Kiến nghị đối với các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu Tiểu luận phát triển hoạt động bancassurance tại các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng thương mại nhà nước (Trang 149 - 153)

- Bổ sung quy định về chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm đối với đội ngũ bán hàng của kênh bancassurance.

3.3.2.Kiến nghị đối với các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam

Một trong những nguyên nhân khiến cho kênh phân phối bancassurance chưa đạt được kết quả cao trong thời gian qua là do phía các ngân hàng. Một số ngân hàng chưa tin tưởng vào sự thành công của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nên cho rằng đó không phải là công việc của ngân hàng mà chỉ là việc riêng của doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, vấn đề tạo niềm tin cho các cán bộ quản lý và những nhân viên trực tiếp hoạt động bancassurance là hết sức quan trọng. Nếu cán bộ quản lý không hiểu, không tin tưởng thì chính các nhân viên bán bảo hiểm cũng sẽ không nhiệt tình khai thác.

Để tạo dựng được niềm tin vào thành công của kênh phân phối bancassurance, trước hết các cán bộ quản lý và những nhân viên thực hiện cần phải hiểu được lợi ích của kênh phân phối này. Với doanh nghiệp bảo hiểm, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng mang về thêm cho doanh nghiệp bảo hiểm một khối lượng khách hàng đáng kể cũng như tạo ra sự liên kết về thương hiệu nhằm quảng bá hình ảnh. Còn với ngân hàng, việc hợp tác kinh doanh bảo hiểm không những tạo ra thêm nguồn thu từ hoa hồng bảo hiểm mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường nhờ cung cấp thêm dịch vụ tài chính trọn gói cho khách hàng. Các cán bộ quản lý và nhân viên thực hiện phải nhìn nhận hoạt động bancassurance như là một sự mở rộng tự nhiên của những dịch vụ đã cung cấp và không coi đó là sự bổ sung các dịch vụ ngân hàng, thấy được lợi ích và tầm quan trọng của kênh phân phối bancassurance để từ đó có những biện pháp thiết thực nhằm cải thiện công tác khai thác bảo hiểm qua ngân hàng.

- Tích cực chia sẻ cơ sở dữ liệu khách hàng, thực hiện đúng cam kết từ phía lãnh đạo hai bên

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, một lợi ích to lớn mà hoạt động bancassurance mang lại là khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu khách hàng của các ngân hàng. Tuy nhiên, do chưa tin tưởng vào sự thành công của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, cho rằng việc bán bảo hiểm qua ngân hàng chỉ là việc riêng của doanh nghiệp bảo hiểm, một số ngân hàng đã bảo mật cơ sở dữ liệu khách hàng của mình gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động bancassurance. Vì vậy, phải có sự cam kết từ lãnh đạo quản lý cấp cao của các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại, mối quan hệ giữa hai tổ chức cần được quy định một cách rõ ràng, giải thích một cách đầy đủ và thoả thuận dưới hình thức văn bản. Hai bên phải biết thông cảm, hỗ trợ cho nhau, phải có cùng quan điểm trong suốt quá trình phát triển của hoạt động bancassurance.

- Hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm trên cả lĩnh vực tiền gửi và cho vay

Trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại chưa đạt được kết quả cao là do sự hợp tác này mới chỉ là những nỗ lực và ý chí của một phía các doanh nghiệp bảo hiểm. Ngân hàng cần kết hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm để nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và mở rộng chương trình hậu mãi cho khách hàng như: Vay tiền ở ngân hàng thông qua hợp đồng bảo

hiểm, ưu đãi trong việc sử dụng thẻ ATM… Bên cạnh đó, chương trình tiếp thị sản phẩm ngân hàng - bảo hiểm cần được phối hợp một cách hiệu quả và đầy đủ cùng với những nỗ lực tiếp thị khác từ phía các ngân hàng.

- Đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về bảo hiểm cho các cán bộ tham gia hoạt động bancassurance

Nguồn nhân lực đang là một trong những điểm yếu trong hoạt động bancassurance tại Việt Nam hiện nay. Các ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm cần phối hợp với nhau để xây dựng các chương trình đào tạo bài bản về nghiệp vụ bảo hiểm cho các cán bộ bán sản phẩm bảo hiểm. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đào tạo nâng cao, đào tạo lại nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Sau khi được đào tạo lại, các cán bộ này phải có kỹ năng giỏi và sự hiểu biết tinh thông từ việc tìm kiếm khách hàng cho đến việc ký hợp đồng dựa trên mọi nhu cầu của khách hàng và mọi vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác.

Tuy nhiên, hạn chế về khả năng tài chính không cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm cùng các ngân hàng thương mại có thể đầu tư dài hạn cho việc đào tạo các cán bộ của mình. Vì vậy, xây dựng Học viện bảo hiểm nhằm đào tạo cán bộ cao cấp, trung cấp cho ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia Bancassurance nói riêng là việc làm hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay. Đây sẽ là một trung tâm đào tạo cán bộ bảo hiểm chuyên nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Dựa trên cơ sở xem xét điều kiện phát triển bancassurance dựa vào việc đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và của các bancassurance nói riêng, dựa vào kết quả phân tích thị trường tiềm năng của các bancassurance và kết quả phân tích của chương 2 cũng như các bài học kinh nghiệm được đúc kết tại chương 1, luận án đề xuất các giải pháp phát triển các bancassurance thuộc các Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Các giải pháp cần đặc biệt trú trọng và thực hiện nay và liên tục bao gồm: (i) phát triển chặt chẽ mối quan hệ liên kết giữa ngân hàng mẹ với các doanh nghiệp bảo hiểm: cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng mẹ với doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc (bancassurance), có thể lấy mô hình của ABIC làm điểm cho việc xây dựng mối quan hệ liên kết này thông qua ban chỉ đạo bancassurance nhằm đôn độc, kiểm soát và giải quyết các vấn đề phát sinh giữa Ngân hàng và doanh nghiệp Bảo hiểm; (ii) cần nghiên cứu phát triển sản phẩm tích hợp theo hướng phát triển đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với các khách hàng của ngân hàng, phát triển các điều khoản bổ sung, phát triển các sản phẩm nhóm; (iii) nâng cao chất lượng kênh phân phối bancassurance theo hướng nâng cao chất lượng các đại lý, các cán bộ quản lý kênh phân phối dưới nhiều hình thức đào tạo khác nhau kết hợp với chế độ lương thưởng và chính sách hoa hồng hợp lý. Ngoài ra luận án cũng đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan quản lý và các ngân hàng để đảm bảo sự thành công của các bancassurance.

Một phần của tài liệu Tiểu luận phát triển hoạt động bancassurance tại các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng thương mại nhà nước (Trang 149 - 153)