”. Qua lời kể người đọc có

thể nhận thấy thái độ mỉa mai khinh miệt đối với những kẻ mất hết lương tâm, sẵn sàng trà đạp lên những giá trị đạo đức để chạy theo dục vọng cá nhân.

Có khi, nhà văn không xuất hiện trực tiếp nhưng tạo ấn tượng sinh động về câu chuyện qua sự cảm nhận của nhân vật, phương thức trần thuật khách quan trong truyện ngắn Nguyễn Quang Lập do vậy tỏ ra linh hoạt hơn. Chẳng hạn, khi

miêu tả, thuật lại sự khó khăn của trong công cuộc đi tìm hạnh phúc của con

người qua một số truyện (Đợi đến mùa hoa phượng, Bốn mươi chín cây cơm nguội...) nhà văn đều xuất phát từ cái nhìn và sự cảm nhận của nhân vật trong

truyện. Dù bằng cách nào thì nhà văn vẫn giữ một khoảng cách nhất định với hiện thực mình kể.

Có thể nói, với phương thức trần thuật này, nhà văn muốn tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật, thấy cả những bề bộn, phức tạp của cuộc sống con người chứ không chủ yếu thấy cái quá khứ anh hùng hay những mộng tưởng về một cuộc sống hoàn thiện, ưu việt. Như vậy, trần thuật khách quan tạo ra một tâm lý tiếp nhận thoải mái cho người đọc, bình đẳng trong cảm nhận, tiếp xúc, đánh giá đối với những mảng hiện thực khắc nghiệt, cay đắng, xót xa... chứ không đơn thuần thụ động chỉ biết lắng nghe theo sự “phán truyền chân lý” của tác giả. Mỗi truyện ngắn do vậy giống như một khả năng, một giả thuyết, một cách nhìn và độc giả có thể lựa chọn cho mình kết luận sau này.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập nhìn từ thi pháp thể loại (Trang 81 - 84)