Những hạn chế, khuyết điểm

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Báo thái bình tham gia giải quyết điểm nóng chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh (Trang 98 - 103)

Bên cạnh những ưu điểm trong tham gia giải quyết điểm nóng chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2007-tháng 3/2011, có thể thấy, ở nội dung này, báo Thái Bình còn một số hạn chế, tồn tại như sau:

* Hạn chế về nội dung thông tin:

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, “Báo, đài địa phương còn ít bài, ít chuyên trang, chuyên mục đi sâu, tuyên truyền, giáo dục đoàn kết dân tộc, đấu tranh chống tư tưởng sai trái, chống tiêu cực ngay trên địa phương mình” [5, tr 14]. Báo Thái Bình cũng không tránh khỏi những điểm hạn chế trên. Thể hiện:

- Việc thông tin sự kiện diễn ra tại điểm nóng chính trị - xã hội chưa kịp thời, đúng lúc. Việc nắm bắt thông tin, xử lí thông tin có lúc chưa đầy đủ, chính xác, kịp thời, đặc biệt là trong thời gian đầu khi tình hình điểm nóng xảy ra.

Giá trị của thông tin là phải mới, nóng, tuy nhiên, sự kiện phường Tiền Phong bắt đầu từ tháng 7/2007 mà đến tận tháng 5/2008 báo mới đưa tin. Lúc này chỉ còn mang ý nghĩa tổng kết, báo cáo lại tình hình mà không mang tính chất thông tin kịp thời, chậm hơn một số báo, đài khác, đặc biệt là những báo, đài của các thế lực thù địch. Điều này đôi khi làm cho độc giả hiểu sai, cho rằng thông tin bị bưng bít.

- Thông tin không thường xuyên, đầy đủ: có nhiều vấn đề nảy sinh tại điểm nóng chính trị-xã hội không được báo Thái Bình thông tin một cách đầy

đủ và logic, người đọc phải xâu chuỗi sự kiện từ nhiều phương tiện truyền thông khác như Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, các báo khác nên tính liên tục của thông tin không bảo đảm. Ví dụ, trong sự kiện khiếu kiện và những vấn đề bức xúc của người dân Mỹ Lộc, báo không thông tin diễn biến sự kiện mà chỉ nêu lên những giải pháp khi tình hình đã xảy ra, người đọc không hiểu tại sao, vì lý do gì mà lại cần “sự đồng thuận” của người dân và “các giải pháp” để trung tâm điện lực được triển khai.

- Một số tin bài chất lượng thấp, tính giáo dục, thuyết phục để góp phần vào ổn định tình hình chưa cao. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các bài viết trên báo Thái Bình trong nội dung liên quan đến điểm nóng chính trị - xã hội mới chỉ mang tính chất truyền tải thông tin, ít những bài chuyên sâu, mang tính định hướng dư luận xã hội sâu sắc và thuyết phục. Chủ yếu ở những dạng bài này, tên tác giả được ký là PV thể hiện tính chiến đấu và tinh thần “dám chịu trách nhiệm” của tác giải chưa cao, như quan điểm của nhà báo Hữu ThọNói chung phải điều tra đến tận nơi và có câu trả lời. Cho nên người đọc thường tỏ ra khó chịu khi thấy thái độ của phóng viên lập lờ, không rõ ràng, khen chê không rõ ràng. Đó chỉ là do thái độ chưa dám chịu trách nhiệm đầy đủ hoặc quá “khôn ngoan” của người viết báo [46, tr 220].

Trong khi đó “Sự phân tích nguyên nhân và nêu trách nhiệm là một việc làm rất phức tạp, không dễ dàng, nhất là nguyên nhân của khuyết điểm. Theo yêu cầu của bạn đọc thì bài viết phải có địa chỉ… và điều quan trọng là trách nhiệm thuộc về ai. Nhưng nêu rõ trách nhiệm lại không dễ dàng” [46, tr 220].

- Nội dung thể hiện còn mờ nhạt, ít những bài sắc sảo: Qua khảo sát báo Thái Bình từ 2007-2011 cho thấy khi viết về điểm nóng chính trị- xã hội thì những chuyên mục mang tính bình luận, chuyên luận rất thiếu vắng. Thường là những bài viết theo kiểu báo cáo với những phản ánh và kết luận chung chung. Nhiều bài viết khen, chê chung chung, chưa rõ ràng và không rõ chính

kiến của người làm báo. Trước những sự kiện quan trọng xảy ra ở địa phương có liên quan đến điểm nóng chính trị-xã hội chưa có nhiều bài viết bình luận mang tính định hướng cao. Trong các vấn đề liên quan đến điểm nóng chính trị-xã hội, việc thông tin các nội dung tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một mảng đề tài quan trọng và cần những bài điều tra phê bình, song mảng đề tài này rất ít xuất hiện trên báo Thái Bình…Do đó chưa mang lại hiệu quả thuyết phục cho công chúng.

- Việc thông tin, tuyên truyền cho các chỉ thị, nghị quyết không thường xuyên, chỉ chú trọng lúc ra nghị quyết mà ít chú ý xem chỉ thị, nghị quyết được vận dụng được thực hiện trong cuộc sống như thế nào do đó kém hiệu quả, hạn chế tính định hướng chỉ đạo của cấp uỷ.

* Hạn chế về hình thức thông tin:

Trong phản ánh về điểm nóng chính trị-xã hội, Báo chủ yếu sử dụng thể loại đơn giản như tin, bài phản ánh, còn đơn điệu trong chuyên trang, chuyên mục, chưa phong phú. Trong thông tin các vấn đề dễ gây phát sinh điểm nóng chủ yếu là phản ánh kết quả hoạt động của các ngành, địa phương, chưa đi sâu phân tích những thành tựu, hạn chế, thiếu dự báo của sự phát triển.

Cùng một mảng đề tài, có khi báo có nhiều bài viết có tít và nội dung na ná nhau xuất hiện trong một thời điểm gần nhau, gây sự khó chịu cho người đọc, tạo cảm giác về sự dập khuôn, máy móc. Ví dụ: các số báo ra từ ngày 19/9/2008-6/10/2008 có một loạt bài có tít: 10 năm thực hiện…: An Ninh điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Hưng Hà sau 10 năm thực hiện pháp lệnh hoà giải ở cơ sở; Kiến Xương sau 10 năm thực hiện pháp lệnh hoà giải ở cơ sở; Đông Hưng sau 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 10 năm thực hiện pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở…

Thông tin giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội trên báo còn nặng tính một chiều. Báo chưa mở rộng diễn đàn để phản ánh tiếng nói của công chúng trong các sự kiện liên quan đến điểm nóng chính tri-xã hội. Chưa có nhiều bài

phỏng vấn, làm rõ quan điểm chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền trong giải quyết điểm nóng. Bởi vậy, hiệu quả và tính thuyết phục của tin, bài chưa cao.

Những hạn chế nêu trên là do những nguyên nhân sau:

- Định hướng thông tin của cấp uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chưa kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân chung của rất nhiều báo đảng địa phương, như Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận xét: “Công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, xuất bản nhìn chung kịp thời, tuy nhiên còn có một số vụ việc còn thụ động, chưa kiên quyết. Chất lượng thẩm định đánh giá thông tin trên báo, đài, tạp chí hàng ngày chưa cao, đôi khi còn bỏ sót một số sự kiện, vấn đề phức tạp, nhạy cảm, quan trọng của đất nước, của địa phương. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo hoạt dộng báo chí, xuất bản, công tác thông tin tuyên truyền có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên” [5, tr 13]. Vấn đề điểm nóng chính trị-xã hội là vấn đề nhạy cảm, cần có thông tin nhanh và sự định hướng nhanh đối với công chúng. Song trong nhiều vấn đề, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chưa chỉ đạo, báo “không dám” thông tin vì sợ sai đường lối. Do đó thông tin về điểm nóng chính trị-xã hội của báo đôi khi còn chậm.

- Nhận thức của lãnh đạo báo về vị trí, vai trò của việc tham gia giải quyết điểm nóng chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh với một cơ quan báo chí – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh chưa đầy đủ. Báo mới chỉ tập trung chú trọng đến các thông tin kinh tế, chính trị. Chưa gắn kết việc tham gia giải quyết điểm nóng chính trị-xã hội với thông tin thực hiện các nhiệm vụ chính trị-kinh tế-xã hội khác. Cơ quan báo chí thiếu sự chỉ đạo tỉ mỉ mà chưa duy trì kế hoạch tuyên truyền, thông tin các vấn đề liên quan đến điểm nóng chính trị - xã hội một cách bài bản và dài hơi. Do đó, thông tin liên quan đến điểm nóng chính trị-xã hội chưa thường xuyên, liên tục và đảm bảo sự thông suốt cho công chúng.

- Hoạt động của đội ngũ cán bộ, phóng viên còn thiếu chủ động, chưa sâu sát cơ sở, thiếu thông tin chính thống, vì vậy khi tình hình điểm nóng

chính trị - xảy ra công tác thông tin, tuyên truyền đã bị động, lúng túng còn chờ chỉ đạo của cấp trên nên không kịp thời.

Bên cạnh đó, báo Thái Bình cũng là một cơ quan được bao cấp về ngân sách từ Nhà nước, việc đổi mới nội dung, hình thức thông tin cũng bị hạn chế bởi kinh phí. Do “sự đầu tư cũng không đáp ứng nâng cao chất lượng báo chí. Việc chậm đổi mới về nội dung thông tin và hình thức tuyên truyền là một trong những nguyên nhân tạo ra sự yếu kém của những tờ báo được bao cấp về tài chính” [30, tr 80].

Chương 3

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Báo thái bình tham gia giải quyết điểm nóng chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh (Trang 98 - 103)