- Chương 3: Phương hướng và giải pháp phát triển kinh doanh dịch vụ của Công ty cổ phần chứng khoán An Bình.
1.2Đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh dịch vụ của các công ty chứng khoán
1.1.2 Phân loại dịch vụ của các công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán (CTCK) là một định chế trung gian thực hiện các nghiệp vụ trên TTCK. CTCK thông qua các hoạt động của mình sẽ giúp TTCK hoàn thành các chức năng cơ bản nêu trên.
CTCK với việc cung cấp các dịch vụ đa dạng của mình giúp cho nhà đầu tư có cơ hội đầu tư những khoản tiền nhàn rỗi và tạo điều kiện luân chuyển vốn dễ dàng thông qua hoạt động mua bán chứng khoán. CTCK hoạt động dựa trên nguyên tắc nền tảng của TTCK là nguyên tắc trung gian, do vậy, đảm bảo lợi ích chính đáng của mọi đối tượng trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng chứng khoán tại TTCK.
Có nhiều khái niệm khác nhau về CTCK, ở Việt Nam, CTCK là công ty cổ phần, công ty TNHH được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được UBCKNN cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số loại hình dịch vụ kinh doanh chứng khoán.
Các dịch vụ kinh doanh của CTCK bao gồm:
* Dịch vụ môi giới chứng khoán
Môi giới chứng khoán là một dịch vụ kinh doanh chứng khoán trong đó công ty chứng khoán đại diện cho khách hàng tiến hành giao dịch thông qua cơ chế giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán hay thị trường OTC, Upcom mà chính khách hàng phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả kinh tế của việc giao dịch đó.
Dịch vụ môi giới của công ty thường gắn liền với việc cung cấp cho khách hàng những thông tin và những kiến nghị đầu tư trên cơ sở những thông tin mà CTCK có được. Khách hàng có thể phải trả phí hoặc không trả phí cho hoạt động sử dụng thông tin này tùy theo chất lượng thông tin mà khách hàng sử dụng dịch vụ
mà CTCK cung cấp. Ngoài ra, các CTCK còn cung cấp cho khách hàng các tiện ích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi giao dịch chứng khoán tại công ty mình bằng các dịch vụ có công nghệ cao như các dịch vụ đặt lệnh và truy cứu thông tin qua internet, hệ thống Call Centre nhận lệnh qua điện thoại…
Quy trình dịch vụ môi giới chứng khoán.
- Tìm kiếm và mở tài khoản giao dịch cho khách hàng
CTCK tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu mua bán chứng khoán và thuyết phục họ mở tài khoản giao dịch tại Công ty. Khách hàng đã mở tài khoản giao dịch tại CTCK nào thì có nhu cầu mua bán chứng khoán, họ sẽ tìm đến CTCK đó để đặt lệnh giao dịch. Tuy nhiên, nếu chất lượng dịch vụ CTCK cung cấp không tốt, khách hàng không thỏa mãn thì khách hàng sẽ đóng tài khoản tại CTCK đó và chuyển đến mở tài khoản giao dịch tại CTCK khác. Chính vì vậy, việc tìm kiếm khách hàng mới là quan trọng nhưng việc giữ chân khách hàng cũ còn quan trọng hơn.
- Nhận lệnh từ khách hàng
Khi khách hàng có nhu cầu mua bán chứng khoán, khách hàng sẽ phát lệnh mẫu in sẵn và gửi tới nhân viên CTCK nơi họ mở tài khoản. Việc ra lệnh của khách hàng có thể theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, internet…tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường. CTCK khi nhận lệnh phải kiểm tra sự hợp lý và tính khả thi của lệnh. Nếu đúng theo quy định thì nhân viên của CTCK sẽ nhận lệnh và thực hiện giao dịch cho khách hàng. Nếu lệnh không đúng quy định thì nhân viên của CTCK sẽ hướng dẫn khách hàng viết lệnh cho đúng.
- Thực hiện lệnh
Sau khi nhận lệnh của khách hàng, CTCK sẽ tiến hành giao dịch cho khách hàng.
Nếu hàng hóa khách hàng muốn mua (bán) là các chứng khoán được niêm yết trên SGDCK thì lệnh của khách hàng sẽ được chuyển đến nhân viên môi giới của CTCK để nhập lệnh vào sàn. Kết quả khớp lệnh sau đó sẽ được chuyển ngay về Công ty và gửi tới khách hàng.
Nếu khách hàng hóa muốn mua (bán) là các chứng khoán trên thị trường OTC, CTCK sẽ thông báo và tìm kiếm khách hàng khác cũng có nhu cầu bán (mua) chứng khoán đó. Khách hàng này, CTCK có thể tìm kiếm trong số khách hàng của Công ty hoặc khách hàng của các CTCK khác. Khi tìm được, CTCK sẽ thông báo cho khách hàng của mình đồng thời làm trung gian đứng ra thương lượng để khách hàng của mình có thể mua (bán) chứng khoán đó ở mức giá tốt nhất.
- Thanh toán và hoàn tất giao dịch
Khi lệnh của khách hàng đã được thực hiện (đã khớp lệnh), CTCK sẽ gửi thông báo xác nhận kết quả giao dịch cho khách hàng. Đến ngày thanh toán, CTCK làm các thủ tục chuyển tiền thanh toán và giao nhận chứng khoán cho khách hàng, đồng thời thu phí môi giới trên tổng giá trị giao dịch.
Như vậy, thông qua dịch vụ môi giới, CTCK làm trung gian kết nối giữa các nhà đầu tư chứng khoán với nhau đồng thời giúp cho việc thanh toán và chuyển nhượng chứng khoán được đảm bảo thực hiện.
* Dịch vụ tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán
Tư vấn đầu tư chứng khoán là hoạt động dịch vụ các công ty chứng khoán cung cấp cho khách hàng các thông tin đã được thu thập và phân tích về các loại chứng khoán, về tình hình thị trường và xu hướng biến động của thị trường chứng khoán giúp cho khách hàng quyết định thời điểm mua, bán chứng khoán, loại chứng khoán mua bán và thời gian nắm giữ chứng khoán. Dịch vụ này đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của các CTCK. Mặt khác tính trung thực của các CTCK có tầm quan trọng lớn trong việc thu hút khách hàng.
Dịch vụ tư vấn có hai dạng chính là: tư vấn đầu tư (tư vấn cho nhà đầu tư) và tư vấn tài chính (hoạt động tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp).
Dịch vụ tư vấn là dịch vụ mà người tư vấn sử dụng kiến thức của mình nhằm đem lại cho khách hàng các quyết định đầu tư đúng đắn. Người tư vấn cần phải hết sức thận trọng trong việc đưa ra các khuyến cáo cho khách hàng, vì từ những khuyến cáo đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của họ. Những khuyến cáo này có thể đem lại lợi nhuận hoặc thua lỗ cho nhà đầu tư, còn người tư vấn vẫn thu
phí dịch vụ tư vấn bất kể kết quả kinh doanh của khách hàng có thành công hay không. CTCK có thế cung cấp dịch vụ tư vấn cho nhiều đối tượng như tổ chức phát hành, người đầu tư tổ chức hay cá nhân…Nguồn thu từ dịch vụ này được hình thành từ phí tư vấn, thường được tính trên tỷ lệ phần trăm doanh số giao dịch chứng khoán của khách hàng.
Dịch vụ tư vấn tài chính: Đây là các dịch vụ tư vấn cổ phần hóa, tư vấn tài chính, tư vấn niêm yết, tư vấn huy động vốn qua kênh riêng, dịch vụ định giá doanh nghiệp…Thực hiện dịch vụ này đòi hỏi CTCK phải hiểu rõ quy trình tư vấn, các văn bản pháp luật liên quan, tìm kiếm khách hàng có những điều kiện yêu cầu của quy định pháp luật hay không, hiểu rõ tình hình thị trường cũng như khả năng tiếp nhận thêm cổ phiếu của công chúng… Dịch vụ tư vấn này rất quan trọng, nó không những giúp CTCK có cơ hội thu hút thêm các khách hàng mới đến mở tài khoản.
* Dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán
Bảo lãnh phát hành là việc CTCK giúp cho tổ chức bảo lãnh thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, tổ chức việc phân phối chứng khoán và giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành. Như vậy bảo lãnh phát hành bao gồm cả việc tư vấn tài chính và phân phối chứng khoán.
Tổ chức bảo lãnh phát hành là CTCK được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và NHTM được UBCKNN chấp thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định. Thông thường, để phát hành chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành cần phải được sự bảo lãnh phát hành. Nếu đó là một công ty lớn và số lượng chứng khoán phát hành vượt quá khả năng của một tổ chức bảo lãnh thì cần phải có một tổ hợp bảo lãnh phát hành, bao gồm một hoặc một số tổ chức bảo lãnh phát hành và một số tổ chức bảo lãnh phát hành thành viên.
Các tổ chức bảo lãnh phát hành được hưởng một khoản phí bảo lãnh nhất định trên số tiền thu được từ đợt phát hành. Phí bảo lãnh cao hay thấp là tùy vào tính chất của đợt phát hành (lớn hay nhỏ, thuận lợi hay khó khăn). Đối với trái phiếu, phí bảo lãnh phụ thuộc vào lãi suất trái phiếu (lãi suất trái phiếu thấp thì phí bảo lãnh phát hành cao và ngược lại).
Một số phương thức bảo lãnh phát hành
- Bảo lãnh với cam kết chắc chắn: là phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ mua toàn bộ chứng khoán phát hành, cho dù có phân phối hết hay không.
- Bảo lãnh với cố gắng cao nhất: là phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức bảo lãnh thỏa thuận làm đại lý cho tổ chức phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không cam kết bán toàn bộ số chứng khoán, mà cam kết sẽ cố gắng hết mức để bán chứng khoán ra thị trường, nhưng phần không phân phối hết sẽ được trả lại cho tổ chức phát hành.
- Bảo lãnh theo phương thức bán tất cả hoặc không bán gì: là phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức phát hành chỉ thị cho tổ chức bảo lãnh phát hành nếu không bán hết số chứng khoán thì hủy bỏ toàn bộ đợt phát hành.
- Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu - tối đa: là phương thức bảo lãnh trung gian giữa phương thức bảo lãnh với cố gắng cao nhất và phương thức bảo lãnh bán tất cả hoặc không bán gì. Theo phương thức này, tổ chức phát hành chỉ thị cho tổ chức bảo lãnh phát hành phải bán tối thiểu một tỷ lệ nhất định chứng khoán phát hành.Nếu lượng chứng khoán bán được đạt tỷ lệ thấp hơn yêu cầu thì toàn bộ đợt phát hành sẽ bị hủy bỏ.
Ở Việt Nam, bảo lãnh phát hành được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
+ Mua một phần hay toàn bộ số lượng cổ phiếu hoặc trái phiếu được phép phát hành để bán lại.
+ Mua số cổ phiếu hoặc trái phiếu còn lại của đợt phát hành chưa được phân phối hết. Đây thực chất là một dạng của phương thức cam kết chắc chắn, nhưng tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết mua phần chứng khoán còn lại của đợt phát hành chưa phân phối hết.
Điều kiện để được bảo lãnh phát hành
Theo Luật Chứng khoán Việt Nam và Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 24/04/2007 thì CTCK chỉ được phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh
phát hành chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, vốn pháp định để thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành là 165 tỷ đồng.
+ Không vi phạm pháp luật chứng khoán trong 6 tháng liên tục liền trước thời điểm bảo lãnh.
+ Tổng giá trị bảo lãnh phát hành không được lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của tổ chức bảo lãnh phát hành vào thời điểm cuối quý gần nhất tính đến ngày ký hợp đồng bảo lãnh phát hành, trừ trường hợp bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
+ Có tỷ lệ vốn khả dụng trên nợ điều chỉnh trên 6% trong 3 tháng liền trước thời điểm nhận bảo lãnh phát hành.
* Dịch vụ quản lý danh mục đầu tư
Quản lý danh mục đầu tư là dịch vụ quản lý vốn ủy thác của khách hàng để đầu tư vào chứng khoán thông qua danh mục đầu tư đáp ứng tốt nhất nhu cầu để đầu tư của khách hàng. Quản lý danh mục đầu tư là một dạng dịch vụ tư vấn mang tính chất tổng hợp có kèm theo đầu tư. Khách hàng ủy thác tiền cho CTCK thay mặt mình quyết định đầu tư theo một chiến lược hoặc những nguyên tắc đã được định trước. Khi thực hiện dịch vụ này yếu tố quan trọng là mức độ rủi ro mà khách hàng có thể chấp nhận, bởi đây là cơ sở để CTCK xác định danh mục đầu tư sao cho lợi tức thu được là tối ưu với mức rủi ro không vượt qua mức rủi ro khách hàng có thể chấp nhận.
Quy trình hoạt động dịch vụ quản lý danh mục đầu tư
- Xúc tiến tìm hiểu và nhận quản lý danh mục đầu tư: CTCK và khách hàng tiếp xúc và tìm hiểu khả năng của nhau. CTCK phải tìm hiểu rõ về loại khách hàng là cá nhân hay tổ chức, về số tiền và thời hạn nhà rỗi của khoản tiền khách hàng định đầu tư, mục đích đầu tư và mức độ rủi ro khách hàng có thể chấp nhận… Từ đó đưa ra các yêu cầu về quản lý vốn ủy thác đầu tư.
- Ký hợp đồng quản lý danh mục đầu tư: Trong hợp đồng phải quy định rõ số tiền và thời hạn ủy thác, mục tiêu đầu tư, mức lợi nhuận tối thiểu, cơ cấu đầu tư (nếu có), giới hạn quyền và trách nhiệm của các bên, phí quản lý danh mục đầu tư…
- Thực hiện hợp đồng quản lý danh mục đầu tư: CTCK thực hiện đầu tư vốn ủy thác của khách hàng theo các nội dung đã được cam kết, đồng thời phải thường xuyên theo dõi sự biến động của thị trường để có sự điều chỉnh danh mục đầu tư hợp lý. Thực hiện dịch vụ này, CTCK phải đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý vốn, tài sản của khách hàng tách biệt với của Công ty.
Thường thì theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư,CTCK sẽ đảm bảo một mức lợi tức tối thiểu này, CTCK sẽ thu phí theo một tỷ lệ nhất định trên tổng giá trị đầu tư. Phần lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi mức lợi tức tối thiểu và phí quản lý danh mục sẽ được phân chia giữa khách hàng và Công ty theo tỷ lệ đã định trước. Chính vì vậy, nếu Công ty thực hiện tốt các hợp đồng ủy thác quản lý vốn này, không những mức phí dịch vụ nhận được sẽ cao hơn mà Công ty có cơ hội giữ chân các khách hàng cũ, đồng thời thu hút thêm khách hàng mới mở tài khoản giao dịch tại Công ty.
* Hoạt động tự doanh chứng khoán
Tự doanh là việc công ty chứng khoán tiến hành các giao dịch mua bán các loại chứng khoán cho chính mình. Khi thực hiện dịch vụ tự doanh, CTCK có nhiều mục tiêu khác nhau. Nó có thế là hưởng chệnh lệch giá, đầu tư nắm quyền kiểm soát, bình ổn giá chứng khoán hoặc tạo thị trường cho các chứng khoán mới phát hành.
Hoạt động này diễn ra song song với dịch vụ môi giới, vừa phục vụ lệnh giao dịch của khách hàng đồng thời cũng phục vụ cho giao dịch của chính mình. Vì vậy trong quá trình hoạt động có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa khách hàng và bản thân CTCK. Do đó, luật pháp các nước đều yêu cầu tách biệt rõ ràng giữa hoạt động môi giới và hoạt động tự doanh, CTCK phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh tự doanh của mình. Vì vậy, đòi hỏi CTCK phải có nguồn vốn rất lớn và đội ngũ nhân viên có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn, có khả năng phân tích và đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, đặc biệt trong trường hợp khi CTCK đóng vai trò là người tạo lập thị trường. Khoản thu từ hoạt động tự doanh có thể đến từ hai nguồn: cổ tức, trái tức và lãi vốn, nhưng phần thu chủ yếu đến từ lãi vốn.
Hoạt động tự doanh của CTCK là rất quan trọng và không thể thiếu được trên TTCK bởi nó có hai chức năng cơ bản sau:
- Một là, Góp phần bình ổn thị trường: Các CTCK hoạt động tự doanh nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường. Trong trường hợp này hoạt động tự doanh được tiến hành bắt buộc theo luật định. Luật các nước đều quy định các CTCK phải dành một tỷ lệ phần trăm nhất định của mình cho các hoạt động bình ổn thị trường. Theo