Giọng điệu suồng sã, tự nhiên

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 99 - 102)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.3.Giọng điệu suồng sã, tự nhiên

Phản ánh muôn mặt cuộc sống đời thường, giọng điệu suồng sã của Tô Hoài

trở nên đắc địa hơn bất kì một yếu tố nghệ thuật nào khác. Môi trường của Cát bụi chân ai, Chiều chiều là môi trường thế sự. ở đó có những mối quan hệ đời thường,

quan hệ tình cảm (gia đình, tình nghĩa xóm làng, bạn bè), công việc làm ăn, sinh sống. Những mối quan hệ đó gần gũi, thân tình khiến họ có thể bộc lộ bản tính tự nhiên như đang đối thoại với nhau trong cuộc đời thực. Ta nghe lời đối thoại tự nhiên qua câu chuyện của vợ bí thư Sự: "Đến khuya, có tiếng gọi khe khẽ - Bà chủ ơi bà chủ - Đứa nào thế ? - Bà làm ơn cho mượn con dao tôi chặt cây chuối bơi qua sông, pactidăng nó sắp tuần xuống đây rồi - Cha đẻ mẹ mày, đêm hôm nhà đàn bà con gái,

bà thì… - Tôi là bộ đội - Bộ đội, đội thúng, đội mẹt cái con đẻ mẹ mày. Nhà tề đây, có cút không thì bà gọi bảo hoàng nó xuống gông lại…"[28,tr.55].

Giọng điệu của đoạn văn cơ bản được tạo bởi cách lên giọng, cách sử dụng ngữ điệu qua lời chửi đổng, qua cách xưng hô "bà" thể hiện tính cách đanh đá, chua ngoa, không dễ bắt nạt của vợ bí thư Sự. Cái suồng sã, tự nhiên biểu hiện trong lời thoại này là vô cùng phù hợp.

Giọng điệu đó còn thể hiện trong lời chửi đổng của anh Sự dành cho vợ: "Đồ đĩ rạc". Sử dụng giọng điệu này biểu thị thái độ coi thường của anh Sự dành cho vợ. Đôi khi cái suồng sã được thể hiện một cách tự nhiên trong lời chửi của bà khách mua hàng thời bao cấp khi được biết những món đồ mình muốn mua chỉ dành bán cho cán bộ: "Cha tiên nhân mày, sao mày không đẻ ra cán bộ chỉ đẻ ra thằng nhân dân"[27,tr.224]. Tự nhiên, chân thực như tận mắt chứng kiến cuộc đối thoại. Chẳng cần phải né tránh, thay đổi ngôn từ, giọng điệu Tô Hoài góp phần khắc hoạ tính cách nhân vật của mình y như cuộc đời thật.

Và đây là cuộc nói chuyện của Nguyên Hồng khi ông quyết định rời Hà Nội về Nhã Nam. Lúc đầu thái độ của Nguyên Hồng khi bị cho là có thái độ chống đối những người tích cực. Ông nói: "ừ, tao kiện. Tao tin tưởng đồng chí Sao Đỏ. Không dễ thịt nhau như thế. Tao có điều gì không đúng với Đảng". Ông nói đi nói lại: "Rồi mày xem, rồi mày xem" Nhưng đến khi đọc xong bài báo của Tô Hoài in trên báo

Nhân dân thì Nguyên Hồng thay đổi hẳn thái độ. Nguyên Hồng buông tờ báo xuống.

Rồi Nguyên Hồng xua tay nói như thét vào mặt Tô Hoài: "Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không".(…)Nguyên Hồng nói khẽ: "Tao tính cả rồi. Trông đây này(…)Tao về Nhã Nam. Tao về Nhã Nam. ừ Nhã Nam. Đủ lắm rồi. Ông đ. chơi với chúng mày. ông về Nhã Nam" [27,tr.118]. Nguyên Hồng là thế, điềm nhiên đấy rồi lại khóc ngay được. Cách xưng hô của ông cũng rất tự nhiên, không hề câu nệ . Ông xưng "tao" khi thân mật, xưng "ông" khi bực tức và văng tục khi không còn chịu nổi uất ức dồn nén trong lòng. Bốp chát ngay khi không vừa

lòng, không chấp nhận. Nhưng đằng sau cái góc cạnh sỗ sàng ấy là tấm lòng thẳng thắn, chân thành, giàu tự trọng.

Vẫn cái giọng điệu sỗ sàng tự nhiên ấy một lần nữa ta bắt gặp trong câu chuyện của Nguyễn Tuân và hoạ sĩ Nguyễn Sáng. "Nguyễn Sáng đến chơi mùng 3 tết. Hai người uống vui. Câu chuyện xoay quanh nghệ thuật. Bốc lên, Nguyễn Sáng hét: "Chỉ có một thằng Sáng thôi, còn thì cứt hết". Nguyễn Tuân giơ tay ra cửa: "Đi ngay". Nguyễn Sáng vẫn hăng: "Nguyễn Tuân à, đừng tưởng bở! Ông không biết viết tiểu thuyết. Truyện không có nhân vật, vứt đi". "Anh ra khỏi đây ngay" Nguyễn Sáng lập cập xuống cầu thang. Gặp tôi, Nguyễn Sáng nước mắt đầm đìa. Nguyễn Sáng bảo con gái tôi: "Người ta vừa đuổi chú". Ngồi tỉ tê một lúc hỏi mới ra câu chuyện những cái tài, cái tai gặp nhau. Nguyễn Sáng nói một câu sắc rợn: "Nó khinh người bỏ mẹ, lại bảo mình khinh người " "Lúc nãy có nói thế với Nguyễn Tuân không? Chưa nói hết câu nó đã tống mình đi rồi. Tức quá đi luôn"[28,tr.259]. Cách nói chuyện của Nguyễn Tuân và hoạ sĩ Nguyễn Sáng chẳng khác gì một cuộc cãi nhau ngoài chợ. Cũng văng tục, chửi bậy khi thì xưng thằng, khi thì ông rồi lại chuyển sang nó thật tự nhiên như ở ngoài đời. Những câu chuyện đời thường tưởng chỉ gặp ngoài đời nhưng bước vào thế giới hồi kí của Tô Hoài ta bắt gặp thường xuyên nhờ cái giọng điệu riêng ấy. Dù là nghệ sĩ, là nhà văn nhưng bao giờ họ cũng là những con người bình thường. Nguyên Hồng cũng có lúc văng tục "mất mẹ nó cái màn" "bỏ mẹ rồi, bỏ mẹ" "chỗ khỉ ho cò gáy cũng có thằng tầm quất", "Ông đ. chơi với chúng mày nữa". Nguyễn Tuân cũng vậy, cũng có lần vừa khôi hài vừa mỉa mai: "Chó biết thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cười mủm mỉm hiền lành, không hiền lành của mày".

Như vậy, trong muôn chuyện đời thường bất kể chuyện gì Tô Hoài cũng có thể đưa lên trang sách nhờ giọng điệu trời phú này. Từng chi tiết, từng hình ảnh cụ thể, từng cá tính, thói tật riêng đều được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường khiến chuyện của Tô Hoài cứ hồn nhiên như dòng chảy của cuộc sống. Nhờ chất giọng đời thường này, Tô Hoài đã xoá nhoà khoảng cách giữa văn chương với cuộc đời. Giúp người đọc tiếp cận với tác phẩm một cách tự nhiên, gần gũi như đang giao tiếp với

nhân vật giữa cuộc đời. Nhờ thế, giá trị thẩm mĩ, tư tưởng của tác phẩm nâng lên tầm cao mới là dấu ấn đích thực của văn xuôi chân chính.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 99 - 102)