Do đời sống ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm từ các quán hàng rong, chợ đến các trung tâm thương mại, mua sắm hiện đại. Khi thị trường có nhu cầu, ắt sẽ sinh ra nguồn cung. Đây chính là lý do mà thị trường bán lẻ có sự phát triển sôi động trong những năm vừa qua.
Tại nhiều nước có nền thương mại phát triển, cứ khoảng 100.000 người dân cần có 1 trung tâm thương mại hoặc trung tâm mua sắm lớn, 10.000 người dân cần 1 siêu thị và 1.000 người dân cần từ 1 đến 3 cửa hàng tiện ích… Có thể thấy, so với
các quốc gia trên thế giới và ngay so với nhiều quốc gia trong khu vực, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển lâu dài bởi với 90 triệu dân. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn trong giai đoạn tới. Ước tính, doanh số bán lẻ bình quân tăng khoảng 8,5%/năm. Với mạng lưới bán lẻ còn đang thưa thớt và chưa được đáp ứng đầy đủ của Việt Nam, thì đây là khoảng trống dành cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Bộ Công Thương đã ký ban hành tại Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là có 100% các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại có hệ thống đảm bảo cung cấp nguồn hàng ổn định theo hợp đồng cung ứng với các cơ sở sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ phân phối; mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, khoảng 40 - 50% các sản phẩm nông sản, thủy sản tươi, sống và 70 - 80% sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của dân cư được sản xuất ra đáp ứng được các tiêu chuẩn về quy cách, chất lượng sản phẩm bán qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại; và đến năm 2020, các tỷ lệ tương ứng là khoảng 70-80% và 100%. Ngoài ra, mục tiêu của quy hoạch còn phân đấu có 100% hàng hóa bán qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại được dán nhãn hàng hóa; thường xuyên kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác liên quan đến hàng hóa;
Song song đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ đạt bình quân 26-27%/năm đến năm 2015 và 29-30%/năm trong thời kỳ 2016 – 2020 và tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại chiếm khoảng 27 - 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội năm 2015 và dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng này chiếm khoảng 43 - 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi trên, sự phát triển của những chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại vẫn còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong thị
trường hiện tại. Là thị trường tiềm năng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt trong việc giành thị phần đang diễn ra. Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều doanh nghiệp nhỏ trở thành hệ thống có quy mô lớn và trình độ tổ chức cao. Vingroup với chiến lược phát triển khoảng 10 trung tâm thương mại cao cấp trong 5 năm tới. Thương hiệu bán lẻ tiêu dùng hàng đầu Việt Nam Co.opmart cũng dự kiến tung ra mô hình kinh doanh đại siêu thị theo dạng chuỗi, vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này như Maximart, Fivimart, Hapro,… đang cố gắng nâng cao chất lượng và củng cố hệ thống siêu thị của mình.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài luôn có thế mạnh về vốn, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người đang tỏ ra rất tự tin trên sân chơi này. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến năm 2013, thị trường phân phối, bán lẻ của Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại, trong đó, 40% siêu thị và 25% trung tâm thương mại thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sự sôi động và hấp dẫn của sân chơi này đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam thể hiện bằng sự xuất hiện hàng loạt “đại gia” bán lẻ nước ngoài, như Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc (với kế hoạch phát triển 60 siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam) hay việc Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Berli Jucker Pcl mua 65% cổ phần của Công ty Thái An - đơn vị vận hành 41 cửa hàng tiện lợi B’smart ở Thành phố Hồ Chí Minh. Berli Jucker đặt mục tiêu năm tới sẽ có thêm khoảng 100 cửa hàng B’s mart, và đến năm 2015 nâng số cửa hàng này ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn của Việt Nam lên 300. Sau thành công ban đầu của chuỗi siêu thị Big C với trên 20 siêu thị tại Việt Nam, Big C vẫn tiếp tục phát triển hệ thống với việc khai trương Big C tại Việt Trì (Phú Thọ) và xây dựng 1 tổ hợp tại Quảng Ninh. Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản cũng mở trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, lên kế hoạch kinh doanh nhiều loại hình bán lẻ tại đây, trong đó có cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm mua sắm.