Việt Nam trong xu thế hội nhập.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 89 - 92)

- Tình hình sản xuất:

3.1.2. Việt Nam trong xu thế hội nhập.

Đối với Việt Nam, trong cương lĩnh xây dựng đất nước, Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ VII đã chỉ rõ đường lối đổi mới của Việt Nam hòa trong xu thế chung của sự phát triển thế giới: Việt Nam đổi mới và thực hiện đường lối mở cửa, đường lối đối ngoại hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam sẵn sàng hợp tác song phương và đa phương với tất cả các nước. Đại hội Đảng VIII tiếp tục phát triển và khẳng định về sự cần thiết cũng như làm rõ thêm về nội

dung và tiến trình hội nhập. Nghị quyết Đại hội Đảng nhấn mạnh “phải xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả. Điều chỉnh cơ cấu thị trường để vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa ta và các đối tác. Chủ động tham gia thương mại quốc tế, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp”. Đại hội Đảng lần thứ IX tiếp tục khẳng định “Việt Nam sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”.

Thông qua đổi mới, Việt Nam đã cải thiện một cách căn bản diện mạo và mối quan hệ của mình với cộng đồng quốc tế. Tiến trình đổi mới là tiến trình từng bước đưa Việt Nam hội nhập quốc tế một cách thành công và thu hút mối quan tâm đầu tư, hợp tác ngày càng tăng của các nước vào Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều thời cơ cho sự phát triển, nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy yêu cầu là phải biết tranh thủ thời cơ phát huy các lợi thế và tránh đi những quan hệ bất lợi để xác định sự phát triển kinh tế đất nước theo đúng hướng đã định.

Trải qua 20 năm đổi mới cơ chế kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu trong quá trình hội nhập. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN (1995), ASEM (1996), APEC (1998), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN- Mỹ (TIFA ASEAN- Mỹ), quan hệ đối tác kinh tế thân cận ASEAN- Ấn Độ (AICEP), trở thành quan sát viên WTO và hiện nay đã chính thức gia nhập WTO vào cuối năm 2006. Tính đến đầu năm 2005, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, có quan hệ thương mại với trên 160

nước và nền kinh tế. Việt Nam đã ký 90 Hiệp định thương mại song phương, trong đó gần 80 nước đã cho Việt Nam hưởng quy chế đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), 46 Hiệp định đầu tư, 40 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (theo thời báo

kinh tế Việt Nam). Từ năm 2001 đến năm 2005 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu

của Việt Nam đã tăng 15,5 lần và đạt 32,442 tỷ USD vào năm 2005.

Việt Nam cũng thu hút được ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài. Việc kí kết các hiệp định về ODA được duy trì đều đặn với tổng giá trị cam kết là 32,5 tỷ USD (từ 1993 đến 2005 ), ký kết hiệp định là 24,7 tỉ và giải ngân đạt 15,8 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, xóa đói giảm ngèo, tăng cường thể chế và bảo vệ môi trường.

Vốn FDI có bước chuyển tích cực, tổng mức vốn đăng ký trong 5 năm (2001 đến 2005) đạt 20,9 tỉ USD (năm 2001 vốn FDI đăng kí mới và tăng thêm là 3,2 tỉ USD, năm 2002 là 3 tỉ, năm 2003 là 3,2 tỉ, năm 2004 là 4,5 tỉ, năm 2005 là 6,8 tỉ), vượt trên 39% so với kế hoạch, tổng vốn thực hiện 14,3 tỉ USD, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13,6% so với 5 năm trước (1996 - 2000). Năm 2005, các doanh nghiệp FDI đóng góp 15,9% GDP, chiếm 31,2% tổng KNXK, đóng góp gần 10% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trực tiêp và hàng triệu lao động gián tiếp.

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2006 là năm gặt hái nhiều thành công với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục 9,927 tỷ USD. Với con số này, FDI năm 2006 tăng 70,69% so với năm 2005 và vượt 52,7% kế hoạch đầu năm đề ra (6,5 tỷ USD). Tính đến đầu năm 2007, cả nước hiện có 6.813 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 60 tỷ USD, trong đó có 28,6 tỷ USD đã thực hiện.

Việc hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới không chỉ cho phép Việt Nam thu hút được vốn đầu tư mà còn dựa vào đó chúng ta đã nắm bắt được những công nghệ - kỹ thuật và khoa học quản lý tiên tiến, từng bước tạo ra một đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ phù hợp với trình độ phát triển nền công nghiệp hiện đại. Với việc tích cực và chủ động hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu

đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, không những phá bỏ được thế bao vây và cô lập của thế giới mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực cũng như trên thế giới .

Việt Nam đã chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào tháng 11 năm 2006. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập vào thị trường nông sản thế giới. Tham gia vào WTO, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường cho XKNS; các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện trang bị những thiết bị, vật tư đầu vào chất lượng cao, giá thành thấp phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm,…Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam phải đối đầu với nhiều thách thức mới rất phức tạp và khó khăn, một khi gia nhập WTO, trước hết Việt Nam phải mở cửa cho hàng ngoại tràn vào, như vậy Việt Nam phải cạnh tranh vừa ở sân nhà vừa ở thị trường quốc tế. Báo cáo của FAO (năm 2003) cho biết chỉ riêng khu vực Châu Á đã có gần 1 tỉ tấn nông sản đang chờ để cạnh tranh một khi Việt Nam mở cửa. Trong khi đó XKNS của Việt Nam còn nhiều yếu kém như khối lượng, chất lượng chưa tạo lập được thị trường ổn định và thiếu bạn hàng lớn, giá cả thường xuyên biến động gây không ít khó khăn cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng,...Còn thị trường nhập khẩu hiện nay lại đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn mới như chất lượng và an toàn vệ sinh ngày càng gay gắt. Những thời cơ thách thức mới đòi hỏi Việt Nam cần phải phát huy hết các lợi thế và tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, đồng thời tiếp tục đổi mới kinh tế, đổi mới thể chế, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hàng hóa NSXK trên thị trường. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc để Việt Nam hội nhập một cách có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 89 - 92)