5. Những đóng góp của luận văn
1.3.1. Phóng sự giai đoạn 1975 đến 1986
Năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam hiện đại: hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước thu về một mối, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội giàu mạnh, dân chủ. Không còn chiến tranh, bom đạn, song không phải vì thế mà cuộc sống không còn những lo âu, nỗi buồn. Trái lại cuộc sống trong thời bình lại còn lắm gai góc, phức tạp hơn thời chiến. Những “di họa chiến tranh” để lại quá nặng nề, những tệ nạn xã hội bức xúc, những khó khăn về kinh tế, những thách thức mới về an ninh, chính trị, những rối ren trong quan hệ quốc tế, cơ chế quan liêu bao cấp ngày càng phơi bày những bất cập… Từ thời chiến bước sang thời bình, hiện thực cuộc sống mở ra biết bao điều mới mẻ phức tạp, văn học cần có thời gian suy ngẫm định vị tư thế và cách thức thể hiện mới hoàn toàn khác với trước đây. Trong khi đối với các thể loại văn xuôi nghệ thuật cần phải có khoảng thời gian nhất định để vượt qua khoảng hẫng kiếm tìm tinh thần sáng tạo mới thì các thể kí, đặc biệt là phóng sự, đã nhập cuộc ngay vào hiện thực sau chiến tranh một cách vững vàng, tự tin. Có thể nói phóng sự vẫn là thể loại xung kích, song hành cùng lịch sử qua mỗi bước đi của nó.
Bối cảnh lịch sử xã hội ăm ắp những mâu thuẫn cùng với biết bao biến cố phức tạp nảy sinh ở cả trong quan hệ đối nội và đối ngoại thời tiền đổi mới đã tạo tiền đề cần thiết cho sự hiện diện của một giai đoạn phóng sự mới mang những sắc thái riêng rất khác các giai đoạn phóng sự trước đó. Nét đặc sắc nổi bật của phóng sự giai đoạn này là ở chỗ: bước đầu phóng sự đã nới rộng đáng
kể phạm vi đề tài phản ánh. Đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục được khai thác. Những sự kiện tiêu biểu của hai cuộc chiến bảo vệ biên cương Tây Nam và biên giới phía Bắc được tái hiện khá hào hùng trong các phóng sự của Nam Hà, Đỗ Quảng tạo nên sự tiếp nối, liền mạch với phóng sự thời 1945-1975. Song nổi bật nhất và phong phú nhất là phóng sự viết về đề tài kinh tế - xã hội qua những cây bút phóng sự như Hữu Thọ, Đỗ Quảng, Trần Huy Quang… Muôn mặt hoạt động kinh tế thời bao cấp đã được ghi lại khá sinh động với tất cả các mặt tốt, xấu của nó. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những bảo thủ, trì trệ của cơ chế quan liêu bao cấp, chống lại tệ nạn tham nhũng, tệ nạn ma túy, mại dâm… Thêm vào đó, những vấn đề trong cuộc sống đời thường lúc này cũng có dịp đi vào các trang phóng sự sau những năm dài tạm lắng trong chiến tranh.
Không chỉ mở rộng về đề tài, phóng sự thời kì này còn bước đầu tiếp nối được cảm hứng phê phán hiện thực của phóng sự những năm 1930-1945, hướng tới phơi bày những hiện trạng tiêu cực xã hội. Đó là đặc điểm thể hiện khả năng áp sát hiện thực cuộc sống bằng tinh thần can đảm vốn có của thể loại này. Bên cạnh đó, bối cảnh hiện thực mới cũng đem đến cho phóng sự những cách tân hình thức khác với các giai đoạn trước. Phóng sự thời chiến tranh vừa ưu tiên tính cập nhật và giá trị tuyên truyền, cổ vũ, động viên theo lối ghi nhanh, vừa chú trọng tái hiện qui mô sự kiện trong trạng thái ngổn ngang vốn có của nó theo lối kí sự, đồng thời lại đòi hỏi sự ngắn gọn, hàm súc để tiện in trong một kì báo. Giờ đây trong điều kiện của thời bình đã cho phép phóng sự được đầu tư kĩ càng hơn. Tốc độ dòng trần thuật, không gian sự kiện, kể được đan xen với tả, chân dung nhân vật cơ bản được khắc họa thêm phần sắc nét. Đặc biệt, trong các phóng sự thường in đậm dấu ấn chủ quan của tác giả qua những bình luận, phân tích vấn đề trong tác phẩm. Vì vậy dung lượng tác phẩm thường khá lớn, đòi hỏi phải in trên báo thành nhiều kì.
Nhiều phóng sự của Đỗ Quảng, Trần Huy Quang… được đăng gối liên tiếp trên nhiều số báo (ví dụ phóng sự Âm mưu của kẻ thù và số phận những người
trốn bỏ Tổ quốccủa Đỗ Quảng, Lời khai của bị cancủa Trần Huy Quang…).
Năng lực tổng hợp phẩm chất các thể loại kí khác của phóng sự giai đoạn này bước đầu cũng đã được ý thức ở một số cây bút tiêu biểu. Nhờ điểm nhìn trần thuật được điều chỉnh, co giãn linh hoạt, không ít phóng sự đã khai thác cái nhìn hoài niệm theo kiểu hồi kí hoặc mở ra các nhánh rẽ bằng những tiểu đoạn miêu tả đầy ấn tượng về thiên nhiên, đồ vật, con người… như trong văn chương thẩm mĩ. Tính chất chính luận cũng bắt đầu được chú trọng sử dụng nhằm tạo nên tầm khái quát cho tác phẩm. Nổi bật hơn cả vẫn là phẩm chất truyện kí trong các phóng sự dài kì. Mặt khác ý thức truy tìm sự thật của phóng sự thời kì này (nhất là từ những năm 80 trở đi) không thể không hàm chứa cái nhìn dân chủ của tiểu thuyết. Sự ra đời của các tiểu thuyết - phóng sự như: Những khoảng cách còn lại (1980), Đứng trước biển (1983), Cù lao
tràm (1985) của Nguyễn Mạnh Tuấn ít nhiều có sự tiếp sức của không khí
phóng sự giai đoạn tiền đổi mới này.
Nhìn chung phóng sự giai đoạn 1975-1985 có được bước tiến đáng kể, tạo được một diện mạo mới khác trước. Phóng sự thời kì này đang từng bước tiếp cận với hiện thực mới trong cái nhìn sâu hơn, đa dạng và linh hoạt hơn ở cả mặt phải cũng như phía khuất lấp của cuộc sống. Tính dân chủ và sự can đảm bước đầu của phóng sự thời kì này đã góp phần tạo đà tích cực cho sự nở rộ khá trọn vẹn của phóng sự Việt Nam thời kì đổi mới kể từ 1986 trở về sau. Có thể nói trong vòng hơn nửa thế kỉ sinh thành và phát triển, phóng sự Việt Nam đã thực sự tạo nên những biến thái bất ngờ. Sau sự khởi đầu trọn vẹn với những tác phẩm đặc sắc của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố,… Phóng sự đi qua hai cuộc chiến tranh như một dòng chảy ngầm bền bỉ và dai dẳng. Có những lúc tưởng chừng thể loại này bị mờ chìm và mất hút trong dàn hợp
ca của các thể loại có ưu thế cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Song những dấu hiệu phục sinh mạnh mẽ vào thời kì tiền đổi mới cho thấy phóng sự như một thể loại có khả năng tồn tại theo những lối riêng, thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử xã hội. Cả sự thăng hoa lẫn chìm lắng đều mang những dấu ấn đặc thù của thể loại văn học - báo chí quan trọng này.