Giới thuyết về giọng điệu nghệ thuật

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 94 - 96)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.1.Giới thuyết về giọng điệu nghệ thuật

Giọng điệu là một phương diện cơ bản cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học, có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Đây là nhân tố thể hiện cái nhìn, cách bày tỏ tình cảm thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống, vừa là phương tiện đặc sắc giúp người đọc thâm nhập vào thế giới tinh thần của nhà văn. Giọng điệu nghệ thuật còn là một trong những yếu tố hàng đầu khẳng định sắc diện riêng của nhà văn.

Bàn về giọng điệu Bakhtin sử dụng khái niệm Golos( với ý nghĩa giọng) : phát ngôn âm thanh mang tính cảm xúc, biểu hiện thái độ lập trường của chủ thể. Giọng của con người chính là âm thanh được phát ra từ một bộ phận phát âm trong cơ thể. Nhưng bản thân âm thanh chưa thể trở thành giọng điệu khi chưa có sự can thiệp sâu sắc của trường độ, cường độ, âm lượng, âm sắc, âm vực. Nhờ sự can thiệp đó âm thanh mới tạo nên sắc thái riêng biệt và trở thành giọng điệu. sắc thái riêng biệt này là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu nhận diện chủ thể này với chủ thể khác. Nhờ giọng điệu mà chúng ta có thể nhận ra nhau cách xa hàng nghìn cây số.

Giọng điệu biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật. Là yếu tố bộc lộ chủ thể một cách trung thực cho phép ta nhận ra nét riêng, sự độc đáo của người nghệ sĩ. Đó là yếu tố cơ bản tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Trong văn học, giọng điệu chính là "hiện tượng nghệ thuật toát ra từ bản thân tác phẩm và mang một nội hàm tư tưởng thẩm mĩ ( Trần Đình Sử). Giọng điệu nghệ thuật phụ thuộc và chi phối từ rất nhiều yếu tố. Cảm quan hiện thực, cảm hứng chủ đạo đến quan hệ của tác giả với đối tượng. Giọng điệu nghệ thuật được thể hiện trong lời văn để bản thân tác giả bộc lộ thái độ, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn với đối tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay

suồng sã, ca ngợi hay châm biếm. Giọng điệu nghệ thuật được thể hiện qua các sắc thái khác nhau. Người ta có thể bắt gặp giọng điệu ngợi ca, hào sảng, giọng điệu tố cáo căm giận trong cùng một tác phẩm, một tác giả hay một trào lưu. Bởi giọng điệu chủ yếu không những không loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học những sắc điệu khác nhau. Giọng điệu mang tính khu biệt cao độ, phân biệt nhà văn này với nhà văn khác, phong cách tác giả này với phong cách tác giả khác. Thông qua giọng điệu chủ đạo người ta có thể nhận diện một gương mặt riêng không thể nhòa lẫn với bất kì một gương mặt nào khác. Nói như Sêkhốp: "Nếu như tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả".

Giọng điệu nghệ thuật dù ở thể loại nào cũng đều là một yếu tố thẩm mĩ đặc biệt. Nó "không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm trong một chỉnh thể"( Trần Đình Sử). Như vậy giọng điệu trong tác phẩm văn học là phạm trù có liên quan đến các yếu tố tạo nên văn phong tác giả : hình tượng nghệ thuật, từ ngữ, cú pháp, âm thanh, nhịp điệu, ngữ điệu..thể hiện cái nhìn của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Thái độ của tác giả với đối tượng thẩm mĩ, thái độ của người phát ngôn đối với người nghe. Vì vậy nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một nhà văn không thể không nghiên cứu giọng điệu nghệ thuật của nhà văn ấy. Chúng ta từng bắt gặp giọng châm biếm, hài hước của Nguyễn Công Hoan khi phê phán sự lố bịch của xã hội thực dân nửa phong kiến, Giọng đắng cay, chua chát trước những bi kịch của con người trong xã hội cũ của Nam Cao. Giọng cảm thương thống thiết của Nguyên Hồng trước nỗi khổ của con người. Còn ở Tô Hoài, ông không bó gọn mình trong một giọng văn cụ thể nào. ở ông có cả sự dí dỏm, hài hước, cả suồng sã tự nhiên và trữ tình nhiều cung bậc.. Giọng điệu ấy biểu hiện ở tất cả các thể loại khác nhau. Nhưng riêng với hồi kí mảnh đất mà cái tôi của nhà văn được bộc lộ một cách tự nhiên, đầy đủ nhất. Nhờ đó câu chuyện của ông luôn hấp dẫn người đọc bởi một cái duyên riêng đôi lúc hóm hỉnh, hài hước đến tinh quái.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 94 - 96)