Cung cầu của thị trường sản phẩm dịch vụ NH

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm - dịch vụ tại Sacombank – Chi nhánh Đồng Nai (Trang 33 - 36)

1.3 Phát triển SPDV ngân hàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế

1.3.3Cung cầu của thị trường sản phẩm dịch vụ NH

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam không những gia tăng về số lượng ngân hàng mà chất lượng hoạt động kinh doanh cũng được nâng lên, cơ sở vật chất cho các dịch vụ ngân hàng ngày càng đầy đủ và hiện đại, cơ hội tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển về dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng. Hoạt động của các NHTM ngày càng mang tính chuyên nghiệp và có uy tín hơn đối với trong nước và quốc tế. Hầu hết các NHTM đều kinh doanh đa năng, các chủng loại dịch vụ đa dạng hơn và có chất lượng cao hơn, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Thành công lớn nhất có thể thấy rõ về sự phát triển dịch vụ ngân hàng là dịch vụ

ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng trực tuyến với những tiện ích vượt trội, khách hàng có thể mở tài khoản ở một nơi nhưng thực hiện giao dịch ở bất kỳ chi nhánh nào thuộc hệ thống NHTM đó trên toàn quốc. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến là tiền đề cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán hiện đại trên thị trường Việt Nam.

Các dịch vụ thanh toán tiếp tục duy trì xu hướng gia tăng, đặc biệt là các dịch vụ

thanh toán có ứng dụng công nghệ cao, trong đó dịch vụ thẻ vẫn tiếp tục phát triển

mạnh, đến nay cả nước có 29 ngân hàng đã triển khai phát hành thẻ thanh toán, với khoảng 7 triệu thẻ. Hiện nay, có 120 loại thẻ ngân hàng đã phát hành, trong đó thẻ nội địa có 71 loại, thẻ quốc tế có 41 loại, thẻ ghi nợ có 73 loại, thẻ tín dụng có 44 loại và thẻ trả trước có 03 loại. Các ngân hàng không ngừng đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công nghệ thẻ, đến nay đã có khoảng 20 ngân hàng đã trang bị máy giao dịch tự động (ATM) với khoảng hơn 4.000 máy, thiết bị chấp nhận thẻ (POS/EDC) lên đến khoảng hơn 22.000 chiếc và tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Thị trường dịch vụ thẻ hiện đang chứng kiến một trào lưu ra đời của một loại thẻ mới, hiện đại - thẻ trả trước, với sự hiện diện của đông đảo các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ. Mục tiêu phát hành thẻ đến cuối năm 2010 đạt mức 15 triệu thẻ, 70% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tự chọn… lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ; phấn đấu đến năm 2020 con số này đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%.

Về dịch vụ mở và thanh toán qua tài khoản cá nhân đang trong xu thế phát triển nhanh chóng, với sự tham gia ngày một gia tăng lượng khách hàng vào thị trường chứng khoán. Việc trả lương, bảo hiểm xã hội qua tài khoản vẫn được tiếp tục triển khai tại một số tỉnh, thành phố, với sự chủ động, tích cực của một số NHTM lớn và đạt được những thành công tại một số địa bàn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và có thể triển khai ở một số tỉnh khác. Mục tiêu đến năm 2010 đạt mức 20 triệu tài khoản cá nhân; 70% cán bộ hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân thực hiện trả lương qua tài khoản. Đến năm 2020, đưa những con số này lên lần lượt là 45 triệu tài khoản cá

nhân; 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và 80% lao động được trả lương qua tài khoản.

Hiện nay, đã có nhiều ngân hàng đang tiến hành nghiên cứu và triển khai Internet Banking. NHTMCP Kỹ thương trong tháng 5 vừa qua đã triển khai thanh toán qua mạng và các ngân hàng khác cũng đang trong quá trình triển khai. Diễn đàn Banking lần thứ 6 vừa mới diễn ra cũng đã khẳng định vị thế của dịch vụ ngân hàng điện tử, hứa hẹn thanh toán điện tử sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ ngày càng được các NHTM Việt Nam quan tâm phát triển với nhiều chủng loại đa dạng và tiên tiến. Nhiều tiện ích của sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã được khai thác áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm chuyển tiền, tiền gửi, tiền vay, đầu tư dài hạn vào giấy tờ có giá, các nghiệp vụ giao dịch ngoại hối như: Hợp đồng giao ngay (Spot), Hợp đồng tương lai (Forward), Hợp đồng hoán đổi (Swap),... Đây là những dịch vụ tiên tiến đã được kiểm chứng và đánh giá là an toàn về chất lượng cung ứng dịch vụ, tiện lợi trong giao dịch, hiệu quả trong kinh doanh, đầu tư.

Sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng hiện đại không hoàn toàn là sự thay thế các sản phẩm truyền thống mà nó mang tính kế thừa, thậm chí là sự nâng cấp của các sản phẩm truyền thống. Với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại thì những quan hệ giao dịch trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng ngày càng thu hẹp lại và thay thế vào đó là các giao dịch ngân hàng tại nhà (Home Banking), ngân hàng qua Internet (Internet Banking), ngân hàng qua điện thoại (Phone/Mobile Banking)... Trong một nền kinh tế năng động, một xã hội phát triển và thịnh vượng thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại là rất lớn. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam có thể thấy các nhu cầu này chưa nhiều, song trong định hướng lâu dài thì nhu cầu này sẽ không ngừng tăng lên theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, doanh số và lợi nhuận của mảng hoạt động này sẽ dần chiếm tỷ trọng đáng kể và trở nên quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm - dịch vụ tại Sacombank – Chi nhánh Đồng Nai (Trang 33 - 36)