Giọng bâng khuâng, mơ hồ, phiêu diêu

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật thơ quang dũng (Trang 105 - 107)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.2. Giọng bâng khuâng, mơ hồ, phiêu diêu

“Quang Dũng ưa phiêu diêu, trong thơ cũng như trong cuộc sống” [96, tr. 39]. “Bản

chất của ông là mây, ở góc độ phiêu bồng” (Vân Long). Đó quả là những lời nhận xét xác

đáng của những người bạn thân đã gắn bó với nhà thơ hơn nửa cuộc đời. Cả trong thơ, nhạc, họa ông đều để lại một “dư vị” thật bâng khuâng và gợi cảm. Những bức tranh ông vẽ, một gốc bàng mùa đông, một đỉnh núi Ba Vì lãng đãng mây mờ, một dòng sông Mã... Tất cả đều được miêu tả viễn cảnh, thấm đượm một cái nhìn bàng bạc. Bài hát Ba Vì mờ cao ông sáng tác bồng bềnh, mờ ảo, từng nốt nhạc cũng là từng lời thơ lắng sâu vào hồn người: Ba Vì mờ cao/ Làn sương chiều xa buông/ Gió về hương núi thơm/Dâng hồn về đâu?...

Trong thơ ca, Quang Dũng có “giọng thơ thiết tha lạ thường” [35, tr. 41], vừa mềm mại, vừa da diết, khi “lảng bảng xứ Đoài mây trắng” (Hoài Việt), lúc lại “như một bản tình ca hòa tấu” (Lê Đạt).

Tâm hồn giàu mơ mộng kết hợp với lối sống lãng tử đã tạo cho ông một giọng thơ phiêu diêu khó lẫn. Ngay từ trước Cách mạng, giọng thơ ấy đã xuất hiện một cách khá rõ nét:

Em ơi! Em ơi! Đêm dần vơi

Trông về phương ấy ngóng trông người

Trăng có soi qua đầu tóc bạc

Nẻo về cố quận nhớ thương ơi

(Cố Quận)

Không gian, thời gian đầy khơi gợi, nhân vật trữ tình cô đơn, thương nhớ. Tất cả tạo nên một cảm giác miên man khó tả.

Đến với hai cuộc kháng chiến hào hùng và gian khổ, Quang Dũng vẫn để lại một chất giọng bàng bạc. Ở Hồ Nam là một chút bâng khuâng trước chiến dịch:

Vàng cũ thời gian trang nhật kí

Bâng khuâng y tá mắt trông người

106

Quê nhà Hà Nội dạ như khơi

Thu là một bức tranh quê thật mềm mại:

Nắng nửa sông xa mờ khí núi

Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu

Trong Tây Tiến, chen lẫn với khúc quân hành trầm hùng là âm điệu của “một bản tình ca” mượt mà, tha thiết. Có đoạn thơ trở thành ám ảnh với những người yêu Tây Tiến :

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa...

Giọng điệu thơ mơ hồ, lãng đãng. Bóng dáng người con gái thoáng hiện về trong nỗi nhớ, hòa lẫn vào sương khói, mây mờ, hồn lau, vào dòng nước lũ, bồng bềnh, hư ảo.

Giọng điệu bâng khuâng, mơ hồ, phiêu diêu khiến cho thơ Quang Dũng nhiều lúc là những lời thủ thỉ, tâm tình, đầy thương mến. Giọng thơ ông dịu dàng, chân tình, nhỏ nhẹ khi nói với một anh lính viễn chinh đã bỏ mình trên đất Việt:

Chabbi Chabbi

Còn bao giờ qua biển

Để về với đất trời bên ấy Hai mươi tuổi trẻ nằm đây Lòng đất Việt Nam hiền hậu

(Chabbi - Chabbi)

Có lúc lại cất lên thật tha thiết mà cũng rất chân thành khi viết về nỗi nhớ quê:

Những tàu cau

Đượm làm chi ánh nắng

Ôi ta nhớ một quê nhà

107

Góp phần tạo nên dòng chảy mơ hồ, phiêu diêu trong thơ Quang Dũng chính là hệ thống đại từ phiếm chỉ và các hình ảnh không xác thực rất dày đặc trong thơ ông: “Ngồi đây mà

tưởng nhớ phương nào”, “Nhà ai chày gạo giã đêm sương”, “Trông về phương ấy ngóng trông người”, “Thương nhớ ớ hờ thương nhớ ai”, “Bên này em có nhớ bên kia”, “Chiều

ấy em về thương nhớ ai”, “Mái nhà ai đó nắng xiêu xiêu”... chính điều đó làm cho thơ Quang Dũng luôn có cảm giác lãng du, phiêu bồng của những chuyến đi:

Có những mảnh giường lạ

Nhìn ra khoảng sân nào

Nửa đêm chợt thức giấc

Thấy ta nằm ở đâu?

(Đêm Bạch Hạc)

Chất giọng mơ hồ, phiêu diêu, thoáng chút bâng khuâng, bàng bạc trong thơ Quang Dũng là một thanh âm lạ trong cái nền chung của giọng điệu ngợi ca, tôn kính, hào hùng thơ kháng chiến. Với chất thơ ấy, Quang Dũng đã tạo nên được một “giọng điệu riêng”, “một cá

tính sáng tạo đích thực” như cách nói của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật thơ quang dũng (Trang 105 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)