Tình hình điểm nóng chính trị-xã hội ở Thái Bình từ năm 2007 3/2011 và những hậu quả của nó

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Báo thái bình tham gia giải quyết điểm nóng chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh (Trang 55 - 64)

3/2011 và những hậu quả của nó

2.2.1.Tình hình điểm nóng chính trị - xã hội ở Thái Bình từ năm 2007-3/2011 qua một số vụ việc

Những năm 1997-1998, Thái Bình là điểm nóng chính trị - xã hội của cả nước với tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân lan ra diện rộng. “Nội dung tố cáo chủ yếu về tình trạng tham nhũng, mất dân chủ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; về quản lý tài chính, kinh tế; việc cấp đất, bán đất, quản lý tiền đất và các khoản thu của dân; về thanh toán các công trình xây dựng cơ bản; về tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, hống hách đối với nhân dân và về việc thực hiện các chính sách xã hội” [21, 5].

Một số người lợi dụng đấu tranh, tiêu cực kích động, lôi kéo, đe doạ, ép buộc nhân dân đi khiếu kiện đông người lên xã, huyện, tỉnh. Một số nơi đã xảy ra những hành động vô chính phủ, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng như: vây giữ, truy bắt, lăng mạ cán bộ, tự niêm phong tài liệu, ngăn cản chính quyền cơ sở thi hành nhiệm vụ; thậm chí có nơi còn tổ chức đập phá, huỷ hoại tài sản của Nhà nước, tài sản của công dân, đánh người, bắt giam giữ trái phép cán bộ, chiến sỹ các cơ quan bảo vệ pháp luật đang thi hành nhiệm vụ, gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Sau những năm 1997-1998, từ kinh nghiệm giải quyết điểm nóng chính trị - xã hội và thực hiện luật khiếu nại, tố cáo, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể thiết thực để giữ vững ổn định chính trị trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua 2 kỳ đại hội XVII và XVIII, kinh tế- xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã hình thành và ngày càng được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, nông thôn Thái Bình vẫn đang đứng trước những vấn đề có tác động ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, như cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc, đời sống của nông dân còn rất nhiều khó khăn; công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, khu dân cư và đô thị nông thôn... còn chắp vá làm cho nông dân có đất sản xuất nằm trong khu quy hoạch rất bị động, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống. Đặc biệt, bên cạnh mặt tích cực của phát triển kinh tế thị trường, đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp: thất nghiệp và nửa thất nghiệp diễn ra khá phổ biến một phần là do đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho các dự án lớn; số người nghèo và tái nghèo ở một số địa phương có giảm nhưng không vững chắc; chi phí y tế, giáo dục thường vượt quá khả năng của nông dân; tệ nạn xã hội có xu hướng tăng và lây lan nhanh; vấn đề công bằng xã hội, môi trường sinh thái, việc làm cho lao động nông nhàn có lúc, có nơi trở thành vấn đề gay gắt...

Cho đến nay, Thái Bình về cơ bản vẫn là một tỉnh thuần nông. Từ những năm 2000 đến nay, nhất là những năm gần đây, khi đất nước ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVII phấn đấu đến năm 2010, Thái Bình trở thành một tỉnh nông-công nghiệp, Thái Bình đã quan tâm đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp của tỉnh có những chuyến biến đáng kể, từ 24% năm 2005 tăng lên 33% năm 2010. Tuy nhiên, do sự thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, cùng với những chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thống nhất làm cho một bộ phận nhân dân không đồng tình, từ đó dẫn đến những vụ khiếu kiện kéo dài. Nội dung khiếu kiện có đúng, có sai và chủ yếu là về vấn đề đất đai (khoảng 70% vụ việc), như nâng giá đền bù, cấp đất tái định cư, đất sản xuất, đất dịch vụ hoặc đòi lại đất đai cũ trước đây đưa vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc thực hiện chính sách khác về nhà, đất; tố cáo tiêu cực, vi phạm trong việc cấp bán đất ở cơ sở, tiêu cực trong các dự án thu hồi đất; từ khiếu nại các quyết định giải quyết vụ việc đã có hiệu lực pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân cố tình không chấp hành chuyển sang việc tố cáo người hoặc cơ quan ban hành các văn bản đó...

Đặc biệt có một số vụ việc trở nên phức tạp, trở thành điểm nóng chính trị - xã hội. Có thể kể đến một số vụ việc như sau:

* Vụ việc ở phường Tiền Phong – Thành phố Thái Bình

Tiền Phong là 1 trong 7 xã, phường của Thành phố Thái Bình có quy mô dân số lớn, toàn phường có 2.434 hộ, 9.985 khẩu (trong đó có 1.166 hộ sản xuất nông nghiệp). Cùng với sự phát triển công nghiệp và đô thị hoá của cả nước và của cả tỉnh, phường Tiền Phong là đơn vị có nhiều đất thu hồi để phát triển. Do yêu cầu xây dựng các khu, cụm công nghiệp; mở rộng, chỉnh trang đô thị, Phường Tiền Phong có 106/159 ha, chiếm 66,6% diện tích đất

nông nghiệp phải thu hồi. Phần lớn nông dân Tiền Phong có diện tích đất bị thu hồi lại là các hộ thuần tuý sản xuất nông nghiệp. Khi thiếu việc làm trở nên hẫng hụt, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, bà con còn có những bức xúc khác như việc chính quyền địa phương giai đoạn 2001-2007 chưa nghiêm chỉnh chấp hành luật đất đai, quy chế dân chủ ở cơ sở, Quyết định 498 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Một số cán bộ có chức, có quyền ở địa phương lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái, trục lợi, làm giàu không chính đáng, gây bất bình trong nhân dân. Ở trong Đảng, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình yếu. Thậm chí một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút ý chí chiến đấu, bàng quan trước sự thật, không dám đấu tranh với những sai phạm của đồng chí mình. Trong 2 năm 2007-2008, Tiền Phong trở thành điểm nóng chính trị-xã hội của Thành phố. Có lúc có tới hàng trăm quần chúng nhân dân kéo lên phường, lên tỉnh đòi đòi hỏi quyền lợi. Do đó một số người lợi dụng tình hình lôi kéo quần chúng làm mất trật tự an ninh. Vụ việc trên đã gây tác động xấu đến dư luận trong tỉnh. Nhiều thế lực thù địch và báo chí phản động nước ngoài đã mượn chiêu bài dân chủ để kích động quần chúng, chống phá chính quyền.

Trước những kiến nghị của nhân dân, từ quý 4 năm 2007, Thành uỷ, HĐND Thành phố đã kịp thời nắm bắt, thành lập đoàn công tác thường trực tại phường Tiền Phong để xem xét từng vấn đề. Qua tập hợp thấy rằng nhiều ý kiến của nhân dân phản ánh có dấu hiệu tiêu cực về đất đai, tài chính. Vì vậy Thành uỷ đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân Thành phố thành lập đoàn thanh tra tại phường Tiền Phong. Sau khi đoàn thanh tra của Thành phố có kết luận, Thành uỷ đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo Ban chấp hành Đảng bộ Tiền Phong nhiệm kỳ 2000-2005 và nhiệm kỳ 2005-2010. Xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng 2 đảng viên, cảnh cáo hai đảng viên khác, cách chức 1 đồng chí; đề nghị Tỉnh uỷ kỷ luật khai trừ đảng đối với ông Đào Đình Thảo; Thành uỷ viên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ. Các cơ

quan chức năng đã khởi tố vụ án gồm 12 đối tượng, bắt tạm giam 9 người có hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các ngành và Phường Tiền Phong tiếp tục xem xét giải quyết các việc còn lại như thực hiện Quyết định 478 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, xử lý tồn đọng sau thành tra và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Song một số người quá nôn nóng đã mang loa và tăng âm tuyên truyền kích động quần chúng kéo lên trụ sở phương gây sức ép với chính quyền. Thậm chí liên tục từ 16/5/2008 đến 18/5/2008, một số đối tượng đã vi phạm luật giao thông, dùng vật cản chắn ngang đường Lý Bôn (tỉnh lộ 223 qua địa bàn phường)- Tuyến giao thông huyết mạch, gây cản trở ách tắc giao thông không chỉ với hành khách mà còn ảnh hưởng tới giao lưu, làm thiệt hại lớn về kinh tế. Tại trụ sở phường, một số người bức xúc, quá khích đã dùng loa tay kêu gọi kích động quần chúng gây mất trật tự trị an công cộng, đình đốn nhiều việc của chính quyền phường. Một số người tham gia tụ tập có những hành động vi phạm nghiêm trọng các điều 5, điều 7 Nghị định 38 của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Trước tình hình trên, Uỷ ban nhân dân phường đã thực hiện việc giải quyết quyền lợi chính đáng về mặt kinh tế cho nhân dân phường Tiền Phong, đẩy nhanh tiến độ thu hồi sai phạm kinh tế sau kết luận thanh tra; xử lý các sai phạm trong đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp nhận và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân; cùng với việc đưa ra xét xử công khai, đúng pháp luật đối với những đối tượng sai phạm.

Đến cuối năm 2008, tình hình phường Tiền Phong đã đi vào ổn định, bức xúc của người dân đã được giải quyết, tổ chức Đảng được củng cố. Kinh tế xã hội của Phường được tập trung phát triển ổn định.

* Vụ việc ở khu công nghiệp Gia Lễ - Đông Hưng

Khu công nghiệp Gia Lễ là một trong 7 khu công nghiệp của tỉnh Thái Bình được Chính phủ đưa vào danh mục các khu công nghiệp ở Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch được duyệt, khu công nghiệp Gia Lễ có quy mô diện tích 85ha, nằm trên địa giới hành chính của 5 xã là: Đông Xuân, Đông Quang, Đông Dương (huyện Đông Hưng) và Đông Mỹ, Đông Thọ (thành phố Thái Bình). Tại thời điểm thu hồi đất năm 2007, nhìn chung việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân có đất thu hồi đã cơ bản hoàn thành, tuyệt đại đa số các hộ dân đều đã nhận tiền và bàn giao đất, không có kiến nghị gì.

Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 84, đặc biệt là Nghị định 69 quy định về chính sách đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực thi hành từ 1/10/2009 thì trong nhân dân bắt đầu xuất hiện việc so sánh giá đất và các chính sách khi Nhà nước thu hồi đất vì theo quy định mới thì mức đền bù cao hơn hẳn so với trước. Chính vì vậy, suốt trong năm 2008 việc triển khai các dự án đầu tư tại khu công nghiệp này thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do một bộ phận nhân dân có đất thu hồi tụ tập, dựng lều bạt tại công trường để cản trở các doanh nghiệp thi công. Sự cản trở của người dân đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, chỉ riêng Công ty Neo- Neon còn tới 18 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đông Dương chưa triển khai thi công được. 4 doanh nghiệp khác gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên An, Công ty Bắc Việt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phú và Công ty cấp nước Hoàng Diệu cũng trong tình trạng tương tự. Ngoài ra một số hạng mục hạ tầng khu công nghiệp như: đường cống thoát nước, tường bao... cũng phải dừng thi công từ giữa năm 2009 đến nay.

Vào thời điểm tháng 11/ 2008, một số hộ dân thôn Cầu Thượng, xã Đông Dương có đơn kiến nghị Công ty Neo- Neon (khu công nghiệp Gia Lễ) hỗ trợ

thêm do mức giá đền bù của tỉnh thấp, tiếp đó các hộ dân này tiếp tục gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã Đông Dương kiến nghị một số nội dung liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

Tiếp theo, người dân ở các xã khác cũng bắt đầu kiến nghị, đồng thời tụ tập đông người, dựng lều bạt tại công trường cản trở thi công. Nghiêm trọng hơn, tại đây đã xảy ra 2 vụ xô xát giữa người dân với bảo vệ của doanh nghiệp làm một số người bị thương phải vào bệnh viện. Do vậy từ cuối năm 2009 đến nay, việc thi công gặp rất nhiều khó khăn, cơ bản phải dừng thi công làm ảnh hưởng đến đến tiến độ xây dựng hạ tầng và gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

Những kiến nghị của người dân ở đây chủ yếu cho rằng mức giá bồi thường 29.000đ/m2 là quá thấp, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng mức giá đền bù không đúng với quy định của nhà nước, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; yêu cầu giá đền bù phải được thỏa thuận với người có đất bị thu hồi mới đúng quy định. Với những hộ trong diện thu hồi trên 30% diện tích đất canh tác kiến nghị phải giải quyết nhanh quỹ đất ở, đất dịch vụ 5%; nếu không quy hoạch được quỹ đất cần thanh toán bằng tiền và công khai mức giá cụ thể cho dân biết. Ngoài ra, các hộ dân còn kiến nghị một số vấn đề về hỗ trợ lương thực, giải quyết việc làm sau thu hồi đất, hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên...

Ngay khi có kiến nghị của người dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan đã ban hành 5 văn bản, tổ chức 6 cuộc họp đối thoại trực tiếp với dân để giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của dân. Riêng Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chủ trì 2 cuộc họp đối thoại trực tiếp với nhân dân của hai xã Đông Xuân và Đông Dương.

Tại các cuộc họp và đối thoại nói trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh khẳng định rõ việc đền bù, hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ dân có đất thu hồi tại khu

công nghiệp Gia Lễ là tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Việc đền bù phải được căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành tại thời điểm thu hồi đất. Cụ thể chính sách đền bù, hỗ trợ được Hồi đồng đền bù căn cứ theo nội dung Nghị định 197 của Chính phủ ban hành ngày 3/12/2004, Nghị định 188 của Chính phủ ban hành ngày 16/11/2004 và Nghị định 17 của Chính phủ ban hành ngày 27/1/2006. Giá bồi thường đất nông nghiệp trồng cây hàng năm hạng I, thu hồi vĩnh viễn là 29.000đ/m2. Ngoài mức đền bù nói trên, người dân có đất thu hồi còn được hỗ trợ tiền đất 2.000đ/m2; hỗ trợ 1 vụ lúa đang phát triển 1.800đ/m2; các hộ có đất thu hồi trên 30% diện tích được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 3 tháng, mức hỗ trợ 30kg gạo/ người/ tháng, quy thành tiền là 468.000đ/ người. Về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hộ có đất Nhà nước thu hồi từ 30- 50% diện tích được hỗ trợ kinh phí cho 50% số lao động của gia đình trong độ tuổi, những hộ có đất thu hồi trên 50% diện tích được xét hỗ trợ 100% số lao động trong độ tuổi, mức hỗ trợ là 900.000đ/ lao động.

Để giảm bớt khó khăn cho những hộ gia đình có đất thu hồi trên 30% diện tích, Hội đồng đền bù đã vận dụng hỗ trợ thêm 5% diện tích đất thu hồi để kinh doanh dịch vụ nâng cao đời sống. Ngoài ra, thấy việc thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp Gia Lễ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nên Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi xây dựng khu công nghiệp.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Báo thái bình tham gia giải quyết điểm nóng chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh (Trang 55 - 64)