5. Những đóng góp của luận văn
3.2.1. Sự tăng cường tính thông tin sự kiện
Tăng cường chất lượng thông tin là xu hướng chung nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thời đại. Tăng cường chất lượng thông tin được hiểu là yêu cầu phải được tiến hành từ nội dung đến hình thức. Xuất phát từ cuộc sống đa dạng, con người cần nắm bắt thông tin nhiều chiều trong khoảng thời gian có hạn mà phóng sự phải làm sao chứa đựng, chuyển tải được những vấn đề của cuộc sống một cách tối ưu nhất. Phóng sự đi sâu khai phá mọi đề tài trong cuộc sống từ tệ nạn xã hội, những vấn đề mới trong xã hội đến những gương người tốt, việc tốt,...
Nếu như phóng sự 1932 - 1945, có sự xâm nhập của nghệ thuật tiểu thuyết, yếu tố truyện đậm đặc trong từng tác phẩm. Theo tiến trình phát triển của phóng sự, yếu tố truyện trong phóng sự có sự thay đổi kịp thời cung cấp những tri thức, những thông tin cần thiết nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức của người đọc hiện đại. Chất truyện trong phóng sự thời kỳ đổi mới chủ yếu được thể hiện qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, nghệ thuật hư cấu và cái tôi nhân chứng, khách quan giàu cảm xúc. Vì vậy cốt truyện và con người xuất hiện với tư cách là nhân vật hoàn chỉnh hầu như vắng hẳn trong giai đoạn từ 1975 về sau này. Phóng sự thời kỳ đổi mới đa số không có cốt truyện, được xây dựng theo kiểu kết cấu liên tưởng có sự liên kết giữa sự kiện, số liệu, con người và cảm quan của tác giả. Mỗi vấn đề gồm nhiều sự kiện độc lập, vậy nên sự kiện là chất liệu chính (Một em bé bị voi quật chết không được vào lớp một, đàn voi Xuyên Mộc thay đổi bản tính,…). Tài năng của chủ thể trần thuật thể hiện ở khả năng nối kết các sự kiện và làm cho các sự kiện sống dậy và sự kiện ấy được tinh giản hóa, cô đúc hóa, chỉ giữ lại cái cốt lõi và thể hiện ở dạng điển hình nhất. Trong phóng sự Voi ơi ta bảo voi này, với chi tiết đắt giá được tác giả nhắc lại đầy xúc động rằng khi đàn voi bị sa lầy được con người cứu thì: “Chúng bỏ đi, không vội vã, thậm chí còn gục gặc đầu như tỏ lòng biết ơn. Và
chúng cũng không đi ngay khi chưa kéo xác con voi bị chết lên” [17, tr.198] thì ta tin rằng voi không chủ ý sát hại con người trên đường kiếm ăn của chúng. Để giải thích cho bản tính thay đổi của voi khi nó tàn sát con người thì Huỳnh Dũng Nhân chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu nhất là: “Vì con người phá rừng, triệt phá nơi ăn ở của chúng” và thêm nữa “nạn bắn voi lấy ngà đã tiêu diệt rất nhiều voi đực. Một đàn voi không có voi đực là đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. Mất cân bằng sinh lý khiến đàn voi đổi tính, trái nết, trở nên dữ tợn” [17, tr.201]. Không miêu tả chi tiết hình dáng, tính cách nhưng với phác họa tạo hình cùng cách sử dụng từ ngữ giàu giá trị Vũ Hữu Sự đã cho ta hình dung được số phận của những cửu vạn trong Những kẻ lưng trần biên giới, những con người còm nhom, khắc khổ phải vật sức vì miếng ăn “ở đất biên giới này, miếng sống đã hút hết sinh lực của những người muốn sống” [28, tr.32].
Con người luôn là nguồn cảm hứng mà không ngòi bút phóng sự nào không hướng đến. Đặc biệt phóng sự trong thời hiện đại có sự giao thoa với thể loại ký chân dung. Nhiều chân dung con người xuất hiện trong phóng sự rõ nét. Tuy nhiên, nếu cuộc đời con người trong phóng sự 1932-1945 được phản ảnh trọn vẹn từ nguồn cội cho đến các diễn biến tính cách, các mối quan hệ, phóng sự giai đoạn này, con người “chỉ được phác hoạ ở những nét đặc trưng mang đậm dấu ấn của bút pháp đặc tả”. Bị chi phối bởi yêu cầu thông tin thời sự, phóng sự không có điều kiện xây dựng nhân vật hoàn chỉnh như nhân vật của truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhân vật xuất hiện bằng vài nét bút phác họa, ghi lại những biến cố, những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Còn những diễn biến tính cách và đời sống nội tâm được ống kính phóng sự lướt qua. Nghĩa là phóng sự không có điều kiện đi sâu vào thế giới nội tâm, khắc hoạ tính cách nhân vật. Con người trong phóng sự là con người của hành động. Hành động phác họa tính cách nhân vật, đó là hình ảnh của Bà còng đi
một vạn bước (Nguyễn Quang Vinh),… Họ đều là con người của hành động, ở họ không có sự chuyển biến của nội tâm mà chỉ có việc làm khiến cho họ tỏa sáng và sống mãi trong lòng người đọc. Trong phóng sự có chi tiết mang tính điển hình và tính biểu cảm thể hiện được phẩm chất nhân vật, vẽ ra cuộc sống, vẽ ra sự kiện ở bề sâu nhất. Chẳng hạn trong tác phẩm Trường Sa đất Việtcủa Đỗ Bạch Mai chỉ với chi tiết kể về “một chiến sĩ đã tình nguyện ở lại trực thay đồng đội” khi có văn công biểu diễn vì đồng chí nghĩ rằng: “Tháng sáu tới em đã ra quân, còn anh lâu mới được về đất liền, em nhường anh đi xem văn công” [29, tr.156]. Thế ta mới hiểu được tại sao những người lính có thể sống và chiến đấu rất hiên ngang dù trong hoàn cảnh nào. Ở họ lúc nào cũng đong đầy tình đồng đội. Việc tái hiện những chi tiết sự việc một cách sinh động chính là một trong những thế mạnh của phóng sự. Khi nói đến việc tăng cường chất lượng thông tin, cần phải coi đó là sự phát triển toàn diện. Sự đổi mới nghệ thuật xây dựng nhân vật trong phóng sự góp phần hạn chế chất truyện, đưa phóng sự trở về với đúng đặc trưng thể loại. Tuy nhiên, để chứng minh cho một vấn đề nào đó cũng có một vài trường hợp, phóng sự đi sâu khai thác trọn vẹn số phận nhân vật, nhưng rất ít.
Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thế giới chủ quan là khuynh hướng, là thái độ thẩm định của tác giả đối với hiện thực. Ở phóng sự, tính khuynh hướng bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ trữ tình và chính luận của cái tôi trần thuật. Huỳnh Dũng Nhân đã mở đầu cho phóng sự Con đường
bia bọtbằng ngôn ngữ đẫm chất trữ tình: “Người ta có nhiều thứ để yêu. Yêu
trăng, yêu biển, yêu sông, yêu núi. Còn tôi, tôi đã có thời yêu say mê con đường. Đó là con đường Thi Sách của tôi… Con đường rất dễ thương. Nó ngắn thôi, cảm giác như đầu đường cuối phố đều là hàng xóm. Nó yên tĩnh đến nỗi khi lá rơi có thể nghe: tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” [17, tr.77]. Hay như hình ảnh đẹp Người phụ nữ Mông đến Mỹ được Trương Hữu
Thêm miêu tả với ngôn ngữ đầy chất thơ: “Bỏ dở bát rượu ngô màu vàng thơm phức, vừa được hâm nóng khéo léo bởi bàn tay chai sạn của người phụ nữ Mông Hoa – một người phụ nữ hết mực hiếu nghĩa, thủy chung, đảm đang, thông minh và giàu nghị lực – tôi bồi hồi mở cửa rồi như những người mộng mị, lững thững bước ra sân. Xa xa, những làn sương sớm đang tràn xuống thung lũng Tà Lèng khoác lên mỗi mái nhà một tấm khoăn voan trắng mờ, mềm mại. Từ trong mênh mang gió núi, tôi nghe văng vẳng đâu đây một điệu khèn Mông. Ừ nhỉ, 14 năm trước vào một mùa xuân y hệt mùa xuân này, có chàng trai Mông Trắng ở bản Tà Leng đã chinh phục được cô gái Mông Hoa ở bản Pú Nhi, cũng chính bằng những tiếng khèn tha thiết như vậy…” [18, tr.60]. Đa số ở các phóng sự, nhu cầu chính luận và trữ tình của chủ thể trần thuật cần thiết đến mức phá vỡ khả năng tổ chức cốt truyện của chất liệu hiện thực. Nỗi buồn thăm quê, Vũ Hữu Sự kết luận cho những thói quen lạc hậu vẫn đang tồn tại ở thôn quê: “Nhịn ăn chứ không nhịn nhục! Tâm lý người làng tôi là thế, hàng trăm năm nay vẫn thế. Chỉ có điều cái nhục ở đây không phải là nhục với thiên hạ mà là cái nhục quẩn quanh trong làng xóm; Nhục vì đám cưới con mình không bằng đám cưới con hàng xóm… Cứ thế mà nhịn ăn, cứ thế mà nhịn mặc” [28, tr.67] và “nhà nhà chỉ lo tích thóc. Có vài tấn thóc trong nhà mình đã gọi là giàu. Mọi thứ đều quy ra thóc. Đám cưới: Vài tấn thóc, đám ma: dăm tấn thóc, mỗi đứa con đi học một năm: vài tạ thóc,…Thóc! Thóc! Thóc! Tư duy của người làng tôi là tư duy thóc” [28, tr.68] theo tác giả đó là “cái tư duy cùn mòn, khư khư bám lấy hạt thóc làm căn bản đã làm cho họ rụt lại” [28, tr.68]. Trong cảm nhận của Thanh Giang
qua Bên hồ sen là: “Phải là, hằng quằn quại chịu đựng nỗi đau thân xác,
nhưng đến chết là cùng. Song nỗi đau tinh thần, bao hàm trách nhiệm tinh thần, không có giới hạn tận cùng. Nó làm tê tái tâm hồn suốt cả đời người,
đến chết vẫn không nguôi! Đặc biệt nó còn di chứng, truyền nhiễm nhiều đời sau!” [29, tr.85].
Sự tăng cường thông tin sự kiện phải được xem là sự tăng cường theo chiều sâu vấn đề tức là chất lượng thông tin. Thông tin sự kiện trong phóng sự phải là vấn đề có tính thời sự nóng bỏng, có sức hấp dẫn dư luận (vợ hờ, con nuôi, nạn khai thác rừng, vàng trái phép, những đàn voi đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng,…). Chất lượng thông tin sự kiện ấy không đơn thuần là cung cấp, trình bày một vấn đề, một tình huống trong cuộc sống mà nó còn có tác dụng tạo nên hiệu ứng xã hội, thông qua nó nhằm thúc đẩy nhận thức con người, xây dựng và cải tạo cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Theo như nhận xét của Huỳnh Dũng Nhân trong Kính thưa osin: “Đây có thể là một nghề rất nghiêm chỉnh, nên có trường lớp đào tạo đàng hoàng. Nhìn từ góc độ việc làm thì nghề này có thể giải quyết rất nhiều nguồn lao động cho các vùng quê đang bị đô thị hóa và khan hiếm việc làm. Nếu như được đào tạo đàng hoàng và làm tốt, thì nghề giúp việc nhà đâu có phải là hèn kém” [17, tr.357].
Hay Phận gái, đời sông, tác giả Nguyễn Quang Vinh gửi gắm: “Tôi thầm
mong những ai đó trên cuộc đời này cảm thông và chia sẻ với cha con chị Nguyệt, đỡ tay đỡ chân cho họ gây dựng lại một nếp nhà cho các cháu nhỏ ấm êm một chỗ trú chân” [29, tr.109]. Lên hang luyện văn, Hoàng Quảng Uyên, thay lời kết bằng việc trích dẫn lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: “Cần chăm lo khuyến khích các tài năng trẻ ngay từ trong nhà trường, giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, để mọi thanh niên có ý chí và năng khiếu ở mọi vùng của đất nước, thuộc mọi dân tộc đều có thể thành đạt tới học vấn bậc cao…” [29, tr.47]. Việc nói thẳng nói thật mà Đảng ta chủ trương kể từ Đại hội lần thứ VI đã tạo bệ phóng cho phóng sự phát huy được đặc trưng thể loại. Các cây bút phóng sự đã không ngần ngại dấn thân tìm đến mọi ngõ ngách của hiện thực mà khai phá những vấn đề, sự
kiện mà trước kia họ không có điều kiện đề cập tới. Đó là số phận bất hạnh người lính, những bất công trong đời sống, xã hội, những con người bất hạnh, cơ khổ.
Với sở trường đáp ứng nhanh nhạy thông tin thì thể phóng sự phải nắm bắt cuộc sống một cách tinh nhạy nhất. Đặc biệt là phải phát hiện, khai thác được những vấn đề mới của xã hội. Những vấn đề mà thậm chí nó chỉ mới mang hình hài là một sự nhen nhóm, một mầm ươm. Chẳng hạn vấn đề nảy sinh từ việc uống rượu trong Dân nhậu, Bia ôm trên từng cây số mà Huỳnh Dũng Nhân đã có cảnh báo rằng: “Trong thời gian rằng đây, báo chí thường nêu ra sự nguy hiểm của AIDS, ma túy, mại dâm… nhưng tôi thấy có vẻ như nạn nhậu nhẹt vẫn gây ra nhiều tác hại hơn cả, ít ra là trong lúc này. Đã có nhiều chỉ thị hạn chế và cấm say rượu, nhưng cái nạn uống trộm và bét nhè, say công khai vẫn là chuyện thường ngày ở bất cứ nơi nào trên đất nước vừa tạm thời đủ ăn này. Đó thật sự có thể coi là quốc nạn chưa?” [17, tr.225]. Không chỉ khai thác những thông tin sự kiện mang tính mới lạ là phóng sự đã thành công mà phóng sự ấy còn phải tái hiện nó sinh động, chuyển tải được thông điệp của tác giả. Đúng như Đức Dũng trong Phóng sự báo chí
hiện đại đã cho rằng: “Để có thể viết được những tác phẩm phóng sự báo chí
đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của công chúng hôm nay, các tác giả cần phải có sự nhạy bén nghề nghiệp để có thể khám phá, phát hiện những vấn đề của đời sống” [5, tr.71].