Giới thuyết về ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 105 - 107)

6. Đóng góp của luận văn

3.3.1.Giới thuyết về ngôn ngữ nghệ thuật

Ferdinandde Saussure trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương khẳng định:

"Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu tạo thành một kho tàng lưu trữ trong tư duy của

một cộng đồng". Cùng quan điểm đó các tác giả trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đã làm sáng tỏ khái niệm ngôn ngữ ở hai cấp độ. ở cấp độ nghĩa khái quát:

Ngôn ngữ là "hệ thống kí hiệu dùng làm phương tiện để diễn đạt, thông báo", còn ở nghĩa hẹp, nghĩa cụ thể, ngôn ngữ là: "hệ thống ngữ âm, những từ, những quy tắc kết hợp chung mà những người trong cùng một cộng đồng làm phương tiện giao tiếp với nhau"[59,tr.666]. Các tác giả đã khá đồng nhất trong khái niệm này. Ngôn ngữ trước hết phải là một hệ thống các kí hiệu và được thống nhất với nhau theo những quy tắc kết hợp chung của những người trong cùng một cộng đồng, một dân tộc. Hệ thống kí

hiệu đó trở thành phương tiện quan trọng để mọi người trong cộng đồng giao tiếp. Ngôn ngữ đã trở thành phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người.

Ngôn ngữ nghệ thuật là một thuật ngữ dùng để chỉ các phương tiện được sử dụng trong một nghành nghệ thuật, một sáng tác nghệ thuật. Trong đó mỗi loại hình nghệ thuật đều có một ngôn ngữ nghệ thuật làm phương tiện thể hiện riêng. ở loại hình văn học, ngôn ngữ văn học là phương tiện làm nên tác phẩm văn học. Ngôn ngữ văn học là "ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học" là "công cụ, chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy "văn học được gọi là nghệ thuật của ngôn từ". Goorki khẳng định: "Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học". Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố cuối cùng thể hiện phong cách tài năng của nhà văn. Vì thế nghiên cứu phong cách nghệ thuật của nhà văn không thể không nghiên cứu ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương của họ. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học hay còn gọi là ngôn từ văn học.

Theo Phương Lựu: "Ngôn từ văn học là ngôn từ của tác phẩm văn học, của thế giới nghệ thuật là kết quả sáng tạo của nhà văn. Đó là ngôn từ giàu tính hình tượng và giàu sức biểu hiện nhất, được tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm và tác động thẩm mĩ đến người đọc"[49,tr.185]. Ngôn từ muốn trở thành ngôn từ nghệ thuật phải qua vai trò sáng tạo của nhà văn. Các nhà văn dùng ngôn từ nghệ thuật làm chất liệu để sáng tạo tác phẩm văn học. Nhưng ngôn từ chỉ phát huy được hiệu quả thẩm mĩ khi được cụ thể hoá trong câu văn. Câu được hình thành từ chất liệu từ theo một quy tắc nhất định. Chỉ qua câu, tiềm năng thẩm mĩ của từ mới thực sự phát huy tác dụng. Nói cho thật chính xác thì văn học là nghệ thuật sử dụng câu văn, lời văn, bài văn vào mục đích nghệ thuật. Và ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc hình thành cá tính sáng tạo của nhà văn.

Nghiên cứu khả năng sử dụng ngôn ngữ trong hai cuốn hồi kí của Tô Hoài chúng tôi nhận thấy nhà văn rất có ý thức trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân lao động. Tô Hoài từng ao ước mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống trang bản thảo. Hạt ngọc mới nhất của mình tìm được do phong

cách văn chương của mình mà có. Nhà văn đã tìm ra cách riêng để sàng lọc hạt ngọc ngôn từ ngay trong chính lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động. Đó là môi trường thuận lợi để nhà văn phát huy sở trường của mình, là một sự tìm tòi đầy sáng tạo minh chứng cho tình yêu tiếng Việt của nhà văn.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 105 - 107)