Kinh nghiệm của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 33 - 35)

Trung Quốc là nước có đất tự nhiên rộng và số dân cao nhất thế giới, nhưng đất canh tác so với diện tích tự nhiên nhỏ (10,8%), đất canh tác bình quân đầu người rất thấp (0,11 ha/người). Tuy vậy, nông nghiệp của Trung Quốc trong thời gian dài liên tiếp được mùa và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới chiếm 1/3 lượng gạo toàn cầu. Xuất khẩu gạo năm 1994 của Trung Quốc đạt 1,5 triệu tấn, song những năm sau đó giảm nhiều do nhu cầu về gạo trong nước rất lớn. Từ năm 1998 trở lại đây sản lượng gạo Trung Quốc không đủ tiêu dùng. Diện tích trồng lúa của Trung Quốc có xu hướng giảm kể từ niên vụ 1999/2000 và do đó, xuất khẩu cũng bắt đầu giảm, chuyển sang nhập khẩu thuần. (2002 xuất khẩu 2,0 triệu tấn gạo; 2005: 0,75 triệu tấn; 2006: 0,6 triệu tấn).

Trung Quốc là một trong những cái nôi của cây chè, cũng là nước sản xuất chè lâu đời. Đến nay, Trung Quốc là nước có tổng diện tích trồng chè lớn nhất thế giới (khoảng 1,1 triệu ha, diện tích thu hoạch hoặc kinh doanh: 898 ngàn ha, năm 2003), có trên 1000 giống chè được trồng ở đây. Trung Quốc là nước sản xuất chè xanh lớn nhất thế giới (75% thị phần chè xanh thế giới, sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm). Trung Quốc cũng là nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn thứ hai trên thế giới, sau Ấn Độ. Phần lớn việc mua bán chè xanh được thực hiện giữa các thương nhân Trung Quốc ở trong nước và Hoa Kiều ở nước ngoài, hình thành một cộng đồng sản xuất và kinh doanh chè xanh trên

thế giới. Việc Trung Quốc gia nhập WTO là một lợi thế rất lớn của nước này trong việc thâm nhập thị trường chè các nước phát triển. Ngay từ năm 2000, trong 30 thị trường chè lớn nhất của Trung Quốc đã có đến 7 thị trường tiêu thụ với khối lượng lớn (từ hơn 10.000 tấn đến 43.000 tấn), bao gồm Morocco, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Uzbekistan, Senegal, Pháp, Hồng Kông; trong đó, có những thị trường khó tính như Nhật Bản đã mua tới trên 3,2 vạn tấn với mức giá trung bình khá cao (2.249 USD/tấn). Đáng chú ý là, chỉ riêng thị trường này đã và mang lại thu nhập ngoại tệ tới gần 74 triệu USD, cao hơn toàn bộ xuất khẩu và thu nhập ngoại tệ về chè của Việt Nam cùng thời điểm (Việt Nam: 55.700 ngàn tấn, trị giá 69,6 triệu USD).

Các loại cây trồng như đậu đỗ, rau quả của Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng lớn về diện tích gieo trồng và sản lượng. Đặc biệt các loại cây công nghiệp như cây có đường (mía), cây lấy sợi (bông), cây có dầu và các cây công nghiệp khác cũng đươc trồng chủ yếu ở Trung Quốc.

Sở dĩ đạt được những thành tựu quan trọng trong sản xuất và XKNS vì Trung Quốc đã tập trung đầu tư có hiệu quả và áp dụng một số chính sách phù hợp cho lĩnh vực này. Biểu hiện :

+ Trung Quốc đã giải quyết tốt vấn đề ruộng đất, một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với nông dân và nông thôn, phát triển kinh tế hộ nông dân với các mô hình phong phú dựa trên quyền tự chủ sản xuất của nông hộ (khoán sản phẩm), tạo ra bước phát triển mới trong nông nghiệp.

+ Trung Quốc đã có sự điều chỉnh về các hình thức tổ chức sản xuất: sau khi giải thể các công xã nhân dân, khi hộ nông dân trở thành các chủ thể mới của sản xuất nông nghiệp, Trung Quốc đã hình thành các tổ chức dịch vụ phục vụ nông nghiệp (các hợp tác xã tín dụng, mua bán, công ty cổ phần làm dịch vụ cung cấp vật tư, kỹ thuật cho nông dân).

+ Trung Quốc là nước đi sau trong hiện đại hoá nông nghiệp so với các nước ở khu vực Bắc Á, nhưng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bởi vì, Trung Quốc đã nhận thức tầm quan trọng của hiện đại hoá nông nghiệp và đã có sự đầu tư thích đáng cho nông nghiệp. Trung Quốc đã đầu tư Nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các giống lai, góp phần đưa sản lượng nông nghiệp tăng

nhanh. Từ năm 2004 Trung Quốc đã nghiên cứu ra loại giống lúa biến đổi gien nhằm giúp cho cây trồng chống lại sâu bệnh có khả năng chịu đựng một loại thuốc diệt cỏ có tên là Roundup, có thể tăng năng suất 20%. Tuy dân số đông, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, vì Trung Quốc đã lựa chọn chiến lược phát triển nông thôn theo hứơng công nghiệp hoá với khẩu hiệu “ly nông, bất ly hương”, hình thành nên các vùng công nghiệp mới ở các vùng nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để thu hút lao động nông nghiệp.

+ Trung Quốc đã dùng sức mạnh tổng hợp để phát triển các cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó vừa phát huy nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vừa phát huy nguồn nhân lực ở nông thôn bằng các chiến dịch xây dựng thuỷ lợi, giao thông.

+ Trung Quốc đã có những chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, như tập trung sản xuất các sản phẩm có ưu thế như ngũ cốc, cây công nghiệp (chè) chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi lợn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt đã có những ưu tiên cho những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như các loại giống lai (lúa lai, ngô lai), áp dụng chính sách “tam nông” trong nông nghiệp (năm 2004). Chính phủ Trung Quốc tăng cường định hướng thị trường cho người sản xuất nông sản hàng hoá, tạo ra hàng rào hạn chế áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, tạo mọi điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng phát triển.

+ Có những chính sách ưu tiên cho XKNS như : chính sách hạ thấp thuế xuất khẩu, đa dạng hoá các hình thức xuất khẩu, kể cả hình thức xuất khẩu phi mậu dịch; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu được tiếp cận các dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, miễn giảm thuế giá trị gia tăng,...

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 33 - 35)