Cái tôi lãng du, yêu tự do và tuổi trẻ

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật thơ quang dũng (Trang 34 - 39)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.Cái tôi lãng du, yêu tự do và tuổi trẻ

Quang Dũng có lẽ là nhà thơ mang trong mình “dòng máu lãng du vào loại bậc nhất thi đàn đất Việt thế kỉ hai mươi” [111, tr. l]. Cái nỗi niềm Chiêu Quân li xứ đã ám ảnh thơ ông ngay từ những bài đầu tiên:

35

Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương Tình tang năm ngón sầu dâng lệ

Chiêu Quân sang hồ, xừ hồ sang

(Chiêu Quân)

“Bản chất của ông là mây, ở góc độ phiêu bồng” [100, tr. 28]. Nhưng đó phải là một thứ mây lành, áng mây có thể đem lại một chút dịu mát trong tâm hồn hay xua đi những u tối, buồn bực trong lòng con người. Áng mây đó ưa phiêu du, tài tử, thích đi ngao du sơn thủy, thích “lang thang sống một cuộc đời Bôhê-miêng” [71, tr. 13]. Đi chơi với Quang Dũng là một cái thú, là một thứ ma lực đã ngấm vào máu người nghệ sĩ như chất men say. Ông hăm hở đi, mải miết đi, đi bất cứ đâu, miễn là thoát ra ngoài không gian chật hẹp tù túng của cuộc đời. Khi còn trẻ, lúc mới rời khỏi ghế nhà trường, nhà thơ không trở thành công chức mà bỏ nhà ra đi đánh đàn kéo nhị cho một gánh hát để được lang thang, phiêu bạt. Sau đó, để thực hiện

chuyến “viễn hành” đi về phương Nam, nhà thơ đã cùng người bạn thuê một chiếc xe trâu để

du ngoạn và sống bằng nghề vẽ tranh. Giữa đường, trâu bệnh mà chết, người bạn bỏ về, Quang Đũng tiếp tục nhảy tàu vào Nam... Cuộc phiêu lưu “xê dịch” đã có lần đưa nhà thơ đến tận miền đất Vân Nam, Trung Quốc. Thế nhưng trước Cách mạng tháng Tám, với Quang Dũng có phiêu lưu, có xê dịch đến bao nhiêu vẫn không thỏa, vẫn là “quẩn quanh”. Bởi vì, những chuyến đi ấy trước hết là đi tìm lí tưởng, đi tìm lẽ sống. Mà lẽ sống ấy nào phải ai cũng dễ dàng tìm được trong cái “thời đại bao lần khô nước mắt” của xã hội nước ta trước Cách mạng.

Cho nên ta có thể hiểu được Quang Dũng say mê như thế nào khi đã hòa nhập được với hơi thở của cuộc kháng chiến. Ông đi bất cứ nơi đâu “dù là đến một thắng cảnh như Chùa

Thầy hay Tây Phương, Yên Tử - không đi xa được thì đi gần , đến Trấn Quốc - Hồ Tây, Chèm

Vẽ, bãi giữa sông Hồng, Ba La Bông Đỏ...” [100, tr. 16]; đi bất cứ khi nào: “máy bay giặc

Pháp bắn ban ngày thì anh đi ban đêm, đi suốt đêm” [96, tr. 55]. Ông đi để hiểu biết nhiều

mặt về đời sống kháng chiến, để tìm chất liệu và thi hứng cho thơ ca và cũng để “thưởng thức

sự sảng khoái của việc đi, thưởng thức cái đẹp của người, của cảnh, cái ngon của món ăn,

món uống ở các miền đất nước” [96, tr. 35]. Có thể thấy, nếu như trước Cách mạng, đi với

Quang Dũng là sự “kiếm tìm” thì sau Cách mạng, đi với Quang Dũng là một sự “thỏa chí” - cái ý chí khát khao đã tìm được nguồn sống, hồn thơ đã tìm được đôi cánh chắp cho bay cao.

36

Quang Dũng còn có một cách “đi” khác, thi vị hơn, đó là “đi” thưởng ngoạn trong thơ. Thơ ông có rất nhiều địa danh, của những vùng miền khác nhau là vì vậy. Ông hiện mình lên trong thơ có khi là một “Cánh chim lang thang/ Lối về miền mây”, có khi lại chính là những đám mây lang thang, trôi bồng bềnh trên bầu trời:

Mây trắng lang thang

Gió đuổi bời bời phố chật (Mây đầu ô)

Thơ Quang Dũng nhiều lần nhắc đến hình ảnh của “mây” (21 lần). Mây với Quang Dũng là biểu tượng của tự do, của lãng du. Phần nhiều trong đó là những đám mây trắng - hình ảnh của sự thanh cao và cũng là biểu tượng của cõi tự do trường cửu:

“Mây trắng xưa nay về tụ họp/ Mây một phương Đoài về tụ họp” (Gửi Sơn Tây), “Tóc

anh đã thành mây trắng” (Không đề), “Ba Vì tảng trán xanh/ Thức với mây Đoài trắng xóa”

(Bất Bạt đêm giao quân). Quang Dũng lang thang khắp cuộc kháng chiến cùng với những

đám mây để nhớ về một cõi mây trắng xứ Đoài.

Bài thơ Mây đầu ô tuy chưa phải là sáng tác hay nhất của Quang Dũng nhưng nhiều người viết không ngần ngại coi đó là sáng tác tiêu biểu nhất cho hồn thơ Quang Dũng. Điều đó có được là bởi cái chất lãng tử, tài hoa nhưng thật sâu lắng mà Quang Dũng thể hiện trong thơ. Bài thơ được sáng tác năm nhà thơ đã ngoài năm mươi tuổi nhưng vẫn giữ nguyên được cái khát vọng bừng bừng trong tâm hồn những người trẻ tuổi. Nhà thơ bước vào tuổi xế chiều vẫn thấy mình trong “Những lớp người hai mươi tuổi”, vẫn hòa mình vào “Những gã hai mươi

mùa xuân”. Cho nên phố phường như chật chội hơn, như bực tức, như không thỏa mãn được

hồn mây lang thang:

Mây ở đầu ô mây lang thang

Ôi! Chật làm sao

Góc phố phường

Mây ở đầu ô

Hẹn những chân trời xa lạ...

Đó không phải là thứ mây hờ hững, lững lờ. Hồn mây Quang Dũng phải là thứ mây mãnh liệt, đầy khát khao. Đám mây của “tảng trán xanh Ba Vì” đó đã dám vượt qua mọi biên

37

giới hạn hẹp của cá nhân để đến với cuộc đời cao rộng. Đám mây khi xưa đã vượt qua sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Đin nay vẫn mê mải với:

Bụi vàng /Bụi đỏ / Trung du báng cọ /... Tay sém ngấn mặt trời

Hồn mây Quang Dũng mãnh liệt, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nét mềm mại:

Mây mùa thu

Lọt qua trời hẹp ngõ

Lướt nhanh qua mái ngói ba tầng... (Mây đầu ô)

Những câu thơ quả có sức gợi lớn. Nó đưa hồn người đọc vào một thế giới lâng lâng, huyền ảo của tiếng nhạc, của giấc mơ. Ta cảm nhận được ở đó cái khát vọng của một thời trai trẻ vượt qua những “trời ngõ hẹp”, những “góc phố phường” chật chội để đến với bầu trời xanh thẳm. Mây đầu ô đó chính là tâm hồn Quang Dũng, thật phóng túng, thật sảng khoái, mãnh liệt mà cũng thật mềm mại, bay bổng.

Quang Dũng đã tạo cho thơ mình một thế giới phiêu diêu, bàng bạc, thế giới của sự viễn du. Nhiều bài thơ viết về một địa danh cụ thể với không gian và thời gian cụ thể nhưng cái hiện lên lại là một cảm giác bồng bềnh, hư ảo:

Đêm nay đêm Bạch Hạc Ta lại vào nhà ai

Nghe sông Lô cuộn nước

Dềnh lên suốt đêm dài

(Đêm Bạch Hạc)

Đêm Bạch Hạc cũng là một đêm thoáng qua trên đường đời, đêm mất ngủ, thao thức lắng nghe âm thanh của thiên nhiên, muốn hòa tâm hồn với thiên nhiên.

Cái tôi Quang Dũng lãng du nên cũng yêu tuổi trẻ vô cùng. Với cuộc đời mỗi con người, tuổi trẻ bao giờ cũng là thời gian đẹp nhất, nhưng với tâm hồn thi nhân, tuổi trẻ càng có ý nghĩa hơn. Đó là tuổi của tình yêu, của khát vọng và sức sống tâm hồn. Quang Dũng viết về

38

tuổi trẻ bằng rất nhiều cách gọi khác nhau: “đời xanh”, “đời thanh xuân”, “tuổi hai mươi”,

“buổi hoa niên”, “tuổi còn xanh”...

Nhà thơ yêu tha thiết tuổi trẻ của chính mình và tuổi trẻ của cuộc đời. Tuổi trẻ với Quang Dũng được tính từ lúc con người hai mươi tuổi. Hình ảnh “tuổi hai mươi” được nhà thơ nhắc đến 7 lần trong các sáng tác của mình. Tuổi hai mươi là tuổi bắt đầu tình yêu: Em tuổi hai mươi/ Yêu anh hào hiệp (Không đề), cũng là tuổi đi tìm lí tưởng: Hai mươi tuổi mộng êm đềm

/ Ta mang trong trắng đi tìm thanh cao (Vườn ổi), tuổi của sức sống mãnh liệt: Những gã hai

mươi mùa xuân / Từ đâu thổi vào thành phố (Mây đầu ô). Cho nên, con người tiêu biểu của quê hương cũng là người thanh niên hai mươi tuổi: Cô bí thư Tòng Bạt tuổi hai mươi (Ba Vì

đón Bác). Ngay cả đến người lính viễn chinh bỏ mình trên đất nước ta cũng còn rất trẻ: Hai

mươi tuổi trẻ nằm đây / Lòng đất Việt Nam hiền hậu (Chabbi - Chabbi). Nhà thơ muốn gửi gắm cuộc đời mình vào vĩnh cửu với tình yêu và tuổi trẻ để Em mãi là hai mươi tuổi / Ta mãi

là mùa xanh xưa (Không đề). Đó là khát vọng lưu giữ mãi cái thanh cao, trong trẻo mà đầy

nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng là khát vọng dấn thân, khát vọng lên đường của một lớp người trẻ.

Sau này, trong thơ kháng chiến cũng xuất hiện những vần thơ xúc động về tinh thần hy sinh của tuổi trẻ. Nhắc đến điều này, ta không thể không nhớ đến cái trăn trở của Thanh

Thảo: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/Nhưng tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc/

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì có còn chi tổ quốc?” (Những người đi tới biển), cái day

dứt của một nhà thơ xứ Nghệ “ Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi

nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/...” . Nhưng cái tinh thần tự nguyện hiến dâng vừa

không chút suy tính vừa pha chút lãng tử trong Tây Tiến mới thật sự là bản hùng ca của một lớp người buổi đầu ra trận:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Đó là lời tâm nguyện của bao nhiêu thế hệ lại cũng chính là vẻ đẹp của cái tôi Quang Dũng thật hào hiệp, đại nghĩa và cũng thật cao cả.

39

CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI

Trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ thường có một số hình tượng tâm huyết nhất, cứ trở đi trở lại nhiều lần như là một “ám ảnh” đối với nhà thơ. Những hình tượng đó là những gì tinh tuy nhất của cuộc sống, chắt lọc bao khát vọng của óc và hồn người nghệ sĩ đã được thể hiện ra thành “những bức tranh sinh động và tương đối hoàn chỉnh về cuộc sống” [13, tr. 100] thông qua các đơn vị ngôn ngữ có tính chất vần điệu, với trí tưởng tượng sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ. Những hình tượng như thế càng có tính phổ biến bao nhiêu càng có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc và cơ bản bấy nhiêu.

Với Quang Dũng, điều làm ông trăn trở nhất không gì khác hơn là tình yêu đất nước, nhân dân, là niềm thương nhớ không nguôi dành cho “xứ Đoài mây trắng” quê ông, là những người lính trên tuyến đầu chiến trận hay những người con quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Viết về những điều ấy, Quang Dũng không chỉ như là “người thư kí trung thành của thời đại” mà quan trọng hơn ông là “người thư kí trung thành” của chính trái tim, cảm xúc của mình. Vì thế, hình tượng quê hương đất nước và con người có vị trí quan trọng trong thơ Quang Dũng.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật thơ quang dũng (Trang 34 - 39)