- Tình hình sản xuất:
3.1.1. Bối cảnh chung:
Từ nửa sau thế kỷ XX, thế giới bước vào thời kỳ phát triển đột biến với sự xuất hiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng đó vào sản xuất. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ là một trong những nguồn khởi phát dẫn tới chủ nghĩa tư bản hiện đại và cũng chính từ cuộc cách mạng này đã làm xuất hiện xu thế toàn cầu hóa chi phối sự phát triển và biến đổi của thế giới ngày nay.
Toàn cầu hóa là một hiện tượng xã hội phức tạp, một xu thế khách quan, tất yếu, phổ biến của sự phát triển lịch sử. Sự xuất hiện xu thế toàn cầu hóa nằm trong lôgic vận động nội tại của sự phát triển lịch sử thế giới. Dưới tác động của
cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt sự bùng nổ trong lĩnh vực tin học, điện tử và tiếp theo đó là một loạt lĩnh vực khác làm cho lực lượng sản xuất có bước phát triển nhảy vọt, lao động trí tuệ trở thành đặc trưng và khoa học không chỉ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như dự đoán trước đây của C. Mác, mà còn là nguồn lực quyết định sự phát triển, đưa nền kinh tế thế giới chuyển lên một giai đoạn mới, một giai đoạn mà các nhà kinh tế các nước, nhất là các nước phát triển, mô tả dưới các tên gọi khác nhau như: “Nền kinh tế tri thức”, “Nền kinh tế mới”, “Nền kinh tế điện tử”, “Nền kinh tế số”,...
Quá trình toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi các yếu tố mới như:
- Mạng lưới thông tin toàn cầu (điện thoại, fax, internet...), nếu như năm 1991 mới có 31 nước trên thế giới nối mạng Internet thì đến năm 1997 đã có 197 nước, năm 1996 có 76,5 triệu người sử dụng internet thì năm 2005 trên thế giới đã có khoảng 1 tỷ người sử dụng Internet.
- Mạng lưới và hệ thống đại siêu thị toàn cầu. Các mạng lưới này giúp các xí nghiệp dù ở quy mô nào cũng có thể đưa ra mục tiêu chiến lược là bán hàng ở khắp mọi nơi có thể bán trên thế giới. Sự tiện lợi này càng tăng lên với sự xuất hiện của thương mại điện tử, đây là một hình thức mua bán rất mới và tốc độ phát triển nhanh chóng với số người sử dụng ngày càng tăng và doanh thu đạt được ngày càng lớn.
- Hệ thống và mạng lưới các trụ sở lao động toàn cầu được hình thành, ở đó hàng hóa được sản xuất, thông tin được xử lý và mọi dịch vụ được cung cấp.
- Hệ thống và mạng lưới tài chính toàn cầu, thúc đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển các nguồn vốn dưới nhiều các hình thức, quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, tổng giá trị các giao dịch tài chính quốc tế hàng ngày trên toàn cầu đã diễn ra với tốc độ “ ánh sáng” vượt quá 3500 tỷ USD.
- Cho đến nay sự phát triển của các công ty xuyên quốc gia mạnh mẽ hơn nhiều so với trước. Những công ty xuyên quốc gia hàng đầu giữ vai trò trọng yếu trong lĩnh vực mậu dịch quốc tế, tiền tệ quốc tế, đầu tư quốc tế, sản xuất, kinh doanh quốc tế. Hiện nay về cơ bản hình thành một cấu trúc kinh tế thế giới, trong
đó các công ty xuyên quốc gia kiểm soát khoảng 1/2 sức sản xuất công nghiệp của thế giới; về tiêu thụ chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch mậu dịch thế giới ,...
Rõ ràng toàn cầu hóa kinh tế là nhân tố có tầm quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy qúa trình sản xuất và lưu thông hàng hóa của toàn nhân loại. Ở đó các công ty xuyên quốc gia là chủ thể kinh tế có vai trò to lớn tạo cơ hội thuận lợi cho việc giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Cơ hội thuận lợi được nhìn nhận qua các khía cạnh như:
- Toàn cầu hóa, thông qua xóa bỏ các rào cản, đã tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ kỹ thuật cũng như công nghệ quản lý tiên tiến, ứng dụng ngay vào quá trình phát triển nền kinh tế và tận dụng được lợi thế so sánh của quốc gia mình, sức mạnh cạnh tranh hàng hóa được nâng cao, tăng trưởng kinh tế trở nên ổn định và bền vững hơn nhờ các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn. Tiến trình này cũng tạo ra cơ hội lớn cho tất cả các nước, nhất là những nước đang phát triển trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ. Toàn cầu hóa cũng mở ra khả năng cho các quốc gia chậm phát triển nhanh chóng tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế, từ đó hình thành một cơ cấu kinh tế- xã hội hiệu quả, đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình hiện đại hóa. Toàn cầu hóa làm tăng mối quan hệ kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, còn giúp các nước đang phát triển thúc đẩy quá trình cải cách trong nước, buộc các nước này phải đẩy nhanh hơn nữa các cuộc cải cách trong nước, thay đổi chính sách kinh tế cho phù hợp, tránh nguy cơ tụt hậu.
Ngoài những tác động tích cực, toàn cầu hóa sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh một cách gay gắt, trong khi năng lực kinh tế của các nước đang phát triển còn nhiều hạn chế. Toàn cầu hóa dẫn tới sự lệ thuộc ngày càng tăng của các nước đang phát triển vào sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa còn gây ra những hậu quả mang tính phi kinh tế, đó là các vấn đề như nguy cơ gia tăng bất bình đẳng xã hội, lan tràn dịch bệnh, phổ biến các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy,...
Qui trình toàn cầu hóa kinh tế đã thu hút đông đảo các quốc gia tham gia vào các quá trình mở cửa nền kinh tế, với những cấp độ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn. Nói cách khác hội nhập kinh tế quốc tế là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa kinh tế, là sản phẩm vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau diễn ra ở nhiều cấp độ quy mô và phương thức mà trọng tâm là mở cửa kinh tế thông qua đổi mới và điều chỉnh các luật lệ, chính sách, cơ chế tập quán kinh doanh, cơ cấu kinh tế của mỗi nước cho phù hợp với thông lệ quốc tế, khu vực, nhằm huy động tốt nhất nội lực, ngoại lực, mở rộng không gian để phát triển và chiếm lĩnh vị trí phù hợp nhất có thể được trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Nói tới hội nhập kinh tế quốc tế là nói tới việc tham gia các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, đó là các tổ chức kinh tế toàn cầu như: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), và trên 100 tổ chức kinh tế khu vực như: Liên lục địa (ASEM), Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN),... Sự liên kết thương mại toàn cầu được diễn ra trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế WTO, các hoạt động đầu tư, liên kết tài chính, dịch vụ cũng diễn ra trên các châu lục thông qua các quan hệ song phương và đa phương, đa chiều.Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi quốc gia đều theo đuổi những mục tiêu và những lợi ích khác nhau thậm chí đối lập nhau. Các nước phát triển không chỉ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà còn tìm mọi cách để chi phối thị trường thế giới. Trong khi đó các nước đang phát triển và chậm phát triển muốn tranh thủ và lợi dụng quá trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế để có điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập của mình. Điều này cũng được thể hiện rõ trong tiến trình đàm phán Urugoay (1993) và Doha nhằm mở rộng hơn nữa thị trường của các nước thành viên, thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ,... thúc đẩy thương mại lành mạnh, tăng cường cạnh tranh công bằng, tạo môi trường kinh doanh ổn định.
Mậu dịch hàng nông sản là vấn đề rất được quan tâm trong hiệp định hàng nông sản qua vòng đàm phán Urugoay. Mục đích của hiệp định đã được nêu rõ
“Hiệp định hàng nông sản được xây dựng nhằm mục tiêu lâu dài thiết lập một hệ thống thương mại nông sản bình đẳng và theo định hướng thị trường, giảm đáng kể và nhanh chóng hỗ trợ, bảo hộ nông nghiệp”. Với 21 điều khoản được đưa ra, Hiệp định về hàng nông sản của vòng đàm phán Urugoay đã thiết lập lại trật tự và cạnh tranh công bằng, bước đầu tạo ra những quy định cụ thể trong việc mở rộng thị trường thông qua thực hiện cơ chế “thuế hóa” và được cắt giảm theo thời gian nhất định, cạnh tranh xuất khẩu, trợ cấp nội địa qua các cam kết về thâm nhập thị trường nâng đỡ thị trường nội địa nhằm trợ giúp kinh tế nông thôn.
Mới đây hơn, tổ chức thương mại thế giới mở vòng đàm phán Doha với mục tiêu giảm nhẹ các rào cản thương mại, cắt giảm trợ cấp, thúc đẩy thương mại tự do và đẩy mạnh việc thâm nhập vào các thị trường toàn cầu. Các phiên đàm phán đã diễn ra từ tháng 11/2001 nhưng cho tới nay vẫn chưa kết thúc mà có nguy cơ sụp đổ. Các nhà đàm phán đã cố gắng tạo ra một khuôn khổ cho sự tự do hóa thương mại nông sản và hàng công nghiệp - điều mà họ chưa đạt được trong 5 năm qua. Muốn đạt được thỏa thuận này cần đẩy mạnh việc giảm trợ cấp nông sản hơn nữa và giảm thuế quan của liên minh Châu Âu (EU) và các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cho rằng các nước phương Tây bảo hộ quá mức cho nông sản của mình, tạo môi trường cạnh tranh không công bằng, thậm chí từ chối mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu từ các nước nghèo hơn, đặc biệt là Mỹ yêu cầu tự do hóa quá cao với các nước khác, trong khi bản thân nước này thực hiện tự do hóa quá ít.
Mỗi năm Mỹ chi 1,3 tỷ USD trợ cấp cho một vụ canh tác lúa trị giá 1,8 tỷ USD. Những trợ cấp đó cho phép bán phá giá 4,7 triệu tấn gạo trên thị trường thế giới với giá thấp hơn 34% chi phí sản xuất gây phương hại cho các nước nghèo như: Haiti, Gana và Honduras. Phil Bloomet, người đứng đầu cuộc vận động hãy làm cho thương mại được công bằng của Oxfam quốc tế cho rằng “Đây là một ví dụ về những luật lệ được dàn xếp, nhưng đồng thời họ lại trợ cấp ồ ạt sản xuất thừa và bán phá giá”. Nếu không có sự trợ cấp đó thóc gạo của Mỹ sẽ không thể cạnh tranh nổi. Các nước nghèo buộc phải cạnh tranh với Mỹ, tệ hại hơn, họ ít có
cơ hội tự bảo vệ trước tình trạng bán phá giá. Nếu các nước giàu ở vào thế thượng phong tại WTO thì các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nicaragua và Ai Cập nằm trong số 13 nước đang phát triển buộc phải cắt giảm thuế đánh vào các mặt hàng gạo và sẽ trở nên dễ tổn thương trước hàng nông sản rẻ tiền. Trong lúc đó, ngành xuất khẩu thóc gạo Mỹ lại được lợi nhờ dễ tiếp cận hơn đến các thị trường của các nước nghèo, những nước buộc phải giảm thuế nhập khẩu gạo (Haiti) từ 35% xuống còn 5% dưới sức ép của IMF. Vượt ra ngoài WTO, các nước giàu còn tiếp tục sử dụng Ngân hàng thế giới (WB) và các hiệp định thương mại khu vực để ép các nước đang phát triển mở cửa thị trường sớm hơn, rồi bán phá giá nông sản thừa, phá hoại kế sinh nhai của nông dân nghèo.
Tổ chức lương thực thế giới (FAO) và tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo chung “Triển vọng nông nghiệp 2006- 2015”, cho biết buôn bán nông sản từ nay đến 2015 vẫn tiếp tục bị cản trở do các nước phát triển còn áp dụng trợ giá nông nghiệp dùng các rào cản thương mại, vòng đàm phán thương mại Doha khởi khởi động từ năm 2001 đang có nguy cơ đổ vỡ.
Như vậy toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra nhiều thuận lợi, cũng tạo ra nhiều thách thức mới cho các nước đang phát triển. Châu Á- Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động, trong đó Trung Quốc có vai trò ngày càng lớn. Sau khi khủng hoảng tài chính- kinh tế, nhiều nước ASEAN và Đông Á đang khôi phục và phát triển với khả năng cạnh tranh mới. Tình hình đó tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong hợp tác phát triển kinh tế, đồng thời cũng gia tăng sức ép cạnh tranh cả trong và ngoài khu vực.