6. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Tính chất tự do hóa của thể thơ
Quang Dũng cũng như hầu hết các tác giả cùng thời thể hiện rõ nét xu hướng tìm tòi mạnh mẽ để phá bỏ các ràng buộc, khao khát đi tìm hình thức thơ mới cho thời đại. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Mọi thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình
thức mới. Thơ của thời đại mới trong những bước đầu ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố
định. Nó chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó” [54, tr. 69].
Xu hướng tự do hóa về mặt thể loại trong thơ Quang Dũng được thể hiện trên tất cả các cấp độ bài thơ, khổ thơ và câu thơ.
Ởcấp độ bài thơ, Quang Dũng được sáng tác theo nhiều thể nhưng thể tự do vẫn chiếm
tỉ lệ cao nhất (17/47 bài, tỉ lệ 36,2%). Thể thơ tự do tỏ ra rất phù hợp với cá tính của hồn thơ Quang Dũng. Tâm hồn ông bay bổng, phóng khoáng, khó có thể chịu bó buộc vào một số thể thơ nhất định. Trái lại những cảm xúc, suy tư của ông cứ tràn ra mặt giấy thành những câu thơ có độ dài ngắn khác nhau, vần điệu, nhịp điệu hết sức phóng túng như khổng hề có quy luật mà vẫn rất tất yếu bởi nó tuân theo quy luật bên trong của cảm xúc thơ.
Thơ tự do Quang Dũng thường không vần hoặc rất ít vần (Mây đầu ô 9/43 câu thơ có vần, Nhớ 9/28 câu thơ có vần, Những cô hàng xén 24/ 74 câu thơ có vần, Đường mười hai 27/ 147 câu thơ có vần, Đường chiều thứ bảy 28/ 195 câu thơ có vần); số âm tiết trong câu thơ biến đổi linh hoạt, có câu chỉ một tiếng nhưng cũng có câu dài ra đến 14 tiếng (bài Ba Vì đón Bác). Sốcâu thơ trong một bài cũng không không có giới hạn, có bài bốn câu (Nhà mới), có bài gần hai trăm câu (Đường chiều thứ bảy, Rừng). Với thể thơ tự do, Quang Dũng dễ dàng chuyển tải hiện thực cuộc sống đầy ắp sự kiện vào trong thơ. Chính vì vậy mà lượng thông tin trong thơ cũng tăng lên rất nhiều, nhịp điệu câu thơ bị phá vỡ, câu thơ gần với câu văn xuôi hơn. Đó chính là lí do khiến thơ ông dễ dàng bám rễ vào hiện thực bộn bề của đời sống.
Điều quan trọng là ở thể thơ tự do, Quang Dũng đã thực sự bộc lộ tài năng của mình và để lại những dấu ấn riêng biệt. Không chỉ ở Không đề và Mây đầu ô mà ở nhiều bài khác, Quang Dũng cũng có những câu thơ đạt đến độ tài hoa. Đây là điệu tâm hồn của một lớp người ra trận:
85
Tôi hành quân lên đường
Ngày tháng nhớ chia ly
Đuôi mắt vời trông nếp áo
Em còn nghe tiếng hát
Tiếng báng súng chạm vào ca sắt
Và cánh sao bay trong lá quốc kì (Đường chiều thứ bảy)
Còn đây là hình ảnh con sông Đáy thơ mộng:
Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông
Làng bên bờ xanh mía
Thoảng mùi hoa lan, hoa nhài nhè nhẹ
Tiếng nói xa dần ... (Những cô hàng xén)
Nói chung, thơ tự do Quang Dũng ít vần, nhịp điệu biến đổi linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa của nhịp điệu và tiết tấu thơ. Đó là thứ nhịp điệu bên trong, nhịp điệu của tâm hồn tuân theo quy luật của cảm xúc.
Cùng với việc tập trung sử dụng thể tự do, xu hướng tự do hóa trong thơ Quang Dũng còn thể hiện ở hình thức thơ hợp thể và biến thể. Thơ hợp thể là một hướng đi sáng tạo của thơ ca thời kháng chiến. Nếu như mỗi thể thơ, do cách hiệp vần và cấu trúc nhịp điệu thường có ưu thế trong việc diễn đạt một trạng thái cảm xúc nhất định thì sự phối hợp các thể thơ tạo ra khả năng thể hiện đồng thời nhiều sắc thái tình cảm. Giọng điệu thơ do đó cũng biến hóa phong phú. Thông thường nhất trong thơ Quang Dũng là sự phối xen thể bảy tiếng và thể năm tiếng (Mắt người Sơn Tây, Tôi viết chiều nay, Trắc ẩn, Hồ Nam). Sự kết hợp giữa hai thể này đem đến một hiệu quả đặc biệt. Thể bảy tiếng có ưu thế trong việc thể hiện tâm hồn vừa hào sảng, tráng chí, vừa bâng khuâng của Quang Dũng còn thể năm tiếng như một điểm dừng, khoảng lặng đẩy cảm xúc người đọc lên cao hơn. Chẳng hạn, ở Mắt người Sơn Tây, bao nhiêu yêu thương, nhớ mong, đau xót trong những câu thơ bảy chữ ở trên được dồn vào khổ thơ năm tiếng ở dưới:
86
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc Buồn viễn xứ khôn khuây
Bài Bắt tép kho cà cũng có sự phối xen giữa thể bốn tiếng với câu thơ hai tiếng và sáu tiếng. Cả bài thơ là bức tranh miền trung du trong trẻo, xinh xắn với những câu thơ bốn chữ đều đặn. Cảm xúc thơ bỗng đột ngột chuyển hướng bằng một cặp câu thơ sáu tiếng:
Nước mắt em buông lã chã
Long lanh nhớ giếng quê nhà
Câu thơ sáu tiếng tắt nghẹn khiến cho cảm xúc ngưng đọng thật sự gây ấn tượng với người đọc.
Ở thể tự do, Quang Dũng cũng sử dụng rất nhiều khổ thơ theo các thể truyền thống. Bài Ngựa có một khổ bảy tiếng, Rừng xen một khổ bảy tiếng, Không đề có ba khổ bốn tiếng. Hầu hết các khổ thơ “phối xen” này đều nằm ở cuối bài và có tác dụng gây ấn tượng, tạo điểm nhấn cho bài thơ. Bài thơ Ngựa có cách kết thúc như thế:
Lửa bếp hồng thêm, người đến thêm
Chuyện vui chiến dịch kể thâu đêm
Dưới sàn thóc ngựa thơm đầy máng
Róc rách rừng khuya tiếng suối êm
Cách sử dụng “thể” ở bài này rõ ràng mang một dụng ý nghệ thuật. Bởi vì nếu như ở những câu thơ trên hình ảnh “ngựa” được khắc họa bằng rất nhiều động từ, bằng câu thơ dài gắn khác nhau tạo chất “động” cho hình ảnh thơ thì ở cuối bài, khổ thơ bảy tiếng với nhịp thơ mềm mại (4/ 3 hoặc 2/2/3) lại dồn trọng tâm vào chất “tĩnh”. Phải chăng dụng ý của nhà thơ là cuộc chiến đó gian lao, vất vả nhưng không thiếu những phút giây thật thanh thản, yên bình...
Ngoài hợp thể, Quang Dũng còn dùng hình thức thơ biến thể. Vóc dáng của câu thơ cũ có lẽ không đủ sức chứa đựng hiện thực của thời đại mới cho nên nó cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong thơ Quang Dũng, ngoài thể năm tiếng được dùng tương đối ổn định, các thể khác
87
đều có hiện tượng biến thể. Ở bài Giấc mơ của Bạch, thể lục bát có khi được nhà thơ dùng “dôi” ra một âm tiết:
Quà em, quà vợ anh mua
Ba chục bánh đậu, “chậc”, cũng vừa tiền thôi
Có khi lại dùng cách ngắt đôi câu thơ tám tiếng:
Hĩm con đã nhớn:
- Sao mày nhìn tao...
Thể bảy tiếng cũng có cách cắt dòng như vậy:
Ta đi
Ngõ gạch - tường đang đục
Gạn từng giọt nước đánh cầm hơi
(Những làng đi qua)
Còn câu thơ bốn tiếng được Quang Dũng tách ra làm hai:
Thơ người
biệt vắng Mà vẫn
từng trang
(Nhớ bạn)
Tính chất tự do hóa còn nằm ở đơn vị khổ thơ. Thơ ca truyền thống, dù là thể bốn tiếng, năm tiếng hay bảy tiếng đều có sự chia khổ. Với Quang Dũng khổ thơ không chỉ chịu sự chi phối của thể loại mà còn phải hài hòa về thanh điệu và thể hiện trọn vẹn ý tình thơ. Cho nên, vẫn là các thể truyền thống nhưng số câu trong một khổ của Quang Dũng biến đổi rất linh hoạt. Bài Bố Hạ (thể bảy tiếng) gồm năm khổ thì có hai khổ 3 câu, một khổ 5 câu và một khổ 6 câu. Một mùa thu tới có hai khổ 6 câu, một khổ 8 câu; Những làng đi qua có một khổ 5 câu, hai khổ 6 câu, một khổ 7 câu, hai khổ 8 câu, một khổ 9 câu, một khổ 10 câu; Trưa hè (thể lục bát) có một khổ 2 câu; Lính râu ria (thể năm tiếng) có một khổ 7 câu, một khổ 3 câu và một khổ 5 câu.
88
Trong cảm quan thẩm mĩ của người xửa, cái đẹp gắn với sự hài hòa, cân đối cho nên thơ xưa thường dùng khổ thơ có bốn câu. Việc sử dụng khổ thơ có số câu lẻ (3 câu, 5 câu, 7 câu, 9 câu) là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là khổ thơ có ba câu. Giống như thể Haiku của Nhật Bản, khổ thơ ba câu của Quang Dũng không chỉ phá vỡ tính chất cân đối của thơ truyền thống mà còn thể hiện tính cô đọng trong hình ảnh, tạo điểm dừng và độ ngân vang cho cảm xúc thơ. Ví dụ ở Lính râu ria, hình ảnh người lính thương nhớ con được miêu tả:
- Chị ơi! Cháu ngủ đâu?
Rồi anh bế con chị Anh lim dim cúi đầu ...
Thêm vào một câu nữa, thơ dễ sa vào kể lể. Dừng lại ở ba câu, hình ảnh thơ thêm ấn tượng và độ dư ba sẽ lắng sâu hơn trong lòng độc giả mà không cần một sự dẫn giải nào.
Để ý kỹ se thấy ở cả Mây đầu ô và Không đề ta có thể “tách” ra thành những bài Tanka và Haiku rất đẹp. Chẳng hạn thể Tanka:
Ơi! Con đường xưa Những mùa trút lá Cành bàng mồ côi Cổng cũ rêu phong Ý đợi người (Không đề) Tiếng dương cầm ... Ta theo tiếng nhạc Bay khỏi mái nhà Ta mê xanh thẳm Như cánh chim trời
(Mây đầu ô)
89
Em mãi là hai mươi tuổi Ta mãi là mùa xanh xưa Giữ trọn tình người cho đẹp
(Không đề)
Hay:
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao
Góc phố phường
(Mây đầu ô)
Nói tóm lại, sự kéo giãn biên độ thể loại trong thơ Quang Dũng không chỉ phù hợp với yêu cầu miêu tả hiện thực thời đại, mà trong chiều sâu, nó còn gắn với cảm quan nghệ thuật, nhận thức về mặt thẩm mĩ của cái tôi Quang Dũng. Chính cá tính sáng tạo của một tâm hồn phóng túng, yêu tự do đã đưa Quang Dũng đến với thể thơ tự do hay tìm cách phá vỡ các lề lối của thơ truyền thống.