Quan niệm về văn chương và con người

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 26)

6. Đóng góp của luận văn

1.3.2.3.Quan niệm về văn chương và con người

Là nhà văn có trách nhiệm với nghề, nghiêm túc trong lao động sáng tạo nghệ thuật, Tô Hoài luôn ý thức sâu sắc về nghề nghiệp của mình. Ông xác định mục đích sáng tác: "Làm cho người đọc say mê, ngẫm nghĩ, cười hoặc khóc". Người cầm bút phải là người "hiểu cuộc đời, biết trước những sự kiện mới, con người và hành động, những đức tính cao cả và bóng tối ẩn nấp của tội lỗi, biết sự việc từ lúc mới nhú mầm, mới phảng phất để hình dung ra được quá trình phát triển và viễn tưởng của nó". Nói như vậy rõ ràng sáng tác văn chương không chỉ đơn thuần là một công việc mà quan trọng hơn nó phải mang ý nghĩa nhân sinh gây được xúc cảm thẩm mĩ cho con người thông qua việc phản ánh đúng bản chất xã hội. "Sáng tác là tái hiện sự sống, nhưng không chỉ làm sống lại sự sống một cách tự nhiên mà trong nhiệm vụ sáng tác còn mang phần trang điểm cho sự sống"[34]. Nói như Gorki nó phải là hiện thực cuộc sống.

ý thức sâu sắc về bản lĩnh, cá tính sáng tạo của người cầm bút Tô Hoài khẳng định: "Trong sáng tác bất cứ một sáng tác nhỏ nào, bắt chước thô kệch hoặc bắt chước khéo đều ngượng nghịu, trống rỗng và bao giờ cũng thất bại, làm nghề văn mỗi người viết phải mang đến cho đời một sự nghiệp, một công phu phục vụ của mình"[34]. Điều này giống như quan niệm nghệ thuật của Nam Cao: "Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm việc theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi khơi những nguồn không ai khơi và sáng tạo những gì chưa có". Mặc dù quan niệm về văn chương của Tô Hoài chưa được thể hiện một cách có hệ thống như Nam Cao nhưng trong nhiều tác phẩm của mình nhà văn đã bộc lộ khá rạch ròi. Ngay từ những ngày đầu cầm bút Tô Hoài đã thể hiện quan niệm văn chương rất riêng: "Chưa bao giờ tôi bắt chước viết theo truyện của Khái Hưng, Nhất Linh mặc dù tôi cũng thích đọc những chuyện ấy. Bởi giản dị : viết truyện viển vông, giang hồ, kì hiệp ai cũng có thể tưởng tượng

nhưng viết giống như thật thì đời và người trong truyện của mấy ông nhà giàu, con quan và có đồn điền như thế, tôi không biết những kiểu ấy, không bắt chước được"[25]. Chính ông đã nhận ra con đường sáng tạo riêng của mình. Ông tâm sự : "Đời sống xã hội quanh tôi, tư tưởng và hoàn cảnh của chính tôi đã vào cả trong những sáng tác của tôi. ý nghĩa tự nhiên của tôi lúc bấy giờ là viết những sự việc xảy ra trong nhà, trong làng, quanh mình."[25]. Viết về cuộc sống bình dị của mình, quanh mình là điều nhà văn tâm niệm ngay từ những ngày đầu đến với văn chương nghệ thuật. Mảnh đất ven đô và con người làng quê nơi đây đã đi vào văn chương Tô Hoài một cách tự nhiên như nó vốn thế. Nhà văn luôn gắn bó với con người và cuộc sống đời thường, luôn ý thức học tập lời ăn, tiếng nói của quần chúng nhân dân lao động. Ông tâm sự: "ảnh hưởng đầu tiên đối với tôi không nói về tư tưởng, lập trường chính trị, chính là người làng Nghĩa Đô của tôi. Người ta nói thế nào, tôi cứ thế mà xáo thành văn". Điều đó đã trở thành định hướng nghệ thuật và cũng là kênh thẩm mĩ - yếu tố cốt lõi làm nên quan niệm nghệ thuật của ông trong suốt quá trình sáng tác.

Viết và thể nghiệm nhiều thể loại, ông không quá chú trọng vào một thể loại nào nhất định. Theo ông: "Bất cứ lối viết nào cốt nói được sự thật khiến người đọc cảm xúc hoặc gây suy nghĩ cho người đọc"[34]. Tuy nhiên, đến thể hồi kí ông mới khẳng định rõ bản lĩnh sáng tạo của mình. Viết hồi kí với Tô Hoài không phải là sự sao chép thông thường những gì mình trải nghiệm mà đó thực sự là một sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Ông khẳng định: "Tôi viết hồi kí là khó khăn hơn cả sáng tác bởi đó là cuộc đấu tranh tư tưởng để viết. Nó chân thành hay dối trá, thanh minh hay báo công khoe khoang, làm thế nào cho khách quan mà lại tình cảm nhất với một dụng ý chủ đề thật rõ ràng. Đây là một cuộc mổ xẻ toàn diện không phải nhẹ nhàng và chỉ có hứng thú với tôi"[75].

Với Tô Hoài viết hồi kí giống như một nhu cầu giãi bày tâm sự, nhu cầu được đối thoại để khẳng định cách cảm nhận của mình về một thời dĩ vãng đã qua. Hiện lên trong hồi kí Tô Hoài là những vui buồn của cuộc sống thường nhật, những bon chen vật lộn của nhà văn thủa thiếu thời, những ấn tượng, những kỉ niệm sâu sắc về

một thế hệ nhà văn, những khám phá mới về con người, thời thế. Đó là một hiện thực nhiều chiều khiến người đọc vô cùng xúc động. Dựng lên những bức chân dung chân thực của các nhà văn sau đó khái quát nên diện mạo lịch sử của một thời kì văn học đầy biến động, dường như Tô Hoài muốn đi tới một quan niệm mới về nhà văn, nghề văn : Nhà văn cũng như nghề văn là cao quý song đó không phải là việc gì xuất chúng, phi thường. Nhà văn cũng chỉ là một con người bình thường do cuộc sống nhào nặn mà thành. Tô Hoài không ngần ngại đặt họ giữa cuộc sống đời thường mà soi chiếu, xem xét. Ông tâm sự: "Viết văn là một việc khó, việc khó chứ không phải là việc phi thường, sao không làm được như bình thường làm. Sao lại tự huyễn hoặc, lại nuông chiều cái dễ dãi, mệt mỏi, phải làm việc bình thường"[34].

Chính từ quan niệm về nhà văn và về nghề văn như thế nên suốt cả cuộc đời cầm bút của mình Tô Hoài gắn bó mật thiết với cuộc sống bình thường của quần chúng nhân dân mà cảm nhận cuộc sống và tìm chất liệu cho ngòi bút thể hiện một cách toàn diện quan niệm nghệ thuật ấy.

Để xây dựng nhân vật, mỗi nhà văn đều xuất phát từ quan niệm nghệ thuật về con người của riêng mình. Nếu con người trong văn Nguyễn Tuân được thể hiện ở phẩm chất nghệ sĩ tài hoa, lãng tử mà ít thấy những dung tục đời thường thì ở văn Nam Cao con người lại được biết đến trong cái vặt vãnh của cuộc sống đời thường nhưng lại luôn tự ý thức rõ rệt về mình đến độ họ phải dằn vặt, đau đớn trước những bi kịch của kiếp người và phải gánh chịu những kết cục hết sức bi thảm. Đến Tô Hoài, ông nhìn nhận con người với đầy đủ cái mạnh, cái yếu, cái bình thường và cả các thói tật. Với ông, con người không phải là thánh nhân, siêu phàm cho dù người đó là bất cứ ai. Quan niệm nghệ thuật về con người của Tô Hoài được giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận định: "Tôi cho rằng, Tô Hoài quan niệm con người chỉ là con người thế thôi, chả có ông thần, ông thánh nào trên đời này"[54] .

Con người bình thường của Tô Hoài là con người của tất cả niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau. Nhà văn trân trọng, nâng niu từng niềm vui, sẻ chia từng nỗi buồn dù nhỏ nhất trong tâm hồn nhân vật. Nhân vật của ông được đặt trong

cuộc sống đời thường nên cùng một lúc xuất hiện cả niềm vui, nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Xây dựng chân dung nhân vật dù là các văn nghệ sĩ hay bất cứ ai Tô Hoài luôn luôn xuất phát từ quan niệm: "Người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ". Với cách quan niệm về con người như thế Tô Hoài ít tìm đến chiều sâu nhân bản trong những triết lí nhân sinh sâu sắc. Ông muốn gửi đến mỗi chúng ta một thông điệp : Hãy hiểu, hãy trân trọng mỗi phẩm chất, cá tính của con người. Bởi nó mới đúng là cuộc sống. Nhà văn đã xây dựng cho mình một thế giới nhân vật riêng, một cách nhìn cuộc sống riêng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Quan niệm nghệ thuật ấy đã trở thành cái lõi cơ bản tạo nên phong cách nghệ thuật của ông trong suốt 70 năm cầm bút. Với ý nghĩa như vậy chúng tôi dành trọn chương 2 để nghiên cứu về cuộc sống, con người, lịch sử trong hồi kí Tô Hoài.

Chương 2

Cuộc sống - con người - lịch sử trong hai cuốn hồi kí 2.1. Cuộc sống trong các mối quan hệ phức tạp

2.1.1. Cuộc sống sinh hoạt

Hoàn toàn khách quan trong việc miêu tả hiện thực, Tô Hoài hướng ngòi bút vào cuộc sống thế sự, đời tư phản ánh bức tranh đời sống xã hội trong những dạng thức chân thực nhất. Ông rất nhạy cảm với những cảnh sinh hoạt, những phong tục tập quán quen thuộc của từng vùng quê, từng gia đình mà ít chú ý đến những sự kiện lớn lao có tầm vóc sử thi hoành tráng. Là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều, đi đến đâu con mắt “tinh quái” của Tô Hoài cũng “thu nhặt” toàn bộ cuộc sống sinh hoạt của từng miền quê, từng gia đình từ những góc nhìn rất riêng, rất đời thường. Đọc hồi kí Tô Hoài ta bắt gặp một cuộc sống thực đang diễn ra với tất cả các cung bậc thật nhất, đời thường nhất tạo nên tính chất đa thanh, đa diện của cuộc sống. Các tác phẩm của ông dù viết về đề tài gì, nhân vật là ai chúng ta cũng có thể nhận thấy rất rõ điều này. Phản ánh hiện thực cuộc sống, hồi kí Tô Hoài ít tập trung vào những

mâu thuẫn xã hội mang tính chất đối kháng quyết liệt. Nếu như làng Đông Xá trong

tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố náo động bởi tiếng trống, tiếng tù và, tiếng thúc

sưu, tiếng chửi mắng của kẻ có chức quyền khiến mâu thuẫn giữa địa chủ, nông dân

ngày càng sâu sắc, làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ầm ĩ tiếng

gào làng rạch mặt ăn vạ của kẻ cùng đường thể hiện bi kịch thảm thương của người

nông dân nghèo trong tuyệt vọng thì ở Làng Nha trong Quê người, làng Nghĩa Đô trong hồi ký Tự truyện, Cỏ dại lại khá bình yên. ở đó những người cùng làng, cùng

nghề, cùng sinh sống theo quy luật tự nhiên của nó.

Cảm quan hiện thực của Tô Hoài xuất phát từ cuộc sống xung quanh ông. Điều đó được xác định ngay từ những ngày đầu ông cầm bút. Hình ảnh làng Nghĩa Đô đi vào hồi kí Tô Hoài khá đậm nét từ thói quen ăn mặc cho đến nếp sống sinh hoạt hàng ngày với hàng loạt các phong tục, hủ tục. Cuộc sống, con người làng quê

cứ từ từ theo ngòi bút nhà văn đi vào hồi kí. Từ Cỏ Dại, Tự truyện đến cát bụi chân ai và chiều chiều là cả một hành trình dài ẩn chứa trong đó bao cuộc đời, bao số

phận. Bức tranh cuộc sống được thu nhỏ trong hai cuốn hồi kí với bao thông tin đòi hỏi nhà văn phải có sự hiểu biết, khả năng quan sát tinh tế, tỉ mỉ, hoà mình vào cuộc sống của nhân dân mới có thể thấy được.

Hồi kí Cát bụi chân ai, Chiều chiều là dịp tác giả bộc lộ cuộc sống của mình

và các bạn văn trong nhiều giai đoạn. Chân thực nhất là những năm tháng đi thực tế, những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt thời kỳ tác giả được bầu làm trưởng ban dân phố. Cuộc sống hiện ra với bao điều thú vị. Cuộc sống vùng quê yên bình trong những ngày đi thực tế ở xóm Đồng, Thái Bình dưới con mắt quan sát của nhà văn có nhiều điều đáng nói. Ngoài công việc đồng áng của nhà nông bao giờ cũng bắt đầu từ rất sớm nên phải ăn cơm từ lúc tờ mờ, ông còn để ý đến cả "cái chợ họp hôm, họp mai chốc lát đầu bến cũng gọi là chợ Phố, có lẽ vì cũng có lò rèn, lò may, quán nước…chốc chốc lại đi qua một bọn các cô, ống quần gấu váy túm lên tận bẹn, cặp đùi đen nhánh tròn như cái chĩnh. Đoàn người vác những dặm xuống chuôm sâu"[28,tr.33]. ở nơi ấy, nhà văn đã sống hoà mình cùng những người nông dân, tập

ủ phân xanh, tập cấy lúa, giúp bà con sản xuất, xây dựng mô hình hợp tác xã. Cuộc sống ngắn ngủi trong những ngày thực tế ở xóm Đồng cũng đủ để tác giả phát hiện ra những thói tục riêng : Con gái chỉ khoảng 15 tuổi đã sắp về nhà chồng và ở đất này tuy chưa thành con rể chính thức nhưng chàng rể đã rất năng đến gia đình vợ làm việc. Cuộc sống sinh hoạt qua những nét phác họa tưởng chừng rất nhỏ dưới ngòi bút Tô Hoài đã hiện ra khá rõ nét về một vùng quê lúa Thái Bình vốn bình yên, thơ mộng. Tiếp đó là quãng thời gian nửa cuối thập kỉ 60, nơi làng Nghĩa Đô cứ được cộng lại rồi chia ra theo địa giới hành chính và tổ chức chính quyền. ở xã hội thu nhỏ ấy, trưởng ban đại diện khối phố cũng như trưởng thôn, xóm công việc chẳng khác nào chủ tịch xã. Bức tranh cuộc sống lúc bấy giờ được gói gọn trong muôn cảnh sinh hoạt đời thường. Từ những cảnh rất đỗi bình yên "người ngồi giặt, người giã cua, người trẻ củi, trẻ con nhảy nhót, cụ già móm mém nhìn ra đường"[28,tr.219]. Đến cảnh xô xát ngày thường "ông lão quét vôi đi làm thuê về say rượu dọa giết vợ"[28,tr.218]. Hay chỉ là những tiếng suốt ngày đụng chạm, lủng củng, to tiếng như có bệnh cãi nhau của đôi vợ chồng hàng xóm nhưng khi có bảo vệ đến thì ngồi một chỗ lời qua tiếng lại chứ không vi phạm trật tự trị an, khiến những người làm công tác khu phố cũng không biết can ngăn thế nào vì chẳng ai chịu im mồm. Rồi cảnh dân phố hăm hở tham gia học tập ở lớp xoá mù chữ cũng thật nực cười. Lớp học khi mới mở thì là đầu voi, một thời gian sau chỉ còn là đuôi chuột. Đi học xoá mù chữ thì bẻm mép tán gẫu, để ý đến những chuyện vặt vãnh tức cười: “Lúc ông ấy nói, ông ấy có cái gân nói nối với gân chân, cứ đương nói lại nhấc một bên gót”. Cuộc sống sinh hoạt vun đắp ước mơ của những con người nơi đây khi chứng kiến đoàn người hăm hở, hăng say lao động với dự định ấp ủ: "Biến sông Tô Lịch thành một thắng cảnh đẹp của Hà Nội sắp ra đời "[28,tr.267].

Từ cảnh đám cưới theo nếp sống mới của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ, được minh hoạ bằng đám cưới nếp sống mới của hoạ sỹ Nguyễn Sáng với cô Thuỷ ngồi mẫu trường Mỹ Thuật đến cảnh chống mê tín dị đoan nhà bà Na, cảnh diệt chuột của khu phố diễn ra theo định kỳ hàng năm. Bức tranh xã hội trong cảm quan hiện thực

của Tô Hoài thường bắt đầu từ bao cảnh sinh hoạt đời thường như thế. Mỗi bước thăng trầm trong cuộc sống sinh hoạt của người dân là minh chứng đầy thuyết phục cho ngòi bút sắc sảo của Tô Hoài. Không có những sự kiện trọng đại, hào hùng mà toàn là những những điều vụn vặt thông thường của cuộc sống. Ngòi bút Tô Hoài khéo léo góp vào bức tranh sinh hoạt của con người đời thường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt: "Buổi chiều, máy bay Mỹ bắn rải rác lung tung nhiều nơi trong thành phố… ở một vòi nước công cộng ngay trên phố một loạt đạn đã xả xuống mấy người đang nhặt rau, vo gạo làm cơm chiều. Mấy hôm không ai dám ra lấy nước, vòi nước vẫn mở, nước xả lênh láng suốt đêm"[28,tr.321]. Rồi đến cảnh tập cáng thương, băng bó trong thời chiến. Người giả bị thương nằm thẳng cẳng dưới đường. Người bị thương vừa nằm rên, vừa cười hà hà chờ y tế khu về quan sát cho điểm, rồi các chuyện luyện chữa cháy, cơm nồi nước sôi tập thể…Hầu như cả cuộc sống sinh hoạt được thu nhỏ, gói ghém trong hồi kí Tô Hoài với mọi ngõ ngách tầng

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai (Trang 26)