Chân dung những con người bình thường

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 59 - 63)

6. Đóng góp của luận văn

2.2.3.Chân dung những con người bình thường

Bên cạnh chân dung những nhà văn lớn, những cây đại thụ trong nền văn học nước nhà, Tô Hoài cũng khá thành công khi khắc hoạ chân dung những con người bình dị đến từ các miền quê khác nhau, nơi nhà văn đã sống, đã đi qua. Mỗi người một dáng vẻ, một công việc, một số phận khác nhau. Thế nhưng ở những con người ấy luôn hiện diện tất cả các cung bậc khác nhau của đời sống xã hội. Họ là những nét chấm phá đậm nhạt góp phần hoàn thiện bức tranh cuộc sống đa thanh, đa diện giữa đời thường.

Bước vào thế giới Cát bụi chân ai ta bắt gặp chân dung những con người hết

sức bình thường. Họ có thể chẳng có tên nhưng lại gắn bó nhiều duyên nợ với Tô Hoài và các bạn của ông. Đó là ông lão 81 người Nhật - ông chủ hàng cafe bít tất với bộ quần áo nâu non nhờ nhệch, dáng ngơ ngơ như đương lẩm nhẩm ai trả tiền, ai lỉnh mất. Là ông chủ Tiểu Lạc Viện “đôi mắt kính lấp lánh” với câu cửa miệng “có ngay” luôn thường trực trên môi. Là ông Ca cafe, bác cháo gà Chữ, ông Hồng Lâm quán

bánh cuốn gần ngã sáu dốc chợ Bưởi, lão Sáng nhị mũi hay những cô gái như Ly Chờ, Thào Mỷ, Chúng Thị Phà... nơi mảnh đất địa đầu tổ quốc. Những con người ấy và số phận của họ để lại trong lòng người đọc khá nhiều ấn tượng sâu sắc. Cuộc đời họ đôi khi cũng nhiều chua xót.

Ly Chờ cô giáo sinh người Mông chỉ võ vẽ biết đọc, biết viết mà quyết tâm đi xoá mù chữ cho bản làng. Đẹp sắc sảo nhưng hồng nhan bạc phận bởi cái không may vẫn không chịu buông tha người con gái ấy. Bốn mươi tuổi, Ly Chờ về hưu non mà cũng phải "chạy mãi mới được cái sổ hưu". Cuộc đời người con gái vùng cao như Ly Chờ nhiều lúc tưởng đã lóe sáng vậy mà cuối cùng cũng chỉ im lặng chìm vào ruộng nương, gia đình vào “những bóng người địu củi, vác nước và tiếng gọi lợn, gọi trâu ời ợi trong sáng chiều"[27,tr.221]. Nói về Ly Chờ dường như Tô Hoài ngậm ngùi, chua xót. Bao nhiêu khát khao, hi vọng dành cho cô con gái nuôi cuối cùng tan biến trong vòng quay của số phận.

Rồi đến Thào Mỷ - phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã ở Mèo Vạc. Hoạt bát, nhanh nhẹn thành công trong công việc thế mà con đường tình duyên lại

long đong, lận đận. Cô gái dân tộc Mông tân tiến dám bỏ anh chồng kém 10 tuổi để về nhà mình, dám đi giúp bộ đội dịch tiếng địa phương rồi trở thành cán bộ huyện. Cô làm cái việc mà chẳng người đàn bà Mông nào lúc ấy dám làm. Con đường công danh rộng mở bao nhiêu thì con đường tình duyên lại gập ghềnh trắc trở bấy nhiêu. Bỏ chồng để mưu cầu hạnh phúc riêng nhưng lại không thể bén duyên với người mình yêu. Chê anh chồng trẻ con ít tuổi mà lại chỉ gặp những anh chàng ít tuổi hơn mình. Rồi cũng lấy được chồng nhưng hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu. Bởi chồng cô vừa ít tuổi hơn lại vừa không biết chữ anh ta không muốn vợ mình làm cán bộ. Cuộc đời Thào Mỷ như một triết lí đã được an bài sẵn. Hạnh phúc hay khổ đau, kiêu hãnh hay ngậm ngùi âu cũng là số phận mà chẳng ai có thể định trước được trong cuộc đời mình. Dường như ở những con người này tác giả luôn viết về họ với cái nhìn cảm thông sâu sắc nhất.

Chúng ta còn bắt gặp chủ tịch huyện Vù Mý Kẻ, con người dọc ngang, ngang dọc một thời, đã từng thét ra lửa, từng là đại biểu quốc hội được sang tận nước

Nicaragoa bên nách nước Mỹ. Thế mà giờ đây đã về hưu ở Sà Pìn cuộc sống vẫn chẳng có gì thay đổi. Chua chát, đau đớn trước niềm hy vọng lớn về họ mà giờ không đạt được Tô Hoài luôn canh cánh bên mình những hoài niệm đẹp về họ.

Từ Cát bụi chân ai đến Chiều chiều là một vòng thời gian gần như trùng khít

(thập niên 40, 50 đến thập niên 90). Tô Hoài đã sống một cuộc sống gắn bó máu thịt với từng sự kiện lịch sử của đất nước trong suốt một hành trình dài. Từ hiện thực cuộc sống ấy con người xuất hiện với tư cách hoàn toàn bình thường: “Con người là con người” hay “người ta ra người ta phải là người ta đã chứ”. Cho nên khi phác hoạ chân dung các nhà văn ông luôn tìm ra nét độc đáo nhất trong mỗi con người ấy để thể hiện. Còn phác hoạ chân dung những con người bình thường ông thâu tóm được cái thần, cái hồn nhất, cái làm nên bản chất, làm nên cá tính của họ. Những con

người bình thường đó ta bắt gặp rất nhiều ở hồi kí Chiều chiều trong thời kỳ nhà văn

đi thực tế ở xóm Đồng - Thái Bình.

Nhắc đến nhân vật nông dân ta không thể không kể đến ông Ngải - ông chủ nhà Tô Hoài hồi sống ở xóm Đồng. Đây là nhân vật nhà văn có nhiều dụng công khi xây dựng. Một ông lão cá tính với “khuôn mặt mai mái, không trắng không sạm. Con người suốt đời đồng áng mà da không bắt nắng...nhờn nhợt"[28,tr.58] thì cũng có vẻ bề ngoài giống với Phan Khôi. Đem so sánh một ông lờ đờ mù chữ với một ông khinh khỉnh bụng một bồ chữ thì quả là có khập khiễng thật. Nhưng dường như Tô Hoài cũng có lý do của mình. So sánh một ông Phan Khôi ngang nghạnh, đốp chát “chẳng coi ai ra gì” với một ông lão nông dân cả đời chỉ biết việc đồng áng, chăm chỉ, cần cù giống như một sự tương, tác, bổ trợ nhờ thế mà chân dung nhân vật hiện ra rõ nét hơn. Không có cái vẻ ngang nghạnh, đốp chát nhưng ông Ngải lại là một người thật đặc biệt. Đặc biệt từ sở thích : ngoài những lúc đi làm thì “ngôi nhà” của ông là cái búi “tre lép ở ngoài bờ ao” đến nhu cầu ăn uống - bữa sáng của ông chỉ là bát nước chè xanh. Vậy mà sức vóc của ông khiến người ta chỉ nghe mà đã kính nể: “Hai bàn chân cuốc, bước huỳnh huỵch. Cả đời ông chỉ cuốc sắn mai, làm vai con trâu kéo”[28,tr.77]. Ngày trước ông đi cày mướn theo trâu. Một con trâu thường đi

suốt ba sào, ông kéo một buổi năm sào ruộng gần gấp đôi trâu chỉ đổi vai thừng một lần. Con người ấy chỉ biết sống, lao động bằng chính đôi tay của mình. Ông không theo Việt Minh vì chẳng muốn “ôm rơm nặng bụng”. Thế mà thật bất ngờ ông lại vào hợp tác xã một cách tích cực với lý do thật đơn giản: “Có ruộng thì có thóc, hợp tác xã cũng là ta cả thôi. Vào hợp tác xã ai cũng phải lao động, lao động thì được chấm công, ăn thóc không làm thì đói há mồm ra”[28,tr.81]. Chẳng thế mà cái thời đi lên hợp tác xã ấy, mọi người làm việc theo kẻng theo giờ thì ông Ngải đi sớm về muộn, ông làm theo ý ông, không biết cái kẻng. Ông quá tuổi lao động, ông làm hay không cũng thế, nhưng hôm nào không đi làm thì chân tay như uổi ra. Cái gì ông cũng tự nghĩ ra rồi làm. ông chỉ theo tay ông mà thôi.

ấn tượng với ông Ngải năm ấy đi thực tế về Tô Hoài đã viết một bài văn cho học sinh phổ thông miêu tả: "Ông Sóng vò lúa bàn chân to ngoàm nghiến từng lượm. Người làm ruộng không cày, không trâu không kéo đá. Cả đời chỉ cái cuốc và hai bàn tay, bàn chân với những nét ác liệt”[28,tr.74]. Con người tưởng chừng không gì tàn phá nổi vậy mà mấy chục năm sau trở lại xóm Đồng hình ảnh ông Ngải khiến chúng ta ngậm ngùi, đau xót, bất lực trước sự công phá của thời gian.

Bốn chục năm đã trôi qua, con người khoẻ mạnh chăm chỉ, bước chân huỳnh huỵch ấy giờ chỉ còn trong trí nhớ. Miền ký ức xa xôi đã thành kỷ niệm mà giờ đây thời gian đã bào mòn tất cả. Cuộc sống trai trẻ thời trước qua đi giờ chỉ còn lại cái già nua, cũ kỹ của đời người. Tất cả dường như lắng lại trước vận động khắc nghiệt

của thời gian. Có thể nói, trong hồi kí Chiều chiều Tô Hoài đã xây dựng thành công

nhân vật có số phận, có đời sống, có cách ứng xử, có tâm trạng. Ông Ngải hiện lên từ những chi tiết khá tỉ mỉ về ngoại hình, ngôn ngữ, thói quen, tính cách cuộc đời. Hình ảnh ông Ngải đem đến cho ta những phác họa cơ bản nhưng đậm nét về người nông dân Việt Nam. Bên cạnh bức chân dung đậm nét về ông Ngải ta cũng bắt gặp ở xóm Đồng những người nông dân thuần nhất như vợ chồng anh Sự bí thư, như lão Khế làm hai mang và còn biết bao con người bình dị khác. Tất cả họ làm nên bức tranh cuộc sống ở làng quê lúc bấy giờ.

Không chỉ là những người nông dân xóm Đồng, còn biết bao con người bình

thường khác góp mặt trong hồi kí Chiều chiều. Đó có thể là những người bạn cùng

học với tác giả ở trường Nguyễn ái Quốc như ông Canh ông chỉ học hết khoá học rồi về hưu. Đi học mà bận rộn biết bao với những lo toan cho gia đình, cuộc sống cơm áo đã cuốn ông đi để đến lúc chẳng quan tâm được điều gì xung quanh mình. Cả cuộc đời chỉ lặn lội với bao thứ cỏn con như thế.

Đó còn là anh tỷ phú Khải phố Huế làm giàu lên nhờ bán phở bò với niềm đam mê không cắt nghĩa được trong công việc mưu sinh mà chỉ anh mới giải thích nổi. Là anh công an Mùi hay ghi chép những điều chưa hề biết. Là ông Đại tổ phó dân phố, ông Dương công an khôn khéo luôn tìm cách để được ăn tiền. Bằng đôi ba nét phác hoạ, đậm nhạt khác nhau dù chỉ là thoáng qua nhưng những con người bình thường ấy hiện lên trong kí ức nhà văn mang tính chất triết lý về xã hội sâu sắc. Họ là những con người như bao con người khác đang tồn tại, đang lặn ngụp trong công cuộc mưu sinh vất vả nhưng vẫn chứa chan niềm tin, hi vọng vào cuộc sống tốt đẹp. Đây là điểm sáng trong hồi kí Tô Hoài. Mặc dù xây dựng chân dung những con

người bình thường ở các miền quê không phải là mục đích chính của nhà văn song với cảm quan nhân bản đời thường, hồi kí của Tô Hoài đã thu vào tầm nhìn khá

đông đúc những chân dung ấy. Với những nét cá tính khác, nghề nghiệp khác, thói tật cũng chẳng ai giống ai. Đời sống hiện lên qua những con người này sinh động muôn màu, muôn vẻ. Điều đó tạo nên nét riêng, nét độc đáo, đây cũng chính là yếu tố góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật hồi ký Tô Hoài.

2.3.Thời đại văn học, số phận con người và sự thăng trầm của lịch sử

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 59 - 63)