"Kĩ năng giao tiếp” là khả năng có thể bày tỏ ý kiến của bản thân theo hình thức nói, viết hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa, đồng thời biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác ngay cả khi bất đồng quan điểm. Bày tỏ ý kiến bao gồm cả bày tỏ về suy nghĩ, ý tưởng, nhu cầu, mong muốn và cảm xúc, đồng thời nhờ sự giúp đỡ, tư vấn khi cần thiết" [8, tr.18]. Quan điểm về kĩ năng giao tiếp trên, đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện về kĩ năng giao tiếp. Kĩ năng giao tiếp là kĩ năng quan trọng rất cần thiết trong cuộc sống của con người. Xã hội sẽ không tồn tại nếu không có sự giao tiếp giữa các cá thể người.
Một mặt khác, người có kĩ năng giao tiếp còn là người biết lắng nghe ý kiến trình bày của người khác, biết cho ý kiến phản hồi mà không vội đánh giá, đồng thời có đối đáp hợp lí trong quá trình giao tiếp.
Kĩ năng giao tiếp giúp con người biết đánh giá tình huống giao tiếp và điều chỉnh cách giao tiếp một cách phù hợp, hiệu quả, cởi mở bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc nhưng không làm hại, không gây tổn hại hay tổn thương cho người khác. Người có kĩ năng lắng nghe tích cực thường được nhìn nhận là biết tôn trọng và quan tâm đến ý kiến của người khác, nhờ đó có thể làm cho việc thương lượng, hợp tác có hiệu
quả hơn. Đồng thời cũng có thể giải quyết những mâu thuẫn một cách hài hòa và xây dựng. Kĩ năng này giúp chúng ta có mối quan hệ tích cực với người khác, bao gồm biết gìn giữ mối quan hệ tích cực với các thành viên trong gia đình, biết cách xây dựng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Đây là yếu tố quan trọng đối với niềm vui cuộc sống.
Trong dạy học Ngữ văn kĩ năng giao tiếp là kĩ năng quan trọng. Mục tiêu của dạy học Ngữ văn chính là hình thành cho các em kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây là bốn thao tác của quá trình giao tiếp. Hoạt động này được diễn ra thường xuyên qua việc kiến tạo văn bản đọc hiểu và tạo lập văn bản giữa thầy và trò, giữa các học sinh với nhau như trong mục 1.2.3, chúng tôi đã dẫn chứng về năng lực cốt lõi của dạy học Ngữ văn đó chính là năng lực giao tiếp. Tác giả Lê A cho rằng "chúng ta dạy nhiều, học sinh học nhiều và có thể biết nhiều song vẫn còn thiếu hiểu biết đến nơi, đến chốn về cách thức và nghệ thuật sử dụng tiếng Việt. Và kết quả là năng lực tiếng Việt của các em còn non yếu, không đáp ứng được yêu cầu giao tiếp trong công việc học tập cũng như trong lĩnh vực giao tiếp xã hội ...''[1, tr 18]. Vì vậy giáo viên dạy Ngữ văn cần thay đổi phương pháp giảng dạy để các em phát triển kĩ năng giao tiếp vận dụng vào công việc học tập và giao tiếp xã hội.
Trong cuộc sống, học sinh rất cần thiết được hình thành kĩ năng này, bởi vì nhờ có kĩ năng giao tiếp các em nhạy bén, làm việc hiệu quả và giúp cho các em thành công trong cuộc sống. Chất liệu của văn học là ngôn từ. Mà ngôn từ chính là phương tiện để con người giao tiếp với nhau. Học sinh có thể phát triển kĩ năng giao tiếp nhờ việc trau dồi vốn từ ngữ tiếng Việt qua việc đọc tác phẩm văn chương. Các em rèn kĩ năng đứng trước đám đông, ăn nói lưu loát, tự tin khi cùng các bạn trong lớp tổ chứ hoạt động nhóm giải quyết bài tập cùng nhau. Thông qua hình thức tổ chức nhóm, đối thoại trong giờ học, thuyết trình được giáo viên hướng dẫn học sinh biết đưa ra ý kiến bảo vệ cho quan điểm của mình, đồng thời các em còn học hỏi cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các bạn, biết hợp tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao.