Đào tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đảm bảo thực hiện tốt nhiệm

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Báo thái bình tham gia giải quyết điểm nóng chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh (Trang 126 - 131)

của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia giải quyết điểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh

Một tờ báo muốn thực hiện được nhiệm vụ của mình và có uy tín đối với bạn đọc phải có nhiều yếu tố, có nhiều lực lượng nhưng không thể thiếu những người viết báo chuyên nghiệp giỏi. Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng cũng nhấn mạnh: “muốn tạo nên một tập thể vững mạnh phải xây dựng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”.

Đối với báo Thái Bình, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn việc tham gia giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo phải sâu sát cơ sở, nhạy bén chính trị, để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên đều có đủ khả năng tác nghiệp tại điểm nóng, mà không cần lãnh đạo phải cân nhắc, chọn lựa con người khi có vấn đề xảy ra.

Bên cạnh đó, việc trau dồi trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đối với mỗi cán bộ, phóng viên là vô cùng cần thiết. Ai cũng biết làm báo là làm chính trị, người làm báo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt. Khi viết báo phải luôn đặt câu hỏi mình viết như thế này đã đúng chưa? người đọc, người xem có hiểu đúng ý mình không. Làm như vậy, là nhà báo đã ý thức được mình thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của báo chí và luật báo chí. Trong giai đoạn hiện nay càng đòi hỏi cơ quan báo chí và những người cầm bút của báo Thái Bình cần đề cao trách nhiệm chính trị, xã hội khi thông tin trên báo chí một cách trung thực và khách quan. Để có được sự trung thực và khách quan, người cầm bút phải có cái tâm và đạo đức trong sáng, một bản lĩnh vững vàng, viết báo phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân, viết báo không vì vụ lợi. Nói về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Khi cầm bút, nhà báo phải phản ánh trung thực, khách quan sự vật, hiện tượng, sự kiện. Cái khó của người làm báo là ở chỗ đó, vì “viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung” [35, tr 120].

Để hội tụ được các đức tính cao đẹp ấy, người cầm bút phải thường xuyên học tập trong thực tiễn cuộc sống, trong phong trào cách mạng của quần chúng, học tập đồng nghiệp. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh rằng trường học làm báo của mình là trường đời, cho nên Người khuyên các nhà báo là “học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng” [36, tr 663]… để nghề nghiệp ngày càng tinh thông, sâu sát cơ sở, không thụ động

chờ nguồn tin mà phải chủ động điều tra, khám phá, lắng nghe và tiếp thu nhiều kênh thông tin rồi “gạn đục, khơi trong”, chọn lọc những thông tin “đắt giá” nhất và viết bằng năng lực và bằng cái tâm của mình. Nếu viết theo kiểu một chiều được chăng hay chớ, phù họa, thiếu sự cọ xát, phản biện thì tác phẩm báo chí ấy rất đỗi tầm thường. Nghề làm báo phải tỏ rõ quan điểm và thái độ trước các sự kiện và con người, khen hoặc chê, biểu dương mặt này, phê phán mặt kia qua thông tin, phản ánh, bình luận. Đó là việc làm bình thường của người làm báo, nhưng không hề đơn giản. Đối với người có lương tâm nghề nghiệp còn cho đó là một công việc khó khăn. Bởi nhà báo hàng ngày, hàng giờ xử lý các thông tin, thời sự nhanh nhạy, kịp thời trong thời đại thông tin bùng nổ đang là đòi hỏi của người đọc, người nghe, người xem, đồng thời là có sự cạnh tranh của các tờ báo. Nhưng nhanh phải đúng và chỉ có nhanh và đúng mới tạo được sự tin cậy với tờ báo và người viết. Tuy nhiên việc này không dễ, vì có việc thấy rõ ngay đúng sai, nhưng có việc phải chờ một thời gian qua kiểm nghiệm thực tiễn mới đánh giá đúng giá trị của tác phẩm báo chí. Có lúc người làm báo rất phấn khởi việc biểu dương đúng một sự việc hoặc dự báo đúng về nhân tố mới ngay từ khi mới còn là “cái nụ, cái mầm”. Cũng có lúc hối hận khi khen ngợi, thậm chí thổi phồng quá đáng những sự kiện hoặc con người nào đó không đúng sự thật, chính việc ấy chỉ làm hại nơi đó. Cũng có lúc chê bai quá mức, thậm chí bôi nhọ, làm nhục một đơn vị nào đó, hoặc một con người vốn cơ bản là tốt, chỉ sai lầm nhất thời, với mức vừa phải… làm tổn hại danh dự và gây khó khăn trong việc tiếp tục làm ăn, hoặc gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình… Thời gian đến, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của báo chí là: chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí. Đồng thời làm tốt hơn nữa việc biểu dương người tốt, việc tốt, những cách làm hay để nhân rộng trong xã hội…

KẾT LUẬN

Điểm nóng chính trị-xã hội luôn luôn là một lĩnh vực nhạy cảm. Nó thuộc về phạm trù chính trị học. Thẩm quyền giải quyết trực tiếp của lĩnh vực này thuộc về các cơ quan chính quyền và hệ thống hành pháp. Với đặc thù là cơ quan thông tin, tuyên truyền, việc tham gia giải quyết điểm nóng chính trị- xã hội của báo chí nói chung, báo Thái Bình nói riêng cũng chỉ dừng ở các vấn đề thông tin, tuyên truyền, vận động, thuyết phục trên lĩnh vực tư tưởng chứ không thể trực tiếp tham dự vào dập tắt điểm nóng bằng các biện pháp có tính chất chính trị - hành chính.

Phân tích bản chất, nguyên nhân của điểm nóng chính trị - xã hội, quy trình xử lý điểm nóng chính trị - xã hội, chúng ta thấy rõ hơn vai trò của báo chí trong việc thông tin về điểm nóng chính trị-xã hội, trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về điểm nóng chính trị-xã hội, vai trò của báo chí trong tham gia củng cố và bảo vệ sự ổn định chính trị-xã hội, vai trò của báo chí trong tham gia ổn định tình hình hậu điểm nóng chính trị-xã hội.

Từ thực tiễn tin, bài những năm 2007-2011 cho thấy, Báo Thái Bình đã tham gia giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh một cách khá hiệu quả. Báo đã có những chuyên trang, chuyên mục thông tin về những vấn đề dễ gây phát sinh điểm nóng chính trị-xã hội. Báo đã cung cấp đến công chúng trong tỉnh những thông tin đầy đủ và có định hướng về tình hình điểm nóng chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh với những kiến giải sâu sắc và theo sát sự kiện. Báo đã tham gia tích cực trong vận động nhân dân tại các vùng điểm nóng chính trị - xã hội. Đặc biệt, Báo Thái Bình đã thể hiện sự vào cuộc tích cực trong tuyên truyền, ổn định tại các địa phương trong tỉnh hậu điểm nóng chính trị-xã hội.

Tuy nhiên, trong vấn đề tham gia giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh của báo Thái Bình thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế,

như: việc thông tin đôi khi chưa kịp thời, đúng lúc, chưa có nhiều tin bài về điểm nóng chính trị-xã hội có chất lượng cao, hình thức thông tin chưa phong phú, hấp dẫn… Điều đó cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết của tờ báo trong thời gian tới là: vấn đề mâu thuẫn giữa nhận thức của cấp uỷ, chính quyền địa phương về vai trò, chức năng của báo chí với việc định hướng cho báo chí thông tin điểm nóng chính trị-xã hội, vấn đề giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa thông tin tuyên truyền phát triển kinh tế với giữ vững ổn định chính trị-xã hội, vấn đề về chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên khi thực hiện các nội dung thông tin ở lĩnh vực này.

Từ những vấn đề trên, để tham gia giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Báo Thái Bình cũng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin kịp thời từ phía cấp uỷ tỉnh, cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn của cơ quan báo chí, đặc biệt cần có đội ngũ cán bộ, phóng viên sâu sát cơ sở, có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đồng thời cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng để gắn thông tin giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội với thông tin việc xử lý những kẻ cầm đầu, gây rối -hạt nhân gây nên điểm nóng chính trị -xã hội để nhằm ổn định tình hình ở các địa phương hậu điểm nóng.

Đó là những nội dung cơ bản mà tác giả Luận văn đã tiếp cận. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vấn đề, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực chính trị học, công tác tư tưởng, người viết lại bị hạn chế bởi thời gian, trong quá trình khảo sát, phân tích đánh giá chắc chắn còn nhiều vấn đề thiếu sót, nhiều nội dung tiếp cận chưa tới và nhiều kiến giải chưa thực sự thuyết phục. Rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy giáo, cô giáo, các bạn để luận văn hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Báo thái bình tham gia giải quyết điểm nóng chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh (Trang 126 - 131)