Giọng điệu trữ tình, xót xa

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 102 - 105)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.4.Giọng điệu trữ tình, xót xa

Bày tỏ thái độ trước cuộc sống hiện thực Tô Hoài "không tự thu mình lại theo một giọng điệu văn chương nào" ( Hà Minh Đức ). Từ giọng điệu dí dỏm hài hước, suồng sã tự nhiên, giọng điệu chủ đạo của Tô Hoài còn là giọng trữ tình. Bởi hiện thực mà Tô Hoài phản ánh là hiện thực cuộc sống trong suốt những năm 50 đến những năm 90 của thế kỉ XX. Bốn mươi năm, suốt một cuộc hành trình với bao kỉ niệm vui buồn của đất nước và của chính bản thân nhà văn. Viết về những năm tháng ấy giọng điệu trữ tình là vô cùng phù hợp.

Sắc thái giọng điệu này thường được thể hiện khi viết về những nỗi đau, về sự bất hạnh trong những cuộc đời mà nhà văn chứng kiến. Đó là nỗi đau xé lòng của người cha trong một cơn say đã vô tình cho đi đứa con trai của mình. Để rồi mấy chục năm sau mỗi khi nhớ lại bao giờ Nguyễn Bính cũng khóc. Nỗi ân hận dày vò của Nguyễn Bính khiến người đọc vô cùng xúc động, cảm thông với nỗi đau của nhà thơ lắm tài, nhiều tật. Đó cũng là giọng điệu đượm buồn, xót xa khi nhà văn gợi lại số phận cảnh đời của những nhân vật trên những mảnh đất mà ông đã đi qua. Là cuộc đời Ly Chờ, cô giáo sinh đẹp sắc sảo mà bạc phận. Cuộc đời thì chỉ có những gập ghềnh. Cô gái dân tộc hăng hái thoát li đi công tác từ năm 15 tuổi tưởng đã vượt qua mọi thử thách và giàng buộc. Ai ngờ những dang dở trong tình duyên đã làm nghiêng ngả cả cuộc đời. Mới 40 tuổi Ly Chờ đã xin về hưu non.. Còn bâygiờ " Ly Chờ đã bốn con. Vợ chồng và hai đứa con nhỏ đã trở lại Sà Pìn. Mỗi lần được thư chỉ những buồn là buồn."[27,tr.221] .

Rồi Thào Mỉ, một phụ nữ dân tộc Mông tân tiến, giỏi giang trong công việc nhưng cuộc đời riêng thì toàn những tiếng thở dài và nước mắt. Vù Mí Kẻ - người cán bộ dân tộc Mông từng có một thời vang bóng là đại biểu quốc hội sang tận Nicaragoa bên nách nước Mĩ . Giờ cũng đã về hưu ở Sà Pìn. Và cũng gầy lắm. Chua chát, xót xa những nỗi buồn, những giọt nước mắt ấy chạm vào nỗi khắc khoải trong

tâm hồn tác giả . "Làm sao không buồn, bao nhiêu hi vọng rồi như thế. Con người hay xã hội hay còn lại những gì : ảo não, thê lương, mỗi khi trở lại những miền hoang vắng ấy mà trong kháng chiến đã như nhà mình, quê mình, chỉ thấy bóng người địu củi, vác nước và tiếng gọi lợn, gọi trâu ời ợi trong nắng chiều"[27,tr.221]. Giọng điệu ấy còn thể hiện trong cái ngại ngùng của Tô Hoài và Nguyễn Văn Bổng không dám chào Nguyễn Tuân để đi một chuyến dọc Trường Sơn. Bởi "ngại không dám động đến tâm trạng của một người thèm đi mà không đi được mà lại thấy người ta cứ đi". Để rồi điều đó được bộc lộ thành niềm ao ước: "Giá mà có Nguyễn Tuân đi chuyến này, giá mà..! Cái ao ước đó chẳng bao giờ thành hiện thực bởi cái điều không ai muốn nói ra : Nguyễn Tuân đã già, đã bất lực trước vòng quay của số phận chứ đâu còn là một Nguyễn Tuân "lãng tử đương ngất ngư trong xanh lam, trong mây trắng ngơ ngẩn trên kia hay là muốn lên chóp núi lần nữa.." của những chuyến đi một thời tuổi trẻ oai hùng. Cái buồn, cái ngậm ngùi của con người trước dòng thời gian vô tận khiến ta không khỏi nuối tiếc, bồi hồi. Nhớ buổi chiều ở Viêng chăn cùng Xuân Diệu "trầm ngâm cả giờ nhìn sông lũ đỏ ngầu để nhận ra "thời gian xa cách và sông nước lúc nào cũng không cùng" thì tự dưng Xuân Diệu nắm tay tôi: "Chúng mình già rồi. Nhớ những đêm man dại ở Yên Dã, nhớ như in hơn bốn mươi năm trước cũng tay tôi đây, Xuân Diệu vuốt lên đắm đuối. Bây giờ nhìn nhau lặng yên. Tôi chợt buồn hơn cả Xuân Diệu nói. Xuân Diệu không già mà tôi mới là ông lão. Xuân Diệu có một tình yêu riêng không bao giờ biết tuổi từ xa xưa đến bây giờ vẫn tơ vương , vẫn thanh xuân, vẫn thiết tha.."[27,tr.176].

Từ Cát bụi chân ai đến Chiều chiều là một hành trình dài với biết bao buồn

vui, trăn trở. "Tô Hoài lại tiếp tục đào thêm một tầng nữa của quá khứ" (…) " Nó như

li rượu buồn thứ hai sau Cát bụi chân ai mà Tô Hoài dành cho người đời. Ai đã nhâm

nhi chầm chậm li rượu lớn này hẳn đọng lại đầu lưỡi không chỉ vị cay đắng của cuộc sống mà còn vương đâu đây cái thoang thoảng, lâng lâng cũng say ngấm, là cái tình người cần gìn giữ cho một đời người" [74]. Nhưng điều quan trọng nhất mà từ đó nhà văn muốn đề cập đến một triết lí: "Dường như ở đâu cũng vậy, những khúc quanh

của tình thế cứ đi qua chỉ có tấm lòng con người vẫn ấm và đượm lại"[74]. Có lẽ

đúng như vậy Cát bụi chân ai là giọng điệu ngậm ngùi, suy ngẫm về thời cuộc về

bạn văn, về những số phận đời người, về mưa gió một thời kì chỉnh huấn Nhân văn

Giai phẩm, còn giọng điệu trữ tình của Chiều chiều trải dọc suốt chiều dài thời gian

của mỗi tác phẩm in dấu trên mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật.

Đến với Chiều chiều ta bắt gặp một Phùng Quán sôi nổi trong những ngàyđi

thực tế, giờ đã về già "thân hình bơ phờ, mảnh khảnh, ăn mặc kiểu các cụ .. bộ râu chuột lưa thưa" in hằn dấu vết của năm tháng là tâm trạng bức bối kéo dài còn hơn cả sự cấm đoán.." Ngậm ngùi với những quãng cách hoài phí đời người" của cuộc đời Phùng Quán. Chua chát, tức cười trước cái lịch sự khác người của Nguyễn Công Hoan: "Giày này tớ đi mượn.. Có giày đi mượn thì mỗi bữa tiệc mới có một đôi khác nhau chứ. Không chỉ có thế. Giọng điệu ngậm ngùi còn thể hiện khi nhà văn viết về ông Ngải. Ông chủ nhà mà Tô Hoài và Phùng Quán ở trong những ngày đi thực tế ở xóm Đồng. Người có thói quen ngủ giữa bụi tre mặc dù làng xóm xung quanh "cứ đua nhau mà nhà tầng gác". Con người ngày nào tưởng như chẳng có gì tàn phá nổi thế mà giờ đây chậm chạp ngồi bên bụi tre "như đống đất " nghe thì phải "nghiêng tai, lối nghe phổ biến của người nghễnh ngãng" mắt thì "hai con mắt đã toét nhèm viền vải tây điều đã sụp xuống ti hí". Ông đã lẫn lắm khi nghe nói chuyện về người con trai đã hi sinh mà lại là: "Thằng ốc lại mải theo anh Quán tập dân quân rồi. .. Nó tập bắn súng gỗ với anh Quán" [28,tr.533]. Buổi sáng sớm, ông vẫn giữ thói quen "ngồi uống nước từ lúc gà chưa gáy" nhưng ngày trước thì ông đã "chuyện ran rỉ, bây giờ thì chỉ lặng im".

Cái giọng ngậm ngùi, trầm mặc ấy còn tiếp tục khi nói về một cô Thẹn ngày xưa "chừng mười ba, mười lăm tuổi, người mỏng như cái đóm, nhỏ thó, gầy rạc ngồi sau lưng bà kí Đường hát đỡ cho mẹ, tiếng đàn láy lắc lư". Bây giờ đã thành một bà lão "đốt ngón tay lạnh ngắt. Răng móm làm cho môi và cằm rúm trũng xuống. Nước mắt bà chảy ra không biết cái chết lưu niên ở hai con mắt loà lúc nào cũng giàn dụa, nhợt nhạt trên mí hay là nước mắt"[28,tr.561].

Xót xa làm sao khi chứng kiến một anh chủ nhiệm Sự phát biểu oang oang trong các cuộc họp giờ đây rụt cổ bên bàn đèn thuốc phiện. Con trai thì ở tù, con gái ra ngoài tàu ngủ với cả trăm thằng. Cả mẹ nó, bà lão cũng chẳng tha thằng nào.."[28,tr.546]. Bao nhiêu sự đời đã bị vòng xoáy của thời gian làm ra như thế. Có nuối tiếc cũng chẳng bao giờ quay trở lại. Muốn níu kéo cũng chỉ là mơ ước. Chính vì thế mỗi khi nhớ lại bất kì chuyện gì, một bóng hình nào Tô Hoài cũng không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Chất trữ tình thấm đẫm dư vị xót xa ấy đã trở thành giọng điệu

chủ đạo trong Chiều chiều.

Hai cuốn hồi kí được sáng tác dựa trên cảm hứng nhân văn đời thường. Chính cảm hứng ấy đã quy chiếu giọng điệu nghệ thuật chủ đạo của tác giả. Mặc dù chất giọng ấy không bó gọn trong một giọng điệu văn chương nào. Có dí dỏm, hài hước, tinh quái, có suồng sã, tự nhiên, có trữ tình xót xa. Tô Hoài đã phối hợp nhuần nhuyễn tất cả các chất điệu ấy để tạo nên một giọng điệu riêng : Giọng điệu Tô Hoài góp phần khẳng định phong cách nghệ thuật hồi kí của ông.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 102 - 105)