5. Những đóng góp của luận văn
2.3.1. Số phận người lính sau chiến tranh
Phóng sự là thể loại giao nhau giữa báo chí và văn học. Tùy theo từng giai đoạn của hoàn cảnh xã hội mà thể loại này có vị trí nhất định trong phản ánh hiện thực cuộc sống. Chính từ sự đặc biệt của thể loại phóng sự là sự giao thoa giữa văn học và báo chí mà ta sẽ xem xét chúng trong cái nhìn nắm bắt cuộc sống của thể loại chứ không có sự phân biệt giữa phóng sự báo chí và phóng sự văn học. Ở đây ta chỉ đề cập đến đặc điểm về nội dung của phóng sự nói chung trong giai đoạn từ 1975 về sau. Nhắc đến nội dung phóng sự thì
không thể tách rời cuộc sống và cụ thể hơn ở đây là hiện trạng đất nước sau chiến tranh gắn với số phận của người lính. Đất nước sẽ như thế nào khi hòa bình trở lại, có thuận buồm xuôi gió trên con đường phát triển không hay trong không khí phấn khởi ấy vẫn còn ngổn ngang trăm mối hậu quả của chiến tranh,… tất cả sẽ là “chất liệu nóng hổi” cho thể loại phóng sự khai phá và thể hiện.
Ngỡ như sẽ trọn niềm vui chiến thắng, bắt tay ngay vào xây dựng cuộc sống, kinh tế mới nhưng với hiện thực đất nước vẫn chưa nguôi nỗi đau hậu chiến. Nỗi đau của những con người sống sau chiến tranh là nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần và cả hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của chất độc da cam mà con cháu họ phải gánh chịu sẽ là vấn đề thu hút các cây bút phóng sự. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh lịch sử thay đổi, khác với trước đây ống kính phóng sự luôn ở vị trí cận cảnh, để ghi lại những thước phim sinh động, hoành tráng về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Thời kỳ này khi hiện thực đất nước sang trang thì nó được nhìn nhận, xem xét ở góc độ, khía cạnh khác. Tác phẩm không còn là những bản anh hùng ca mà là những đau thương mất mát của ngày hôm qua đang hiện diện qua số phận người lính. Họ đã hy sinh thầm lặng và trở về với nỗi đau quá lớn. Thành công và ấn tượng là những trang viết giàu cảm xúc của Minh Chuyên, Huỳnh Dũng Nhân, Lã Hoan, Xuân Quang, Trần Đăng, Nguyễn Trọng Hùng. Số phận người lính với những “vết thương của ngày cũ” đang hành hạ thân xác là đề tài mà những ngòi bút phóng sự không thể bỏ qua. Trong chiến tranh họ đã anh dũng chiến đấu, giờ cả phần đời còn lại họ sống trong cô đơn, lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau mất chồng, mất con,… Vượt lên nỗi đau, họ vẫn là con người giàu đức hy sinh, giàu sức sống, giàu ý chí vươn lên mọi gian khổ, khó khăn của hoàn cảnh. Chiến tranh hiện lên qua số phận người lính là nỗi đau tận cùng khi họ bị tước đi những đứa con, phải sống trong khắc khoải đợi chờ được làm cha, làm mẹ.
Mỗi cuộc đời là một nỗi đau, nỗi đau chung của đất nước. Số phận người lính sau chiến tranh vẫn là vấn đề lớn của đất nước, là nỗi đau chung của đất nước. Với phóng sự Bên hồ sen của Thanh Giang ta thấy tường tận sự hy sinh cùng nỗi đau mà anh Nguyện phải gánh chịu sau những năm tháng chiến đấu “không ít những người như Lê Chí Nguyện (Bến Tre), ở bên trong vết thương đã lành còn những mảng gang ám thuốc TNT, nó chẳng chịu chìm vào quên lãng” [29, tr.69], anh đã “gởi lại một con mắt nơi chiến địa (Bàu Cỏ)” [29, tr.70]. Năm 1992 tác giả đến thăm anh nhưng sự thật trước mắt Thanh Giang lại là sự thật buồn, ảm đạm: “Con người Nguyện trông sao quá hom hem, cằn cõi, lại rơi giữa khung cảnh nhà rách vách nát mới càng nao lòng!” [29, tr.72]. Trở về từ cuộc chiến, về thành phố rồi chiến tranh biên giới nổ ra, Nguyện vẫn không xao lãng nghĩa vụ và trách nhiệm: “Đặc biệt thu hút tâm não anh nhất là động viên nghĩa vụ quân sự, kịp thời bổ sung quân đưa lên mặt trận” [29, tr.76], anh luôn tâm nguyện sống giữ vững trọn vẹn nhân cách “thà nghèo nhưng đừng để hèn. Phải tự tin vào ý chí mình, vào hai bàn tay mình và làm thật tốt từng công việc của chính mình.” [29, tr.77]. Anh đã làm được tất cả chính bằng ý chí của mình: “Không những tự nuôi mình để nhẹ gánh cho nhà nước, anh chị còn nuôi cả bốn đứa con khỏe, dạy con ngoan, lại còn tạo dựng một cơ ngơi được trả giá hàng trăm cây vàng, làm chỗ dựa tương lai cho các con. Quả là chỉ có sức mạnh của ý chí. Ý chí mạnh lắm, Lê Chí Nguyện mới có thể từ tay trắng, từ thương tật gượng mất lên mà làm nên như thế” [29, tr.82]. Đó là con người sống qua nỗi đau của chiến tranh, giữ vững nhân cách sống, tự vươn lên bằng chính sức lực của mình vẫn chưa giây phút nào quên cống hiến cho cách mạng. Nếu như đồng chí Nguyện là tấm gương vượt lên trên nỗi đau, bệnh tật thì anh Bâu trongNước mắt làng của Minh Chuyên lại hiện lên với nỗi đau dữ dội khi nhìn những đứa con rứt ruột sinh ra phải ra đi, lụi dần sự sống bởi di hại khôn lường của chất độc hóa học: “Rời quân ngũ
sau mười năm là lính đánh bộ ở đường Chín Khe Sanh, Nguyễn Văn Bâu tưởng không bao giờ còn phải đụng đầu với chết chóc, với bom đạn. Nào ngờ chiến tranh vẫn đeo đẳng theo anh về tận một làng quê rất xa mặt trận. Đó là làng Hưng Hải, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình để tiếp tục lừa đuổi, tàn phá gia đình anh” [29, tr.115]. Tác giả không khỏi đau xót khi chứng kiến cảnh ấy: “Chiến tranh như con rắn độc phục trong cơ thể anh Bâu. Nó không chỉ phun nọc độc vào trái tim bảy đứa con anh, mà còn gặm nhấm tàn phá thân thể của anh nữa” [29, tr.119]. Hậu quả của chiến tranh để lại vô cùng đau đớn cho những con người một thời xông pha vào trận tuyến không quản ngại hy sinh thân mình.
Người lính sau chiến tranh, mỗi người mỗi cảnh, có đau thương tận cùng bởi những vết thương của bom đạn, có những mất mát không cách gì bù đắp được, có nỗi buồn của sự cô đơn. Sự cô đơn của người lính khi trở về hòa nhập với thực tại. Họ cô đơn chính bởi do sự đơn độc hay cô đơn trong chính sự ồn ào, tấp nập của thế giới lành lạnh tình người. Trong Vết xe lăn trên cát
Long Hải, Huỳnh Dũng Nhân đã tái hiện sắc nét hoàn cảnh sống của họ tại
một khu điều dưỡng thương binh nặng lớn nhất nước ở Bà Rịa – Vũng Tàu: “Khu điều dưỡng có 64 thương binh trong đó có 17 người quê ở miền Bắc, có 10 thương binh nữ, 4 thương bình từ thời chống Pháp, 20 từ thời chống Mỹ, còn lại là thương binh từ Campuchia trở về. Trong số các thương binh, có 31 người bị liệt tủy sống, năm người liệt não, ba người mù cả hai mắt, bảy người cụt cả hai chân”[17, tr.145]. Qua lời kể của một thương binh mù cả hai mắt là anh Cao Bằng Nhân thì: “Chiến tranh là vậy đó. Bây giờ không ai vào thăm. Mù lòa như tôi lại phải lặn lội ra đó vì nhớ quê quá chịu không nổi. Đi tàu đi xe người ta cứ xô té lên té xuống. Bây giờ khác trước lắm, họ không chịu nhường nhịn đâu. Cũng có một số trường hợp không được ai đoái hoài đến nữa, vì họ bị xem là một gánh nặng, đưa về nhà chỉ thêm nhọc công” [17,
tr.150]. Sống chiến đấu cho cộng đồng nhưng khi quay về họ cảm thấy lạc lõng trong thế giới con người nhưng họ vẫn không đánh mất dũng khí, phẩm chất người lính: “Người thương binh nào cũng rất nhạy cảm với điều đó và họ lẳng lặng thu xếp cho mình. Trong tình cảnh nào họ cũng chiến đấu như một người lính” [29, tr.151]. Nỗi đau của những vết thương thân thể chắc hẳn không đau bằng nỗi đau của một cuộc sống mặc cảm đối diện với sự vô tâm của người đời. Nhưng sức chịu đựng và khả năng của con người là vô hạn, trong nỗi đau họ vẫn trỗi dậy một sức sống tiềm tàng làm nên những điều có ý nghĩa. Họ đã Vượt lên số phậnnhư trường hợp Lê Văn Lớp của Xuân Quang, anh đã cố vượt lên nỗi đau, nỗi đau xé lòng, từng “tham gia chiến đấu ở chiến trường Quân khu 5 từ tháng 3.1972 đến tháng 1.1976, phục viên trở về địa phương. Vợ chồng anh sinh 10 lần, các cháu sinh ra đều bị dị dạng và chết. Do đau buồn và bệnh cũ tái phát, anh bị mù hai mắt, vợ anh bị tâm thần” [18, tr.92]. Nỗi khát khao được làm cha mẹ, được sinh ra những đứa con khẻo mạnh bình thường của vợ chồng anh tất cả mãi mãi chỉ là ước mơ. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của anh, nỗi đau tận cùng.
Chiến tranh không chỉ để lại hậu quả cho những người trực tiếp chiến đấu mà nó còn để lại nỗi đau tang thương cho người ở lại. Trong phóng sự Vợ của
hai liệt sỹ, Trần Đăng đã ghi nhận lại số phận bất hạnh của người phụ nữ
trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân. Ta không lấy gì làm lạ khi bắt gặp hình ảnh đầu tiên về chị qua cái nhìn của tác giả: “Người phụ nữ ấy, chịu đựng trong khắc khổ, thu mình trong lặng lẽ, chai sạn và lãnh cảm” [18, tr.233] bởi chị đã “đội trên đầu hai lần tang tóc, gánh trên vai hai cuộc chiến tranh” [18, tr.233]. Người chồng thứ nhất hy sinh vào một chiều mùa đông của năm 1969 và người chồng thứ hai hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Chiến tranh qua đi nhưng hậu quả nó để lại thật vô cùng to lớn. Những con người ngày nào chiến đấu hiên ngang nơi chiến trường, giờ họ tiếp tục sống quãng đời còn lại và tiếp tục chiến đấu bằng cả nghị lực phi thường với những vết thương trên thân thể lẫn tinh thần. Trong hành trang xuôi ngược khắp nẻo của các nhà phóng sự sẽ không thể thiếu hình ảnh của họ, những tấm gương anh hùng!