Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu các yếu tố đào tạo, sự tự tin của người được đào tạo và hiệu quả làm việc (Trang 56 - 58)

Như trình bày trong cơ sở lý thuyết, mối quan hệ của các yếu tố đào tạo tác động đến hiệu quả làm việc của nhân viên được nghiên cứu và kết luận trong nhiều công trình nghiên cứu.

Song song đó, sự tự tin của từng cá nhân cũng sẽ tác động đến hiệu quả làm việc. Kế thừa từ những công trình nghiên cứu trước đây, sau đó tác giả tiến hành tổng hợp và nghiên cứu phát triển mối quan hệ của các yếu tố đào tạo tác động đến hiệu quả làm việc của nhân viên thông qua nhân tố trung gian là nhân tố sự tự tin. Các giả thuyết nghiên cứu được đặt ra như sau:

a). Đánh giá nhu cầu đào tạo

Như đã trình bày, đánh giá nhu cầu đào tạo được xem như nhiệm vụ bắt buộc của công tác đào tạo, giúp tìm hiểu năng lực hiện tại và khả năng phản ứng của mỗi cá nhân. Đánh giá nhu cầu đào tạo để thiết kế, phát triển chương trình đào tạo hiệu quả. Kết quả nhiều công trình nghiên cứu cho rằng đánh giá nhu cầu đào tạo do đó tác động đến hiệu quả làm việc của nhân viên.

Trong phạm vi và nội dung đề tài nghiên cứu, tác giả cho rằng việc đánh giá nhu cầu đào tạo hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, mang đến nhiều kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên. Từ đó, nhân viên cảm thấy tự tin vào khả năng của bản thân và hoàn thành tốt công việc của mình. Do đó, tác giả đề xuất giả thiết nghiên cứu đánh giá nhu cầu đào tạo có tác động đến sự tự tin của nhân viên.

H1-1: Đánh giá nhu cầu đào tạo tác động cùng chiều đến sự tự tin của nhân viên.

b). Nội dung đào tạo

Sau khi thực hiện đánh giá nhu cầu đào tạo, nội dung chương trình đào tạo là bước quan trọng tiếp theo. Thiết kế và thực hiện nội dung đào tạo bao gồm kỹ năng con người và kỹ năng kỹ thuật sẽ giúp nhân viên vận dụng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết thực hiện thuần thục công việc. Việc trang bị đầy đủ những yếu tố do nội dung đào tạo mang lại sẽ gia cố và tăng cường niềm tin vào bản thân của nhân viên. Niềm tin bản thân sẽ thực hiện và vượt qua mọi trở ngại trong công việc,

xử lý tình huống, xử lý sự cố, v.v cũng hiệu quả hơn. Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết nội dung đào tạo về kỹ năng con người và kỹ năng kỹ thuật sẽ tác động đến sự tự tin của nhân viên.

H1-2: Nội dung đào tạo tác động cùng chiều đến sự tự tin của nhân viên.

c). Phương pháp đào tạo

Để nội dung đào tạo truyền đạt đến nhân viên tối đa, phương pháp đào tạo được lựa chọn phù hợp rất cần thiết. Sử dụng đúng phương pháp có thể giúp nhân viên cảm thấy hứng thú và khơi gợi nhu cầu học tập tiềm năng trong tương lai. Phương pháp sử dụng càng đa dạng và phù hợp với nội dung đào tạo, tiếp nhận nội dung chương trình càng hiệu quả. Từ đó, niềm tin vào khả năng tiếp thu và lĩnh hội kiến thức để vận dụng trong công việc càng nhiều. Do đó, tác giả đặt giả thuyết phương pháp đào tạo tác động đến sự tự tin của nhân viên.

H1-3: Phương pháp đào tạo tác động cùng chiều đến sự tự tin của nhân viên.

d). Đánh giá đào tạo

Đánh giá đào tạo là giai đoạn cuối cùng để cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. Mục đích của đánh giá đào tạo là chứng minh nội dung và chương trình đào tạo mang lại ý nghĩa thiết thực cho người được đào tạo nhằm đạt hiệu quả mong muốn trong công việc. Đánh giá đào tạo một cách khách quan và đúng đắn sẽ gia cố niềm tin của nhân viên vào chính sách và chế độ của tổ chức. Bản thân nhân viên sẽ yên tâm, tự tin và cống hiến cho công ty. Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu:

H1-4: Đánh giá đào tạo tác động cùng chiều đến sự tự tin của nhân viên.

e). Sự tự tin và hiệu quả làm việc

Mối quan hệ giữa sự tự tin và hiệu quả làm việc khi Albert Bandura (1977) cho rằng niềm tin vào sự thành công có thể thực hiện được những hành vi cần thiết. Kết quả khảo sát được thực hiện thể hiện hiệu quả công việc tăng khi niềm tin vào hiệu quả của bản thân tăng lên và ngược lại. Do đó, sau khi đặt ra những giả thuyết về các yếu tố đào tạo tác động đến sự tự tin của nhân viên, thì đến lượt sự tự tin của nhân viên tác động đến hiệu quả làm việc của nhân viên.

H2: Sự tự tin tác động cùng chiều đến hiệu quả làm việc của nhân viên.

Như vậy, mô hình nghiên cứu chính thức của đề tài thể hiện qua bảng minh họa như hình 3.2 bên dưới:

Hình 3.2: Mô hình nghiên cứu chính thức của đề tài

Một phần của tài liệu các yếu tố đào tạo, sự tự tin của người được đào tạo và hiệu quả làm việc (Trang 56 - 58)