Tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 26 - 30)

Qua phân tích nghiên cứu, các nhà kinh tế học cho rằng Việt Nam có đủ 4 yếu tố rất cơ bản về lợi thế trong các hoạt động xuất khẩu nông sản, bao gồm: vị trí địa lí, nguồn lực lao động, tài nguyên thiên nhiên, chính sách đổi mới và sự ổn định nền kinh tế vĩ mô.

- Vị trí địa lí: Việt Nam nằm ở vòng cung châu Á - Thái Bình Dương, nơi diễn ra những dòng giao lưu kinh tế sôi động nhất và đầy hứa hẹn cho những bước phát triển trong tương lai, như một vòng xung động lực cho quá trình tạo thế và đà phát triển. Việt Nam nằm trên các tuyến giao thông quan trọng và có hệ thống cảng biển là cửa ngõ không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia khác.

- Điều kiện tự nhiên khí hậu và sinh thái của Việt Nam khá đa dạng và phong phú. Với sự hình thành 7 vùng sinh thái nhau, mỗi vùng có những nét đặc thù và những thế mạnh (lợi thế) riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, với việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi... mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam. Đặc biệt có những tiểu vùng “sinh thái - khí hậu đặc thù” cho phép phát triển một số cây đặc sản có giá trị cao, mà ít nơi có được, tạo cho nông sản Việt Nam có năng suất sinh học cao và những đặc trưng về “hương vị - chất lượng” tự nhiên, được thế giới ưa thích, là những lợi thế trong cạnh tranh về tính độc đáo của nông sản Việt Nam. Ở một số vùng đã hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi cho việc bố trí cây trồng vật nuôi có giá trị xuất khẩu lớn:

+ Vùng cà phê Tây Nguyên: Cà phê Robusta của Việt Nam được trồng trên diện đất đỏ bazan, với độ cao từ 400 - 700 mét ở vùng cao nguyên Tây Nguyên, được xếp vào loại có hương vị đậm đà. Theo đánh giá của Hiệp hội tổ chức của những nước trồng cà phê, cà phê Việt Nam có chất lượng tốt nhất nhì thế giới, có trên 100 hương vị tự nhiên, chất lượng không thua kém cà phê

Braxin và các nước Nam Mỹ khác. Thế giới ngày càng thích sử dụng cà phê Việt Nam. Với điều kiện sinh thái thuận lợi năng suất cà phê Việt Nam đạt loại nhóm cao nhất thế giới (năng suất bình quân đạt 1,3 tấn/ha, gấp 2,3 lần năng suất bình quân thế giới).

+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng: được đánh giá vào loại phì nhiêu trên thế giới. Độ màu mỡ và những đặc điểm thời tiết khí hậu - mùa vụ cho phép ở ĐBSCL và ĐBSH sản xuất lúa quanh năm (3 vụ) trên diện rộng và thích nghi với nhiều giống lúa cao sản, lúa đặc chủng, lại có năng suất cao. Có thể nói sản xuất lúa Việt Nam không thua kém gì với Thái Lan mà còn đáp ứng được tính đa dạng về chủng loại và phẩm cấp gạo cho thị hiếu tiêu dùng đa dạng hiện nay trên thế giới.

+ Vùng Đông Nam Bộ: hiện nay được đánh giá là vùng có nền kinh tế nông nghiệp giàu có của cả nước, nằm trong khu vực kinh tế công nghiệp - dịch vụ và đô thị lớn nhất của Việt Nam, với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng cho phép bố trí nhiều cây trồng vật nuôi có hiệu quả, nhất là một số cây như: cao su, cà phê, điều, lúa, ngô, sắn, đậu đỗ các loại

+ Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Là vùng có điều kiện tự nhiên, sinh thái khá đặc thù, địa hình phức tạp bị chia cắt nhiều. Là vùng có tiềm năng kinh tế đa dạng cho phép bố trí sản xuất nhiều cây trồng vật nuôi có hiệu quả, nhất là một số cây như: chè, cà phê, ngô, sắn, đậu đỗ các loại.

Với những đặc điểm trên, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi cơ bản, chứa đựng những “tiềm năng” về lợi thế cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Đó là: năng suất, chất lượng và chi phí sản xuất thấp,… Nhờ lợi thế vốn có, mà trong nhiều năm qua tuy xuất khẩu nông sản ở dạng nguyên liệu thô hoặc có sơ chế, nhưng vẫn có lãi - Nguồn lao động của Việt Nam dồi dào: Năm 2006 dân số Việt Nam là 84,1 triệu người, trong đó 22,7 triệu người sống ở thành thị; 61,4 triệu người sống ở nông thôn (chiếm 60% dân số). Ngành nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều lao động vào quá trình sản xuất - kinh doanh. Đây là một ưu thế quan trọng hiện nay của ngành, vì hàng năm nước ta phải giải quyết thêm việc làm cho 1,4 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Người Việt Nam không chỉ đông mà còn thông minh, có khả năng tiếp thu

nhanh chóng khoa học công nghệ. Trong khi đó, giá nhân công Việt Nam lại rẻ, thấp hơn nhiều lần so với các nước khác trong khu vực: chỉ bằng khoảng 1/3 Thái Lan, 1/30 của Đài Loan, 1/26 của Singapor. Tất nhiên lợi thế này sẽ không tồn tại lâu do sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới .

- Đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước

Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986) đến nay, nền kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Kinh tế nông nghiệp không ngừng tăng trưởng, đời sống nông thôn từng bước được khởi sắc, nền kinh tế - xã hội trở nên năng động và linh hoạt. Kinh tế đối ngoại được tăng cường và phát triển trên mọi lĩnh vực: hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, hợp tác và tham gia vào các tổ chức quốc tế. Chính sự ổn định về chính trị và đổi mới các chính sách đã tạo cơ hội cho quá trình phát triển nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới luôn luôn được bổ sung và hoàn thiện các chính sách, tạo môi trường kinh tế thuận lợi, cho yêu cầu của sự nghiệp phát triển nền kinh tế - xã hội.

Sau 20 năm qua thực hiện chính sách đổi mới toàn diện và sâu sắc trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp ở nước ta phát triển ổn định và tăng trưởng nhanh. Nông nghiệp Việt Nam từng bước chuyển từ sản xuất tự túc, tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng và hướng mạnh ra xuất khẩu. Trong 9 năm qua (từ 1990-1999), KNXK nông lâm sản đã tăng 3,3 lần, từ 909 triệu USD lên trên dưới 3 tỷ USD. Một số mặt hàng đã có khả năng cạnh tranh và chiếm vị thế đáng kể trên thị trường thế giới như : gạo, cà phê, điều, tiêu...và có tỷ lệ xuất khẩu cao : cà phê, điều, tiêu trên dưới 95%, cao su 85%, chè 65%, lúa gạo 20%...

Một số thị trường lớn của nông lâm sản xuất khẩu Việt Nam :

Trung Quốc (cả HongKong): Thị trường lớn, gần, tiêu thụ rất nhiều loại nông sản, thị hiếu gần với sản phẩm của nước ta. Kim ngạch xuất sang Trung Quốc thường đạt khoảng 400 - 500 triệu USD/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su trên 100.000 tấn; gạo từ vài chục ngàn tấn đến vài trăm ngàn tấn; hạt điều khoảng 10.000 tấn; rau quả các loại trên 100 triệu USD,...

Các nước ASEAN: Gần nước ta về địa lý, nên nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng nông sản gần gũi với Việt Nam. Gạo là mặt hàng chính xuất sang 3 nước: Indonexia, Malaysia và Philippiness với sản lượng từ 1 triệu tới 3 triệu tấn mỗi năm. Các mặt hàng khác: cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê,... xuất sang các nước này chủ yếu qua trung gian Singapore, Thái Lan... Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2000 sang ASEAN đạt gần 500 triệu USD.

Các nước Trung Đông (Iraq, Iran...) đang tiêu thụ nhiều loại nông sản của Việt Nam như : gạo, chè, quế,... Kim ngạch đạt gần 200 triệu USD/năm.

Các nước EU: Với thị trường này, kim ngạch xuất khẩu khoảng 300 - 350 triệu USD/năm; chủ yếu là cà phê, gạo, cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè, và một số quả nhiệt đới đã chế biến.Nga và các nước Đông Âu: Hiện nay, XKNS sang các nước này giảm đi so với trước do rủi ro cao, phải cạnh tranh với nhiều nước như EU, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ... KNXK đạt khoảng 50 - 60 triệu USD/năm, chủ yếu là gạo, cao su, cà phê, chè, thịt, hồ tiêu, rau quả...Đây là các thị trường truyền thống đã từng tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản Việt Nam, nhưng số lượng nhập khẩu nông sản đã giảm từ sau sự kiện 1991, đến nay các thị trường này đang phục hồi do nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng. Vì thế chính sách hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường này đối với một số mặt hàng như thịt, rau quả, gia vị, chè...là cần thiết.

Mỹ: KNXK mới đạt trên 100 triệu USD/năm, trong đó cà phê, điều, hồ tiêu chiếm khoảng gần 90%. Dung lượng lớn, chủng loại đa dạng và yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng không quá khắt khe như các nước phát triển khác. Hiệp định thương mại Việt- Mỹ một điều kiện thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường này. Việc Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam trong năm 2006 càng tạo thêm cơ hội cho việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

Nhật : KNXK nông sản Việt Nam vào thị trường này mới ở mức 40 - 50 triệu USD/năm với các mặt hàng chủ yếu là: cà phê, cao su, chè, tơ tằm và một số rau quả chế biến, nấm, điều, lâm sản,... Nhật là thị trường đòi hỏi chất lượng cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh dịch tễ, hàng rào bảo hộ cho sản xuất nông nghiệp rất cao.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 26 - 30)