Nhà văn Nguyên Hồng

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 47 - 52)

6. Đóng góp của luận văn

2.2.2.3.Nhà văn Nguyên Hồng

Nguyên Hồng được bạn đọc biết đến với phương châm sáng tác bất hủ: “Tôi sẽ viết, viết về những cảnh đói khổ, về nơi trái ngược, bất công. Tôi sẽ đứng về phía con người bị lầm than, bị lăng nhục”[16]. Là nhà văn của những người cùng khổ có trái tim nhân đạo sâu sắc. Tất cả những ai biết Nguyên Hồng, đã từng gặp, từng nghe ông nói chuyện, có lẽ đều không thể quên được một nhà văn với: "Cái quần nâu, tấm áo cánh, mồ hôi muối ăn đã bạc cả hai vai, chiếc mũ lá cọ, đôi dép lốp chẳng khác chút nào với màu sắc, dáng nét của những người đi chợ, người bán hàng trên đường”[32,tr.739] trông giống như một bác nông dân chính hiệu. Mỗi khi nói chuyện

nhà văn đặc biệt rất hay xúc động và hay khóc. Hồi kí Tô Hoài bổ sung cho chúng ta những tư liệu khác về đời tư của nhà văn, về những thói thường, những mặt “chả hay ho gì” đồng thời cả những tâm sự u uẩn, những tâm trạng buồn và một bản lĩnh nghệ sĩ tuyệt vời, đáng kính trọng.

Giản dị trong ăn mặc, xuề xòa trong lối sống đời thường. Nơi làm việc cùng cung cách làm việc của Nguyên Hồng cũng khác người: “Bàn làm việc là chiếc chõng tre trong gian nhà tranh vách đất, mảnh chiếu trải dưới đất thay ghế ngồi. Lúc nào mỏi ngả lưng luôn xuống chiếu, người viết đưa xuống say mê ngòi bút những điều mình ấp ủ không biết đến xung quanh nữa miễn sao có mực, có bút và chỗ kê được trang giấy lên”[27,tr.121]. Không chỉ chú ý đến lối sống, sinh hoạt. Cách ăn mặc, ăn uống của Nguyên Hồng cũng được Tô Hoài rất thích thú. Khác hẳn với Nguyễn Tuân cầu kỳ, sành ăn Nguyên Hồng xuề xoà, giản dị phàm ăn đến bất ngờ: “Ông có thể nhắm rượu với ổi xanh, hành sống, cà pháo muối sổi, thịt bò mua ngoài chợ về xào chỉ cho muối, không cần mỡ, rau húng, cần tây không cần rửa chỉ cởi lạt, ngắt ăn cả nhánh với lý luận "hàng rau người ta rửa rồi mới đem ra chợ bán chứ ăn cả đất đâu mà lo, khéo vệ sinh lôi thôi...”[27,tr.156].

Hay cả món ăn đặc biệt như “nem Sài Gòn” làm bằng nhân rau bà đẻ mà Nguyễn Tuân gọi mỉa mai là “chả rán Nguyên Hồng”. Món ăn theo ông nó có sức mạnh thần kỳ chữa bách bệnh. Chỉ có Tô Hoài người “ăn cả bọ hung” mới dám

thưởng thức chứ Nguyễn Tuân mới chỉ nghe đến đã lắc đầu quầy quậy. Nguyên Hồng nghiện cả thịt chó. Nhưng cái kiểu ăn thịt chó của ông cũng thật khác

người. Thịt chó đánh chén thừa ngoài quán hổ lốn nào thịt luộc, lòng gan trộn lẫn húng, riềng, cả đùm con muối tiêu ông gói vào giấy báo cho vào cặp mang theo lúc nào bỏ ra ăn tiếp. Thưởng thức món bánh cuốn của thím Hồng Lâm, Nguyễn Tuân khen ngon nhưng cũng chỉ ăn một cặp để cảm nhận hương vị còn Nguyên Hồng thì đánh lẻm năm đôi như mọi khi, một chục chiếc đầy đặn sau còn xin mươi chiếc đem về vì ông bảo mình có thói quen ăn đêm “như con vạc ăn đêm...”

ăn uống tạp nham, xuề xoà như thế nhưng trong công việc lại hết sức cẩn thận và công phu ông giữ gìn từng trang bản thảo, cẩn thận đến độ đi đâu cũng ôm đồm vác theo. Không yên tâm để chỗ nào, sợ lạc, sợ mất. Con mắt tinh quái của Tô Hoài còn phát hiện thấy “trong cái cặp da bản thảo thường cắp theo, lúc nào ở trong cũng

kẹp sẵn mảnh giấy dầu vỏ bao xi măng con rồng xanh không thấm nước …Đêm ngủ đâu nhỡ một cái…lần ra hiên ngang cạnh cửa sổ, trải mảnh giấy nọ ra…

rồi lại gói kỹ lưỡng bỏ vào cặp. Hôm sau vứt xuống hố hay đống rác nào đấy. Có khi tiếc cái giấy còn tốt, lại gột sạch đem phơi. Chẳng coi là sự bẩn thỉu giấu giếm" [27,tr.277].

Xây dựng chân dung người bạn thân của mình hồi kí Tô Hoài dựng lên đầy đủ

những cá tính, những thói tật của Nguyên Hồng với nhiều chi tiết khá trần trụi Nhưng đây không hẳn là cái nhìn hạ thấp con người mà là cái nhìn chân thật, đời

thường nhất. Đặt nhân vật tồn tại trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong xã hội, chỉ ra những cái tốt, cái xấu của họ. Tô Hoài cho người đọc thấy con người thực của họ giữa cuộc đời từ đó hiểu văn chương của họ sâu sắc hơn, kéo gần khoảng cách giữa nhà văn và độc giả. Trong sáng tác của Nguyên Hồng phần lớn nhân vật của ông là những con người cùng khổ, đáng thương, có số phận bất hạnh. Nhân vật của ông và chính ông, đều chứa chan tình cảm làm động lòng không ít độc giả. Nhà văn thường xúc động và hay khóc.

Đọc hồi ký Cát bụi chân ai ta không thể quên hình ảnh một Nguyên Hồng lặn lội mang theo chồng báo từ số 1 để “thanh minh” khi tờ báo Văn do Nguyên Hồng

làm chủ bút bị phê, bị dập là “đả hữu khuynh, bị lũng đoạn”. Nhà văn để một tay lên chồng báo to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn, xót xa, vuốt mép báo: “Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu vì nó, thế mà làm

sao tôi lại có thể sai. Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng tôi hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể...”[27,tr.84].

Trước tình cảnh ấy bảo dối trá thì không ai nỡ, không ai dám hạ đòn ấy. Những chữ ngoan cố “boong ke” đâm ra cũng loãng không đúng với những quang cảnh thực sự sầu não của người bị phê bình, mà cuộc họp nào cũng vậy. Rõ ràng đòn đánh là lập trường, quan điểm nhưng Nguyên Hồng lại biện minh bằng tình, bằng “lý lẽ cùng đường và những dòng nước mắt”. Thật thà đến thế là cùng. Hay trong quán lão Tiểu lạc Viên phát hiện ra mùi của cái gói thịt chó Nguyên Hồng mở ra đãi bạn đã thay đổi thái độ “chắp tay” rầu rĩ như khấn cầm nén hương cắm vào chân tường trong chỗ tờ giấy dán điều trang kim đã đen xỉn nạm chân hương, mặt hầm hầm. Thái độ ấy khiến “Nguyên Hồng lật đật gói lại bọc thịt chó, bỏ vào cặp nước mắt lưng tròng. Rồi cung cúc bước ra lấy xe đạp” [27,tr.86].

Hay mủi lòng, hay khóc thế thôi nhưng Nguyên Hồng lại quyết đoán đến lạ lùng. Mọi việc trong nhà đều nhất một Nguyên Hồng định đoạt... “Thầy nó đã định thì ai nấy chỉ việc làm theo. Cả tính toán chi tiêu mắm muối, Nguyên Hồng đều đi chợ tự lo liệu”. Nếu không chị ấy cũng bảo các con đã hỏi thầy mày chưa. Chính vì thế trong gia đình chẳng ai dám chất vấn hay ngỡ ngàng trước quyết định bỏ Hà Nội về Nhã Nam của Nguyên Hồng. Ai cũng hiểu để có quyết định kia chắc chắn Nguyên Hồng phải đau đớn nhiều lắm giữa một bên là gia đình đã yên nơi ăn chốn ở và một bên là lòng tự trọng đến ngạo nghễ. “Đủ lắm rồi. ông đ. chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam” [27,tr.118]. Về Nhã Nam chắc hẳn là sẽ sống những ngày tháng chật vật, vất vả, trong căn nhà “mưa to, mái hắt, tường thấm nước, mà nắng thì nóng ơi là nóng” nhưng Nguyên Hồng lại vểnh râu hào hứng: “Các ông xem dinh cơ của tôi thế nào? Đã hơn dinh đề Thám chưa?” Rồi cất giọng hách lấn át khi nói về đám thợ xây nhà mình: “Toàn tay thợ đã cất dinh ông Đề, đã xây dựng doanh trại quan ông Đề Thám đấy”[27,tr.123]. Lạc quan, tếu táo trong hoàn cảnh khó khăn. Chẳng bao giờ băn khoăn, dằn vặt trước quyết định của mình. Một Nguyên Hồng giàu lòng tự trọng, luôn đứng trên mọi hoàn cảnh thật đáng làm gương cho mọi người. Ta nể trọng một Nguyên Hồng ở tuổi 52 đương sức lực hăm hở xin nghỉ hưu ngay khi cơ quan vận động giảm biên chế. Người ấy dù ở đâu, làm gì cũng chẳng

ghét ai, thân ai, tưởng như vờn vỡ gần gũi rất vui nhưng vẫn là xa lánh một mình.

Đọc Những gương mặt chân dung văn học ta biết thêm một Nguyên Hồng rất

thích la cà ở chợ, ông cho rằng: “Học ở đấy chứ đâu. Người ta nói bao nhiêu là chữ cho mà học, mình biết cái mách gì, chữ nghĩa hình thức trong sách đâm ra thừa...” [32,tr.737]. Vì thế nhà văn thường đi chợ “ngồi ngất ngưởng bắt chuyện với mọi người” quen thuộc và gần gũi đến mức trong cảm nhận của mọi người, cũng như bà bán bia dưới phố Huế: “Ngỡ đấy là một ông lão kỹ tính, theo con cháu xuống chợ, những ông lão trong làng ra chợ búa thành phố hay hỏi dớ dẩn nửa lẩm cẩm, nửa cẩn

thận...”[32,tr.737]. Đến Cát bụi chân ai bức chân dung ấy một lần nữa xuất hiện trở

lại trong cái thú tẩm quất tại ngã ba xế cửa ga Hàng Cỏ. Nguyên Hồng hiện ra giản dị không khác một ông lão nông dân bình thường: “Cởi áo, quần dài gối đầu, mình trần độc trụi cái quần đùi, nằm úp xuống chiếu cứ lật người lên xuống để cho người tầm quất mù loà sờ sẫm bẻ khục răng rắc đốt chân, đốt tay, đốt lưng, vành tai, sống mũi kêu răng rắc như bánh đa” cho đến khi thấy sướng lứ lử rên hừ hừ “giãn xương sống, nằm thẳng cẳng, rên ú ớ dễ chịu quá, sướng quá” mới lồm cồm bò dậy, trả tiền rồi cứ vắt áo quần lên cánh tay lừ rừ đi...”[27,tr.125]. Nguyên Hồng khoái tầm quất đến mức chưa cơm nước gì, chẳng để ý gì đến mọi người xung quanh chợ Kỳ Lừa, cũng chẳng cần có chiếu, ông nằm ngay xuống đất để được giãn gân cốt. Cái thú bình dân ấy của Nguyên Hồng khiến bạn bè khó có thể quên được. Bởi lẽ trong các nhà văn chắc chắn chỉ có Nguyên Hồng đặc biệt như thế mà thôi.

Chân dung Nguyên Hồng còn được phác hoạ bởi những “mối tình thoang thoảng” mà ít người biết đến. Giống Nguyễn Bính ở cái tính trăng gió “sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa...” Nguyên Hồng “ăn ý” với mấy bà “nạ dòng má phúng phính bánh đúc, áo cánh chồi, môi cắn chỉ”[27,tr.277]. Để đến khi “bà chị kéo cả một đại đội binh mã con cái làm tan hoang” khiến cô hàng xén phải “bán xới đi nơi khác. ông mới choàng tỉnh và còn nhăn nhó tiếc rẻ: “Mất mẹ cái màn” [27,tr.277]. Chẳng biết cái màn gửi cho người ta bán hay màn mắc ra nằm cho đỡ muỗi. Không chỉ có vậy, tơ vương ấy còn giăng mắc ngay tại Hà Nội với bà cai ách phì nộn nạ

dòng bán bia. Cách biểu lộ tình cảm của bác “gà trống cựa” Nguyên Hồng với người đẹp thật nực cười nhưng cũng thật đáng yêu “lau chau ra ghé vai vác bia vào kê lên kệ cẩn thận”. Để rồi xong việc, công lao của họ cũng được trả xứng đáng “Sơn Tinh xích lô và Thuỷ Tinh cầm bút khi nào cũng được bà lão người đẹp rót cho hai vại bia tươi đầu tiên...”[27,tr.278]. Tình tứ nhưng cũng rất đời thường, chân chất, Nguyên Hồng hiện ra với những cá tính thật đáo, với một khí phách giữa đời thường không thể trộn lẫn với bất cứ một nhà văn nào khác .

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 47 - 52)