Foos & ctg (2010) đã nghiên cứu về tăng trưởng tín dụng và rủi ro các ngân hàng. Họ đã thu thập dữ liệu của 16.000 ngân hàng ở 16 quốc gia lớn, trong giai đoạn 1997-2007. Nghiên cứu này đã cho thấy tăng trưởng tín dụng bất thường hiện hành tác động ngược chiều đến thu nhập lãi tương đối hiện hành và không có độ trễ. Amador & ctg (2013) cũng có kết luận tương tự, khi nghiên cứu về tác động liên thời gian giữa tăng trưởng tín dụng bất thường và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng tư nhân Colombia từ 6/1990 đến 3/2011. Kết quả cho thấy tăng trưởng tín dụng tác động ngược chiều với lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn không có tác động.
Việc định giá lãi suất cho vay được xác định dựa trên rủi ro, kết hợp với mối quan hệ cùng chiều giữa tăng trưởng tín dụng và tổn thất tín dụng, Foos và ctg (2010) cho rằng rõ ràng các ngân hàng phải tính lãi suất cho vay cao hơn đối với các khoản vay mới so với danh mục cho vay hiện tại để bù đắp được rủi ro kèm theo. Tuy nhiên, theo Ogura (2006), do để cạnh tranh với các ngân hàng khác và thu hút khách hàng mới có chất lượng thấp, ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Điều đó lý giải vì sao tăng trưởng tín dụng tác động ngược chiều với thu nhập lãi.
Không phải tăng trưởng tín dụng lúc nào cũng có tác động ngược chiều với thu nhập lãi. Đối với các tăng trưởng tín dụng do sáp nhập hoặc mua lại (tăng trưởng do nguyên nhân bên ngoài) sẽ tạo ra các tăng trưởng tín dụng đột biến và
25 không làm giảm thu nhập lãi tương đối. Foos & ctg (2010), đã kiểm nghiệm vấn đề này bằng cách loại bỏ các giá trị tăng trưởng tín dụng đột biến, kết quả cho thấy mối quan hệ tuyến tính ngược chiều mạnh giữa tăng trưởng tín dụng và thu nhập lãi (gấp 3 lần trường hợp dữ liệu có các giá trị tăng đột biến).