Trong quá trình thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống điện lạnh ô tô, cần phải đảm bảo tốt các an toàn kỹ thuật bằng cách tôn trọng các chỉ dẫn của nhà chế tạo. Sau đây là một số quy định về an toàn kỹ thuật cần lưu ý khi sửa chữa:
- Phải tháo tách dây âm ắc quy trước khi thao tác sửa chữa các bộ phận điện lạnh ô tô trong khoang động cơ cũng như phía sau bảng đồng hồ.
- Khi cần thiết phải đo kiểm trắc nghiệm các bộ phận điện cần đến nguồn ắc quy thì phải cẩn thận tối đa.
- Dụng cụ và vị trí làm việc phải tuyệt đối sạch sẽ.
- Các nút bít đầu ống, các nút che kín cửa của một bộ phận điện lạnh mới chuẩn bị thay vào hệ thống cần phải giữ kín cho đến khi ráp vào hệ thống.
- Trước khi tháo một bộ phận điện lạnh ra khỏi hệ thống điện lạnh phải lau chùi sạch sẽ bên ngoài các đầu ống nối, cần phải xả sạch môi chất, thu hồi môi chất vào một bình chứa chuyên dụng, kế đến hút chân không và nạp ga mới. Nếu để cho môi chất lạnh chui vào máy rút chân không trong suốt quá trình bơm rút chân không hoạt động sẽ làm hỏng thiết bị này.
- Sau khi tách rời một bộ phận ra khỏi hệ thống lạnh, phải lập tức bịt kín các đầu ống nhằm ngăn cản không khí và tạp chất chui vào.
- Trước khi tháo lỏng một racco ống nối, nên quan sát xem có vết dầu nhờn báo hiệu xì hở ga hay không để kịp thời xử lý. Khi ráp lại phải xiết chặt đúng mức quy định đảm bảo kín các đầu ống nối, phải dùng hai chìa khóa miệng để
tránh làm xoắn, gãy ống dẫn môi chất, tránh xa vùng có nhiệt, ma sát và phải thay mới vòng đệm O có thấm dầu bôi trơn chuyên dùng.
- Dầu nhờn bôi trơn mát nén có áp lực với chất ẩm, do đó không được mở hở nút bình khi chưa sử dụng.
- Tuyệt đối không được nạp môi chất lạnh thể lỏng vào trong hệ thống lúc máy nén đang bơm, vì môi chất lỏng sẽ phá hỏng máy nén.
- Môi chất lạnh có đặc tính phá hỏng các bề mặt bóng loáng của kim loại xi mạ và bề mặt sơn, vì vậy phải giữ không cho môi chất lạnh vấy vào các bề mặt này.
- Không được để bộ đồng hồ đo và các ống dẫn chạm vào ống thoát hơi nóng cũng như quạt gió đang quay.