5. Cấu trúc đề tài nghiên cứu
1.5. Hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp
1.5.1. Khái niệm
Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp được hiểu là một hệ thống liên kết không gian của các ngành, các xí nghiệp nông nghiệp và các lãnh thổ dựa trên cơ sở các qui trình kỹ thuật mới nhất, chuyên môn hoá, tập trung hoá, liên hợp hoá và hợp tác hoá sản xuất cho phép sử dụng có hiệu quả nhất sự khác nhau theo lãnh thổ về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, nguồn lao động và đảm bảo năng suất lao động xã hội cao nhất.
1.5.2. Đặc điểm
- Phân công lao động theo lãnh thổ cùng với việc kết hợp các điều kiện tự nhiên, kinh tế và lao động là cơ sở để hình thành các mối liên hệ qua lại theo không gian (lãnh thổ).
- Trong tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, khía cạnh ngành và khía cạnh lãnh thổ kết hợp chặt chẽ, qua lại với nhau.
30
- Các đặc điểm không gian (lãnh thổ) của sản xuất nông nghiệp được xác định bởi tính chất của việc khai thác và sử dụng các điều kiện sản xuất hiện có.
- Hiệu quả kinh tế và năng suất lao động là tiêu chuẩn hàng đầu của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.
1.5.3. Ý nghĩa
- Việc nghiên cứu tổ chức lãnh thổ nông nghiệp nói chung và các hình thức tổ chức của nó theo lãnh thổ tạo ra những tiền đề cần thiết nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực về tự nhiên, kinh tế- xã hội của cả nước cũng như của từng vùng, từng địa phương.
- Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp tạo ra những điều kiện làm đẩy mạnh và sâu sắc chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Khi chuyên môn hoá phát triển đến một mức độ nhất định, tất yếu sẽ dẫn đến quá trình hợp tác hoá, liên hợp hoá trong phạm vi vùng, quốc gia và quốc tế.
- Việc hoàn thiện các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động xã hội.
- Nghiên cứu các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp góp phần vào công tác quy hoạch theo lãnh thổ nền kinh tế quốc dân.
1.5.4. Các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp
Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp có nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
1.5.4.1. Xí nghiệp nông nghiệp
Xí nghiệp nông nghiệp là một trong các hình thức của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, trong đó có sự thống nhất giữa lực lượng lao động với tư liệu lao động (đất đai) và đối tượng lao động (cây trồng, vật nuôi) để tạo ra lương thực, thực phẩm cho con người và nguyên liệu cho các ngành kinh tế. Các nông hộ, trang trại, hợp tác xã, nông trường quốc doanh, đồn điền... được coi là xí nghiệp nông nghiệp.
Hộ gia đình là hình thức vốn có của sản xuất nhỏ, tồn tại phổ biến ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam. Các thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ gắn bó về huyết thống cũng như về kinh tế, cùng chung sống trong một mái nhà, cùng tiến hành sản xuất và có chung một nguồn thu nhập.
31
Trang trại là kết quả tất yếu của hộ gia đình gắn với sản xuất hàng hoá, là hình thức tiến bộ của sản xuất nông nghiệp thế giới. Hoạt động của kinh tế trang trại chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường và tuân theo qui luật cung cầu, chấp nhận cạnh tranh.
Hợp tác xã nông nghiệp là hình thức phổ biến trong nền nông nghiệp thế giới ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế do nông dân tự nguyện lập ra với nguồn vốn hoạt động do chính họ góp cổ phần và huy động từ các nguồn khác, nhằm duy trì, phát triển kinh tế hộ gia đình và tăng nhanh tỷ suất hàng hoá, đạt hiệu quả kinh tế cao cho các chủ trang trại. Mục tiêu hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp không chỉ vì lợi nhuận cho các thành viên góp vốn vào hợp tác xã, mà là nhằm phục vụ tốt nhất các dịch vụ để mang lại thu nhập và lợi nhuận cao nhất cho các hộ, các chủ trang trại. Có hai loại hình hợp tác xã nông nghiệp: hợp tác xã đơn ngành, phổ biến ở các nước Âu – Mĩ, cung ứng từng loại dịch vụ; hợp tác xã đa ngành (hay tổng hợp), phổ biến ở các nước châu Á với nhiều loại dịch vụ.
Nông trường quốc doanh là một hình thức phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa, nông
trường quốc doanh là cơ sở kinh doanh nông nghiệp trên qui mô lớn về đất đai nhằm cung cấp nông sản cho thị trường trong nước hoặc cho xuất khẩu.
1.5.4.2. Thể tổng hợp nông nghiệp
Thể tổng hợp nông nghiệp là một hình thức cao của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, trong đó áp dụng rộng rãi phương pháp công nghiệp nông nghiệp có điều kiện kết hợp với công nghiệp chế biến và các hoạt động dịch vụ.
1.5.4.3. Vùng nông nghiệp
Vùng nông nghiệp là những lãnh thổ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng nhất về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, được hình thành với mục đích phân bố hợp lí và chuyên môn hoá đúng đắn sản xuất nông nghiệp trên cơ sở sử dụng đầy đủ và có hiệu quả nhất các điều kiện sản xuất của các vùng trong cả nước cũng như trong nội bộ từng vùng.
1.6. Các hình thức tổ chức SXNN
1.6.1. Độc canh
32