5. Những đóng góp của luận văn
1.3.2. Phóng sự giai đoạn 1986 đến 1995
Nếu như ở giai đoạn trước, đất nước vừa thống nhất, hiện tại hòa bình ngổn ngang bao vấn dề của cuộc sống, số phận người lính sau chiến tranh nói riêng và con người nói chung là những vấn đề mà toàn xã hội phải quan tâm. Sau mười năm, cột mốc đổi mới đất nước được đánh dấu thông qua Đại hội Đảng lần thứ VI mở ra đã hướng nhà văn nhà báo sang tiếp cận hiện thực trong cách nhìn nhận, đánh giá công bằng, thẳng thắn và khách quan.
Nửa sau những năm 80, trong tình hình những cuộc tranh luận về văn học ở Việt nam diễn ra sôi nổi vì lúc ấy mọi người được phát biểu chính kiến, được sống trong bầu không khí dân chủ, lành mạnh. Trải nghiệm trong thực tế sôi động của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, các nhà văn nhà báo đã cho ra đời những bài phóng sự đúng nghĩa. Chính trong bầu không khí ấy đã tạo nên sự khởi sắc trong văn học. Thoạt đầu là sự xuất hiện của rất nhiều bút ký. Thể phóng sự sau nhiều năm vắng bóng, nay lại lên tiếng làm xôn xao dư luận. Đây là giai đoạn phóng sự lại có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Trong sự bùng nổ các thể ký văn học và ký báo chí từ nửa cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, phóng sự chính là “cái ngòi nổ”. Trên báo chí giai đoạn này có hai phóng sự mang dấu ấn: phóng sự Lời khai của bị can
(Trần Huy Quang), Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc). Hai bài phóng sự này đã dám nói những tiêu cực.
Ta thấy trên cơ sở cột mốc quan trọng là thời kỳ đổi mới. Phóng sự giai đoạn này hình thành trọn vẹn tính chất phóng sự với những tính chất sau: tuyên truyền cho đổi mới và nêu lên những bất công, những mặt trái, góp ý về đường lối, chủ trương, phê phán những cái xấu, tiêu cực của xã hội trong bối cảnh giao thời giữa cái cũ và cái mới, cái cũ chưa mất hẳn và ngày càng bộc lộ những hạn chế, bất cập, cái mới thì đang trong quá trình hình thành, hình thành những con người mới, tư duy mới. Những tác phẩm Người đàn bà quỳ
của Trần Khắc, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc,… với những vấn đề được nêu lên khiến những người có trách nhiệm và những cấp có thẩm quyền phải suy nghĩ, cân nhắc, lên tiếng, đưa ra giải pháp xử lý. Sẽ còn sống mãi trong ký ức người đọc và vĩnh viễn đi vào lịch sử dân tộc.
Với tinh thần trách nhiệm cao, dũng cảm của người viết, phóng sự giai đoạn này đã có lối viết thẳng thắn hơn, mạnh dạn hơn. Các phóng sự đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên những kẻ xấu, việc xấu, chỉ ra những vấn đề cấp thiết của đời sống bất chấp những an nguy của bản thân. Có thể thấy rằng, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo thì phóng sự là một trong những thể loại xung kích luôn đứng ở hàng đầu trong cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác. Phóng sự mạnh dạn kiến nghị, đề xuất cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Đây là giai đoạn cực thịnh về phóng sự, nhiều cả về đội ngũ viết lẫn số lượng phóng sự với sự góp mặt của các tác giả tiêu biểu như: Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Huỳnh Dũng Nhân… Theo như nhận xét của các nhà nghiên cứu đã cho rằng thì nội dung của phóng sự giai đoạn này mang đặc điểm của phóng sự báo chí: Chống tiêu cực, đa dạng, phóng sự có kiến nghị, đề xuất, có cái tôi tác giả và là thể loại hoàn chỉnh. Đây được xem như là sự thích ứng và trưởng thành của thể loại trước thực tế và yêu cầu
của xã hội. Một bước tiến thể hiện sự năng động của thể loại, một thể loại nắm bắt cuộc sống trong thế nhanh nhạy.
Phóng sự giai đoạn này là phóng sự xã hội, trong đó mảng điều tra đã đóng góp tích sực, phanh phui nhiều vụ án, minh oan cho nhiều số phận, diễn tả được muôn mặt của đời sống. Là những vấn đề thời sự nóng bỏng, phản ánh được sự đổi mới. Được viết bằng giọng thông tấn. Chẳng hạn trong tập phóng sự Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến của Trúc Chi và Nguyễn Công Thắng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của độc giả nhiều thế hệ, cho đến hôm nay ta vẫn giật mình, cứ ngỡ như là sự không thật về những hoàn cảnh, số phận, con người phải sống trong hiện thực đầy bất công. Đó là vụ án Đoàn Thị Thuận, vụ giải tỏa nhà dân đường Ngô Quyền ở thị xã Tuy Hòa,… Với trách nhiệm, lương tâm, bằng cả trái tim của người cầm bút thì họ “không thể nào im lặng mãi trước đòi hỏi chính đáng của con người”. Tập phóng sự của hai tác giả Trúc Chi - Công Thắng là tập phóng sự viết về một địa phương nhưng có ý nghĩa với nhiều địa phương khác bấy giờ, và vẫn là tập phóng sự có giá trị hiện thực, nhân đạo cho đến hôm nay.
Trong tình hình hiện nay gắn liền với đặc điểm phóng sự nghiêng dần về tính chất báo chí thì dung lượng của nó cũng có xu hướng ngắn lại, trung bình là 1800 – 2000 chữ. Tuy vậy những hiệu ứng xã hội không hề giảm sút mà đem lại hiệu ứng rất cao, mỗi phóng sự thật sự là một tác phẩm, nêu được những vấn đề tích cực và tiêu cực mà xã hội cần phải nhìn nhận và tìm cách giải quyết nó, không chỉ nêu vấn đề mà còn góp phần giải quyết vấn đề. Có tính chiến đấu đối với những phóng sự phản ánh, phơi bày cái xấu, tiêu cực, những con người biến chất. Thuyết phục người đọc bằng sự chính xác, linh hoạt, ngắn gọn, những tác phẩm phóng sự đã ghi lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Tính từ khoảng thời gian xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thập niên 30 của thế kỷ XX đến nay, với một chặng đường khoảng hơn 80 năm có
mặt ở Việt Nam nhưng phóng sự đã có những bước tiến dài, ngày càng định hình rõ về mặt thể loại. Phóng sự càng đi sâu vào những vấn đề thời sự có tính cập nhật nóng bỏng, chứa đựng nhiều thông tin cô đọng, nổi bật tuy có ngắn gọn nhưng đã đáp ứng được nhu cầu nhận thức thông tin nhanh của người tiếp nhận trong thời đại ngày nay.
Tính chiến đấu cao đó được thể hiện thông qua ngôn ngữ, giọng điệu được trình bày theo lối trực diện, thẳng thắn nhưng không kém phần sâu sắc, thâm trầm đã tạo hiệu ứng mạnh. Phóng sự thật sự đã tạo được cho chính mình một diện mạo mới, trong đó xã hội hiện lên ở những đường nét và nhiều góc độ khác nhau, cũng như phóng sự đã hướng đến nhiều vấn đề tiêu cực và tệ nạn xã hội – những vấn đề nhức nhối mà công chúng quan tâm. Giai đoạn này đã để lại trong chúng ta nhiều phóng sự đặc sắc được tạo nên từ ngôn ngữ văn học với đặc trưng thẩm mỹ cao kết hợp với ngôn ngữ mang tính trực diện không né tránh sự việc và con người, nhiều khi mạnh bạo, căng thẳng, quyết liệt của báo chí. Đó là thứ ngôn ngữ có sức cảnh tỉnh, lay chuyển, tạo hiệu ứng mạnh đối với người tiếp nhận nói riêng và về phía xã hội nói chung. Trong quá trình khảo sát cụ thể ở những tác phẩm phóng sự trong những chương sau ta sẽ thấy rõ hơn về ngôn ngữ, giọng điệu của phóng sự thời kỳ đổi mới rất riêng, rất sinh động và nhiều sắc thái. Yêu cầu và tính chất của đời sống xã hội hiện đại đã tác động đến phóng sự sau 1986 và buộc nó phải có hướng đi mới với sự cách tân phù hợp. Và trên hết là tính tính chiến đấu của phóng sự của phóng sự giai đoạn này đã trở thành sức mạnh vô hình trong việc thúc đẩy con người, cuộc sống phát triển theo hướng mới, tích cực hơn.