Với vai trò là chủ thể quản lý, Nhà nước ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo lập môi trường pháp lý cho dịch vụ ngân hàng hình thành, vận động phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý khi có tranh chấp, có rủi ro trong hoạt động dịch vụ ngân hàng.
Mục tiêu cơ bản của quản lý nhà nước đối với dịch vụ ngân hàng của các NHTM bao gồm:
- Nhà nước định hướng phát triển cho hoạt động của NHTM nói chung và dịch vụ ngân hàng nói riêng, góp phần thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia mà trực tiếp là chính sách phát triển hệ thống NHTM
- Xây dựng khung pháp lý để phát triển dịch vụ ngân hàng
- Bảo đảm sự quản lý kịp thời của Nhà nước đối với dịch vụ ngân hàng, chủ động ngăn chặn và nhanh chóng phát hiện các vi phạm trong hoạt động dịch vụ ngân hàng
- Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực trong dịch vụ ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động dịch vụ ngân hàng và thu hút sự tham gia của các tổ chức và cá nhân vào dịch vụ ngân hàng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên Nhà nước thực hiện ban hành các văn bản pháp luật, và thực hiện điều hành thanh tra giám sát đảm bảo các hoạt động của ngân hàng theo đúng định hướng phát triển dài hạn cũng như các chính sách khuyến khích ngắn hạn, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong hệ thống ngân hàng.
Vì vậy căn cứ vào môi trường pháp lý cũng như định hướng chung, các ngân hàng thực hiện xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng một cách phù hợp. Và mỗi sự thay đổi dù nhỏ trong chính sách quản lý của nhà nước cũng sẽ tác động ngay, và trực tiếp đến hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, có thể theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực.