Những thành tựu và các chính sách liên quan đến XKNS

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 70 - 75)

- Tình hình sản xuất:

2.2.1. Những thành tựu và các chính sách liên quan đến XKNS

Nông nghiệp Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể: chuyển từ nền nông nghiệp tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập và đời sống cho đại bộ phận dân cư, đồng thời hướng mạnh ra xuất khẩu. Tình hình XKNS đã có sự cải thiện cơ bản.

Nông lâm sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 30% khối lượng hàng nông sản thực phẩm sản xuất ra, tỷ lệ này biến đổi tùy theo từng ngành hàng: lúa gạo 20%, rau quả 15%, cà phê 95%, cao su 85%, hạt điều 90%, chè 75%, hạt tiêu 98%.

XKNS trong những năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng xuất khẩu chung và phát triển nền kinh tế đất nước, có những năm chiếm trên 30% tổng KNXK hàng hóa của cả nước (1991- 1995), sau đó tỷ trọng hàng NSXK giảm dần, giai đoạn những năm 1996 - 2000 còn 22,7%, giai đoạn 2001- 2005 chỉ còn 15,3%. Nhiều mặt hàng có lượng và giá trị xuất khẩu cao như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều nhân... đã khẳng định vị thế của XKNS Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu hạt tiêu; thứ 2 về xuất khẩu gạo (sau Thái Lan), hạt điều (sau Ấn Độ), cà phê (sau Braxin); đứng thứ 3 về xuất khẩu cao su (sau Thái Lan và Malaysia); đứng thứ 7 về xuất khẩu chè. KNXK những mặt hàng như cao su, lâm sản... tăng vượt hẳn so với những năm trước do có sự cải thiện về chất lượng hàng hoá và có thị trường: năm 2003, KNXK cao su gấp 2,2 lần so với năm 1996, lâm sản tăng gấp 2,8 lần.

Biểu 2.16: Tốc độ tăng tưởng bình quân 5 năm (%) và trị giá bình quân năm của một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu.

Mặt hàng 1986-1990 1991- 1995 1996- 2000 2001- 2005 Trị giá BQ năm 1996 - 2005 (triệu USD) Gạo 93, 6 11, 7 4,7 16, 1 574,7 Cà phê 37, 2 45, 3 -3,5 8,0 337,1 Chè 11, 9 0,5 22, 4 6,9 62,1 Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Tổng KNXK nông sản tăng nhanh trong thời gian qua, giai đọan 1991- 2000 KNXK nông sản tăng bình quân 17,85/năm sau đó giảm nhẹ vào năm 2001- 2002, và hồi phục nhanh kể từ năm 2003- 2004. Đến năm 2005 giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt gần 5,7 tỷ USD. KNXK nông sản ngày một tăng, thể hiện sự phát triển nhanh chóng của sản xuất nông nghiệp hướng ra xuất khẩu. Trong khi đó tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm (từ 42,1% năm 1989 xuống còn 24,8% năm 1998 và 23% năm 2000, 21% năm 2005). Điều này thể hiện sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ trong cơ cấu của nền kinh tế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước theo hướng CNH, HĐH. Đồng thời XKNS vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tiến trình CNH, HĐH.

Cùng với sự chuyển đổi về thị trường xuất khẩu hàng hóa nói chung, thị trường nông sản cũng dịch chuyển dần từ thị trường khu vực tiền Rúp (thị trường các nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô cũ, và các nước Đông Âu) sang thị trường khu

vực II (tiền USD). Đổi mới và năng động trong quá trình tìm kiếm thiết lập và mở rộng thị trường, đến nay hàng hóa nông sản Việt Nam đã xâm nhập được hầu hết các thị trường trên thế giới. Hiện nay hàng nông lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều mặt hàng đã có thị trường ổn định và có bạn hàng lớn. Ví dụ: gạo Việt Nam từ năm 1990 - 1992 chỉ xuất khẩu sang được 15 nước, đồng thời phải qua trung gian thì đến năm 2000 đã có mặt trên 50 nước và nay là hơn 60 nước; cà phê năm 2000 là trên 40 nước, nay khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ, chè năm 2000 là 42 nước, nay đã sang 57 nước và vùng lãnh thổ,... Sự thay đổi đó tuy có khác nhau theo các loại sản phẩm và hiệu quả của nó và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng dù sao cũng khẳng định xu hướng mở rộng thị trường cho các hàng hóa nông sản.

Tuy nhiên, một mặt do thị hiếu, nền văn hoá có nhiều nét tương đồng, mặt khác công nghiệp chế biến chậm phát triển, xuất khẩu đi các thị trường xa còn hạn chế, nên thị trường Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên dưới 70%) tổng lượng XKNS của nước ta, với các thị trường chính như: Trung Quốc (rau quả, hạt tiêu, hạt điều, cao su...), Đài Loan (rau quả, chè...), Philipin, Inđônêsia và Malaysia (gạo), Nhật Bản (rau quả chế biến, chè...), Irắc (gạo, chè, dầu thực vật, sữa). Các thị trường khác cũng đang được các doanh nghiệp XKNS Việt Nam chú ý và mở rộng khai thác.

Xuất khẩu nông, lâm sản ngày càng tăng về khối lượng, đa dạng hoá mặt hàng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nên đã thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giữa giá NSXK với giá thế giới. Trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng hàng nông sản chế biến tăng hơn trước, từ 8% năm 1991 tới nay chiếm hơn 40% số lượng hàng hóa xuất khẩu. Điều đó minh chứng cho mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa quá trình CNH, HĐH với XKNS: KNXK được nâng cao, hàm lượng chế biến trong nông sản tăng lên rất nhiều nên có thể cạnh tranh được với những hàng hóa của các nước khác, giá bán của các sản phẩm này sẽ cao hơn so với những sản phẩm trước đây chỉ mới qua sơ chế do đó KNXK sẽ tăng lên. Ngược lại khi KNXK

tăng có nghĩa là chúng ta thu được nhiều ngoại tệ để quay trở lại thực hiện CNH, HĐH. Hình thức xuất khẩu hàng hoá cũng đã chuyển dần từ gián tiếp sang trực tiếp, làm tăng hiệu quả XKNS và góp phần phát triển kinh tế đất nước đồng thời thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế thế giới

XKNS trong thời gian qua không chỉ đem lại nhiều ngoại tệ mà còn tạo thêm công ăn việc làm trong nước thông qua các hoạt động thu gom, vận chuyển, phân loại, chế biến hàng nông sản ở vùng, địa phương. Điều này sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Mặt khác, XKNS góp phần làm cải thiện đời sống nhân dân đóng góp tích cực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, vì đa số người nghèo và lực lượng lao động là trong ngành nông nghiệp. Năm 2001 ngành nông nghiệp tạo công ăn việc làm cho khoảng 24 triệu người (chiếm 70% lực lượng lao động so với 80% trong tổng số 12 triệu hộ gia đình nông thôn phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ dân số sống ở mức dưới nghèo đói theo tiêu chuẩn quốc tế giảm một nửa từ 58% năm 1993 xuống còn 29% năm 2004 (FAO, 2005), GDP bình quân đầu người tăng từ 200 USD lên 400 USD và đạt 600 USD trong năm 2005 (song vẫn là một trong những nước nghèo nhất ở Đông Á).

Đạt được những thành tựu trên là nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ và sự phối hợp linh hoạt, kịp thời của các cấp, các ngành trong việc cụ thể hoá các chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, tích cực khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản. Nhận định của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, cải cách chính sách đã đóng góp khoảng 50% trong thành tựu của đất nước nói chung và cho nông nghiệp nói riêng.

Chính sách của Nhà nước thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn: trong thập niên 90, Việt Nam chủ yếu tập trung vào tăng trưởng sản lượng nhằm thoả mãn nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; từ năm

2000, đã có sự điều chỉnh theo hướng phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước. Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP, ban hành ngày 15/6/2000 về một số chủ trương chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã đề ra phương hướng phát triển lâu dài và tích cực đối với nền kinh tế đất nước, trong đó có kinh tế nông nghiệp; tạo ra bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; công tác khuyến nông, khoa học kỹ thuật, cảiS tiến công nghệ được quan tâm; sản xuất từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu thị trường, tăng nguồn hàng hoá chất lượng cao và góp phần tăng nhanh KNXK.

Trong lưu thông và tiêu thụ nông sản cũng có những đổi mới quan trọng trong hệ thống chính sách: bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, quan liêu trong quản lý kinh doanh thương mại trong nước và các cơ chế, chính sách hạn chế xuất nhập khẩu; cho phép tự do lưu thông nông sản hàng hóa; khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là thành phần tư nhân, tham gia tiêu thụ nông sản hàng hoá.

Năm 2002, Chính phủ đã ban hành QĐ số 80/2002/QĐ - TTg để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với người sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường.

Các chính sách về xuất khẩu được thay đổi theo hướng chuyển từ bảo hộ trong nước sang khuyến khích xuất khẩu: Bỏ cơ chế hạn ngạch, đầu mối xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng yếu như gạo, đường, phân bón, cà phê ... (năm 1996 bỏ đầu mối xuất khẩu cà phê, năm 1998 bỏ đầu mối xuất nhập khẩu, năm 2001 bỏ hạn ngạch xuất khẩu đối với gạo); Thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu (1999), Quỹ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (2001) để khuyến khích hoạt động xuất khẩu (thưởng theo kim ngạch và thành tích xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng,...); Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cả ở cấp trung ương và địa phương, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia...

Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg, ngày 04/04/2001 về Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005 của Thủ tướng Chính phủ là bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách thương mại; ban hành quy chế điều hành xuất nhập khẩu ổn định và lâu dài hơn trước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tạo hành lang thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu; giảm bớt các hàng rào phi thuế quan, tăng những công cụ kinh tế phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các biện pháp quản lý xuất khẩu chuyển dần từ quản lý hành chính sang tiêu chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn hàng hoá, thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát chất lượng hàng hoá xuất khẩu. Vấn đề nhãn mác, chất lượng hàng hoá được đặc biệt quan tâm.

Về phía Chính phủ, đã và đang tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương, từng bước đàm phán tham gia các tổ chức thương mại quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xâm nhập thị trường nước ngoài; khuyến khích các chương trình hợp tác quốc tế và các hoạt động ngoại giao hướng tới mở rộng quan hệ thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông lâm sản của Việt Nam. Trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam cũng soạn thảo nhiều luật lệ, chính sách mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Nghị định của chính phủ về quy chế tối huệ quốc (MFN), đãi ngộ quốc gia (CNT), chống bán phá giá, chống độc quyền... Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại Việt Nam tại nước ngoài được tăng cường, góp phần tích cực trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 70 - 75)