điểm nóng chính trị-xã hội
Kinh nghiệm giải quyết điểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh sau những năm 1997-1998 cho thấy hầu hết các điểm nóng tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết theo hướng lấy công tác vận động, giải thích, thuyết phục quần chúng để "yên dân" là chính và trước hết, tiếp đó mới tiến hành các biện pháp công tác khác, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, hạn chế gia tăng tình hình phức tạp hoặc phát sinh điểm nóng.
Chính bởi vậy, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thái Bình, khi xảy ra các điểm nóng chính trị - xã hội, để đạt được mục tiêu chung là ổn định tình hình, xây dựng ý chí quyết tâm trong cán bộ, đảng viên tạo nên sự thống nhất cao, sự đồng thuận trong Đảng và trong xã hội thì yêu cầu đặt ra cho công tác thông tin lúc này là phải chủ động nắm bắt diễn biến tình hình xảy ra tại các điểm nóng. Phải thiết lập trật tự thông tin và quản lí xử lí các nguồn thông tin chính thống từ trên xuống, dưới lên. Công tác giáo dục phải hướng về cơ sở, nhạy bén trước diễn biến của tình hình; nội dung tuyên truyền, giáo dục phải chủ động, thiết thực và thường xuyên cải tiến phương pháp hoạt động.
Có thể thấy, tại những điểm nóng chính trị - xã hội, chính nhân dân là người phát hiện và đi đầu trong việc chống tham nhũng tiêu cực, nhưng do các cấp uỷ cơ sở và Đảng bộ đã không phát hiện và lãnh đạo kịp thời; nhân dân chưa được giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nên hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy mà phong trào phát triển tự phát, “biến chứng” và bị kẻ xấu lợi dụng kích động, gây nên hậu quả xấu. Nhưng khi có những chủ trương, giải pháp đúng, nhân dân được tuyên truyền, giáo dục sâu sắc đã hiểu ra bản chất vấn đề, nguyên nhân mất ổn định, phân biệt được đúng sai, phải trái đã cùng cán bộ, đảng viên tham gia tích cực vào ổn định tình hình.
Trong những năm qua, trước các vụ việc về điểm nóng chính trị-xã hội, các tin, bài trên báo Thái Bình đã tích cực truyền tải các thông tin tuyên
truyền, giáo dục, vận động nhân dân, góp phần cùng các cấp uỷ, chính quyền giải quyết nhanh chóng và dứt điểm. Những thông tin chính thống đưa xuống cơ sở có tác dụng to lớn giúp nhân dân hiểu rõ hơn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những thông tin về xử lí cán bộ vi phạm đã được công khai, đúng người, đúng tội được nhân dân hoan nghênh. Những cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân, những bài tuyên truyền, giải đáp về chủ trương, chính sách pháp luật, các bài phát biểu của những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… ở Hội đồng nhân dân tỉnh, ở các hội nghị quân, dân, chính, Đảng của tỉnh, huyện, xã đã giúp nhân dân hiểu rõ hơn, bình tĩnh, tỉnh táo, tích cực ủng hộ các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương. Thông tin về những chủ trương, giải pháp của tỉnh và những vụ việc xảy ra nghiêm trọng, những ý kiến đóng góp của quần chúng với Đảng và chính quyền về xử lí vụ việc xảy ra được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Với vụ việc tại Khu công nghiệp Gia Lễ, cùng với loạt bài thông tin về tình hình, diễn biến sự kiện. Báo Thái Bình đã đăng tải rất nhiều bài viết giải thích, giới thiệu các chính sách của tỉnh, góp phần giảm bớt căng thẳng ở đây. Các bài viết đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau có liên quan đến vấn đề kinh tế-xã hội, cụ thể là vấn đề phát triển khu công nghiệp đã giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của phát triển khu công nghiệp Gia Lễ trong nền kinh tế của Đông Hưng và của tỉnh, đồng thời cũng cho thấy sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc thực thi chính sách, pháp luật một cách đúng đắn. Từ đó động viên người dân có những kìm chế trong những yêu sách đối với chế độ chính sách. Có thể kể đến những bài viết như: Thực hiện quy chế dân chủ ở Đông Hưng giữ vững ổn định, tạo lực phát triển [6, Số 4880, ngày 10/9/2007]; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Đông Hưng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế [6, Số 4894, ngày 28/12/2007]; Đông Hưng
phát triển nghề, làng nghề, xây dựng công nghiệp tập trung để tạo bước đột phá kinh tế [6, số 4928 ngày 19/3/2008]; Đông Hưng các khu công nghiệp tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội [6, số 5022 ngày 3/11/2008]; Đông Hưng đặc biệt chú trọng bảo vệ mặt bằng đất đai [6, số 5050 ngày 22/12/2008]; Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc – Bí thư Tình uỷ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ rõ một số vấn đề cấp bách, trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của Đông Hưng [6, số 5104 ngày 22/4/2009]; Đông Hưng phát triển công nghiệp tập trung [6, số 5334 ngày 9/10/2010]; Đông Hưng giải pháp trong công tác quản lý đất đai [6, số 5335 ngày 11/10/2010]; Hiệu quả khu công nghiệp Gia Lễ [6, Số 5352 ngày 15/11/2010]; Việc đền bù giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp Gia Lễ là đúng pháp luật [6, số 5353 ngày 17/11/2010]; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại khu công nghiệp Gia Lễ [6, số 5358 ngày 01/12/2010]; Ngành công nghiệp phát huy vai trò, động lực thời hội nhập [6,số 5371 ngày 12/1/2011] … được đăng tải trong suốt từ thời điểm khu công nghiệp Gia Lễ bắt đầu được quy hoạch và khi xảy ra điểm nóng.
Những bài viết về các giải pháp của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết những tồn đọng sau thu hồi đất cũng được đăng tải kịp thời có tác dụng cổ vũ, động viên, tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi những người nông dân mất ruộng đất nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế của mình, từ đó góp phần giải toả những bức xúc trong xã hội như: Dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp [6, số 5310 ngày 11/8/2010]; Tích cực đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất [6, số 5327 ngày 20/9/2010]; Một số giải pháp góp phần ổn định tình hình tại khu công nghiệp Gia Lễ [6, số 5350 ngày 10/11/2010]; Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ kinh phí cho nông dân [6, số 5350 ngày 10/11/2010]…
Với vụ việc ở Trung tâm điện lực Thái Bình, trong tình hình khiếu kiện, cản trở thi công của nhiều hộ dân, loạt bài tuyên truyền về tiềm năng, hiệu
quả của nhà máy nhiệt điện Mỹ Lộc, về vai trò của Trung tâm Điện lực Thái Bình đối với sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh và của Quốc gia, về những quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng trong các văn bản của Nhà nước… cũng được đăng tải với mật độ liên tục và dày đặc. Có thể kể đến những bài:
Triển vọng mới trong phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở Thái Thuỵ [6, số 5134, ngày 15/6/2009]; Từ truyền thống quê hương anh hùng Thái Thuỵ nỗ lực thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh [6, số 5134, ngày 15/6/2009]; Nhân dân Mỹ Lộc vay vốn phát triển kinh tế [6, số 5254, ngày 18/3/2010]; Trung tâm điện lực Thái Bình-cơ hội đổi đời cho người dân Mỹ Lộc [6, số 5325, ngày 8/9/2010]; Trung tâm điện lực Thái Bình dự án công nghiệp quan trọng của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá--hiện đại hoá [6, số 5330, ngày 20/9/2010] … Có bài viết mang tính chính luận cao, thể hiện những đánh giá và kiến giải sâu sắc, có tính thuyết phục cao như: Xây dựng trung tâm điện lực Thái Bình cần sự đồng thuận của người dân để dự án triển khai đúng tiến độ [6, số 5331, ngày 22/9/2010]. Có bài mang tính chất trấn an dư luận: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thuỵ [6, số 5331, ngày 22/9/2010].…Điều đó cho thấy sự vào cuộc một cách năng động, tích cực của đội ngũ phóng viên nói riêng, của báo Thái Bình nói chung trong việc tham gia cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng, góp phần làm dịu và giải quyết dứt điểm các điểm nóng chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh.