Kinh nghiệm của Thái Lan

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37 - 42)

Thái Lan là một quốc gia nằm trong khu vực ASEAN, có diện tích canh tác 19,62 tr. ha, gấp 2,62 lần nước ta (bình quân đất canh tác trên đầu người gấp 4 lần so với Việt Nam). Cách đây 25 năm Thái Lan là một nước nông nghiệp lạc hậu, nhưng hiện nay là một nước phát triển trong khu vực, có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp nhiều lần Việt Nam. Bằng chính sách đổi mới Thái Lan đã chấp nhận những biện pháp đặc biệt để giải quyết tình hình tụt hậu của đất nước. Trong kế hoạch 5 năm (1977 - 1981), Chính phủ triển khai chiến lược Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chủ trương đa dạng hoá nền kinh tế hướng vào sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu. Do vậy tiềm năng trong nông nghiệp được khai thác và phát huy triệt để, sản xuất phát triển nhanh chóng. Trong một thời gian ngắn (vào những năm đầu thập niên 80), Thái Lan đã là một nước xuất khẩu gạo, sắn, cao su, mía đường thuộc vào những nước hàng đầu thế giới.

Ở Thái Lan công nghiệp chế biến nông sản khá phát triển. Nhờ vậy, giá trị nông sản được nâng cao và hàng hoá trở nên có sức cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Hiện nay nông sản Thái Lan tương đối có uy tín và đang được tiêu thụ trên 100 nước khắp các châu lục trên thế giới. Thái Lan dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo: năm 2001, chiếm 31% thị phần xuất khẩu gạo của thế giới và đạt mức cao nhất 37% vào năm 2004 (trong khi đó, thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam là 14% năm 2001, và đạt mức 16% năm 2004).

Trong thành công của chiến lược XKNS, phải kể đến sự đóng góp to lớn của phát triển công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao được chất lượng sản phẩm, vì thế nông sản của Thái Lan có sức cạnh tranh cao và khá ổn

định. Thái Lan rất chú trọng đầu tư trang thiết bị dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến, đảm bảo điều kiện vận tải, kỹ thuật đóng gói hiện đại và đặc biệt thoả mãn được các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng của EU, Mỹ, Nhật.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chú trọng đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp như cố gắng ổn định giá vật tư, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp. Chính phủ cho rằng đó là những khoản đầu tư then chốt để chuyển dịch cơ cấu theo định hướng phát triển. Từ những vấn đề trên cho thấy vai trò chính sách rất quan trọng đối với việc tạo lập những ngành và sản phẩm mũi nhọn, để tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Ta có thể rõ vấn đề này đối với sản xuất lúa gạo Thái Lan: Thái Lan là nước có tiềm năng sản xuất lúa tương đương với nước ta, song KNXK gạo của Việt Nam chỉ bằng 50 -60% kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Thái Lan là:

Thái Lan chú ý nâng cao năng suất và sản lượng, giảm tối đa chi phí nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng tới khâu xử lý sau thu hoạch, bảo quản, tập kết hàng. Thái Lan động viên nông dân thay đổi tập quán canh tác, hạn chế sử dụng hóa chất nhằm bảo vệ môi trường và phù hợp yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường những quốc gia phát triển.

Thái Lan chấn chỉnh hệ thống thông tin, dữ liệu nông nghiệp để phục vụ tốt khâu lựa chọn cây trồng thay vì thói quen thuần túy dựa theo biến động giá hàng để sản xuất. Trong đó, quan tâm tới thông tin về nhu cầu của các thị trường cũng như diễn biến của các đối thủ cạnh tranh.

Thái Lan xây dựng hệ thống báo động tự động thương mại. Bộ thương mại chủ trương đóng các cơ quan thương vụ thường trú ở các địa điểm trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia bạn hàng quan trọng, bám sát thị hiếu của người tiêu dùng, phát hiện sớm những nảy sinh bất lợi cho hàng nông sản của Thái và những điều chỉnh chính sách nhập khẩu của nước sở tại. Mọi phát hiện về các dấu hiệu bất thường sẽ được báo cáo ngay về Bộ Thương mại để thông báo đến các nhà xuất khẩu có liên quan. Với hình thức này, Thái Lan hy vọng giảm thiệt hại cho doanh nghiệp của Thái Lan cũng như góp phần cảnh báo để

các nhà sản xuất kịp thời có biện pháp điều chỉnh thích hợp, đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thái Lan thực hiện liên kết thành công với các quốc gia nông nghiệp khác để giữ giá NSXK trên thị trường thế giới.

Chính phủ Thái Lan còn có những biện pháp khuyến khích xuất khẩu gạo như: bỏ chế độ hạn ngạch; không thu thuế xuất khẩu, nhà xuất khẩu chỉ phải nộp thuế lợi tức nếu có; tạo tín dụng thuận tiện cho các nhà kinh doanh được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi; khi cần thiết được Chính phủ hỗ trợ việc xuất khẩu, định hướng thị trường chủ yếu, can thiệp để ký những hợp đồng lớn,....Với những chính sách hỗ trợ cần thiết cho các ngành XKNS, Thái Lan đã nâng cao được khả năng cạnh tranh và vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

***

Từ kinh nghiệm của các nước trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng các ngành hàng NSXK cho thấy, sự tăng trưởng của nền nông nghiệp nói chung, của các ngành NSXK nói riêng, ở các nước này đều dựa vào 4 yếu tố cơ bản: chính sách; khoa học và công nghệ; vốn đầu tư và thị trường. Trong đó yếu tố chính sách và khoa học công nghệ có ý nghĩa quyết định, tạo nên những động lực cho sự phát triển. Có thể rút ra một số nhận xét sau :

1. Thành công của các nước này, trước hết là ở chỗ đã xác định đúng vị trí đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm điểm khởi đầu để phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân, Chính phủ các nước đã kiên trì theo đuổi chiến lược đó. Tập trung nỗ lực cho phát triển nông nghiệp để tạo đà và đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện chiến lược CNH, HĐH hướng ra xuất khẩu.

- Thực hiện đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở phát huy các lợi thế tương đối (lợi thế so sánh) phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu là con đường chủ yếu để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng tới việc phát huy lợi thế về quy mô tạo thành những vùng chuyên canh tập trung sản xuất lớn, có tỷ suất hàng hoá cao.

- Trong điều kiện các tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, thì trọng tâm của chính sách kinh tế nhằm hiện đại hoá đất nước theo hướng chuyển sang các ngành sản phẩm công nghệ cao được các nước theo đuổi. Chính phủ các quốc gia có chính sách đầu tư kịp thời và đồng bộ cho công nghệ chế biến, đổi mới công nghệ sinh học, bảo quản và đa dạng hoá các sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, hạ giá thành sản phẩm. Các nước còn chú ý tới thông tin về nhu cầu của các thị trường cũng như diễn biến của các đối thủ cạnh tranh để phản ứng nhanh nhẹn trước yêu cầu và thị hiếu của thị trường về hình thức, chất lượng của hàng hoá nhằm nâng cao lợi thế trong cạnh tranh. Ngoài ra Chính phủ còn có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp phục vụ XKNS.

2. Phối hợp đồng bộ các chính sách và giải pháp để đạt mục tiêu đã đề ra trong từng thời kỳ nhất định. Đặc biệt đối với các NSXK, các nước bước đầu đều có chính sách bảo hộ các chương trình hỗ trợ đặc biệt, để tạo dựng ngành hàng xuất khẩu như: chương trình trợ giúp khoa học công nghệ, vốn,...

3. Sử dụng các chính sách kinh tế vĩ mô để can thiệp gián tiếp và điều tiết sản xuất nông nghiệp có hiệu quả: ổn định giá vật tư, liên kết giữ giá NSXK,...

4. Tăng cường đổi mới hệ thống tiếp thị, phát triển các kênh sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu, coi trọng chữ tín để mở rộng và tạo lập thị trường mới. Đồng thời rất chú ý công tác đào tạo, được xem là một trong những nhân tố quyết định thành công và ngày nay càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang hình thành và ảnh hưởng sâu rộng tới mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội.

Tóm lại, với yêu cầu phân tích khái quá nhận thức về XKNS và tình hình XKNS trên thế giới, chương 1 đã làm rõ: XKNS là một hoạt động kinh tế rất quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. XKNS cho phép các nước đang phát triển phát huy tốt nhất những lợi thế so sánh ban đầu của mình, do đó làm cho tiến trình CNH, HĐH diễn ra hiệu quả hơn. Sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế, quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại tác động đến xu hướng thương mại hàng nông sản trên thế giới, làm cho việc

XKNS thường xuyên có nhiều biến động, đem đến nhiều thách thức cho các quốc gia có tham gia XKNS. Việt Nam là một nước nông nghiệp có đầy đủ các yếu tố thuận lợi trong các hoạt động XKNS. Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình đổi mới đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh XKNS. Một trong những biện pháp cần thiết để thúc đẩy hoạt động XKNS đó là học hỏi và vận dụng kinh nghiệm của các nước khác trong điều kiện của đất nước mình, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)