“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nói đến kinh doanh không thể không nói đến vốn, riêng với DNCBĐ xuất khẩu thì nhu cầu vốn là rất lớn vào thời điểm thu mua nguyên liệu dự trữ (từ tháng 3 - tháng 6 hàng năm) phục vụ cho sản xuất chế biến cả năm. Vì vậy trong phạm vi đề tài này xin được đề cập đến hai bộ phận cơ bản của vốn là: quy mô vốn và vốn huy động.
Sau cùng, phân tích các chỉ số tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy mô vốn của Xí nghiệp Bảng 2.5: Quy mô vốn của Xí nghiệp
Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009
Vốn kinh doanh (tỷ đồng) 117 117 129 129
- Vốn tự có (vốn điều lệ) 27 27 29 29
- Vốn vay 90 90 100 100
Nguồn: Vinafimex Binh Phuoc
Theo bảng số liệu trên có thể nói quy mô vốn của XN tương đối thấp so với nhu cầu vốn kinh doanh hàng năm, sự yếu kém về vốn của doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận thấy nếu chúng ta làm phép so sánh tương đối với các DNCBĐ có cùng công suất như Nhật Huy (Bình Dương - vốn điều lệ 55 tỷ), Mai Hương (Bình Phước - vốn điều lệ 60 tỷ)… hoặc làm một phép tính đơn giản như sau: công suất chế biến 5.000-7.000 tấn/năm, vùng nguyên liệu của XN chỉ đáp ứng 4% (2 tấn/ha *100 ha = 200 tấn), 96% nhu cầu nguyên liệu còn lại XN thu mua thêm từ thị trường. Giả sử giá thu mua là 14.000đ/kg (giá mùa vụ năm 2009 là 12.000đ/kg - 17.000đ/kg) thì XN sẽ cần 93,1 tỷ (14.000đ/kg * 6.650 tấn) để thu mua nguyên liệu dự trữ. Trong khi đó vốn chủ sở hữu của DN chỉ có 29 tỷ (đã bao gồm tài sản cố định chiếm một tỷ lệ tương đối lớn là giá trị nhà máy 14 tỷ và giá trị cơ sở vật chất 12,9 tỷ) thì rõ ràng việc thu mua nguyên liệu điều dự trữ sẽ gặp nhiều khó khăn. Như vậy, có thể thấy XN đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, ảnh hưởng lớn đến sản lượng xuất khẩu, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Khả năng huy động vốn
. Tình hình huy động vốn hiện nay của XN còn gặp nhiều khó khăn mặc dù là đã có sự bảo lãnh của Tổng công ty Vegetexco. Nguyên nhân là do: 1/ Thủ tục bảo lãnh qua khá nhiều công đoạn nên XN không thể chủ động thu gom điều khi mùa vụ thu hoạch đến. Sau khi nguồn vốn đã sẵn sàng thì thị trường điều thô đã biến động với xu hướng bất lợi cho XN. 2/ Thủ tục vay vốn rườm rà, yêu cầu có tài sản thế chấp mà các tài sản, nhà xưởng hiện nay của XN không đủ tiêu chuẩn do máy móc thô sơ, lao động thủ công là chủ yếu.
Ngoài ra, còn có nhiều bất cập từ phía các ngân hàng làm cho dòng vốn chảy về XN thêm khó khăn. Chẳng hạn như, cây điều cho thu hoạch trong 3 tháng nhưng XN phải mua dự trữ để sản xuất cho cả năm, nhưng ngân hàng thì chỉ hạn định cho vay với ngành điều là
3 tháng. Trước tình hình khó khăn trên, trong quá trình huy động vốn, XN thường dùng tất cả những gì có thể để thế chấp và vay vốn từ ngân hàng.
Suất sinh lời (ROE) và hệ số lãi ròng (ROS)
Đây là hai chỉ số quan trọng giúp chúng ta có thể đánh giá tương đối chính xác hiệu quả kinh doanh cũng như tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Suất sinh lời và hệ số lãi ròng của XN qua các năm được tính toán và trình bày dưới bảng sau:
Bảng 2.6: Chỉ số ROE và ROS của Vinafimex Binh qua các năm 2006 - 2009
Các chỉ số tài chính 2006 2007 2008 2009 Bình quân
Lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu - ROE (0,39) 0,09 0,38 0,26 0,085 Lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần - ROS -0,14 0,03 0,08 0,08 0,012
Nguồn: Vinafimex Binh Phuoc
Chỉ số ROE bình quân của Xí nghiệp qua các năm là 0,085 cho ta thấy suất sinh lời của Xí nghiệp không cao (một mức sinh lời hấp dẫn phải cao hơn 1,5 lãi suất ngân hàng hoặc bằng 20 - 30%), biên độ giao động lớn và không ổn định. Năm 2006 do ảnh hưởng từ kết quả 2005, DN phải thua lỗ nặng với ROE âm 0,39. Đến những năm gần đây chỉ số ROE của DN có mức tăng đột biến, cụ thể như năm 2008 chỉ số ROE đạt 0,38 (tăng gấp 4 lần so với năm 2007) và năm 2009 là 0,26 (giảm 0,68 lần so với năm 2008). Sự tăng giảm mạnh của chỉ số ROE mang một tín hiệu báo động cho Xí nghiệp là môi trường kinh doanh ngành điều còn chứa đựng nhiều tiềm ẩn, rủi ro.
Theo dõi chỉ số ROS trên bảng 2.6 cho ta thấy được phần nào mặt khác của vấn đề, chỉ số ROS qua các năm của XN cũng không cao (<10%). Điều này lý giải rằng, XN có chiến lược giá chưa phù hợp, hoặc có thể giá thành sản phẩm cao. Ngoài ra thì ROS của XN thường hay có những dao động mạnh qua các năm, điều này một phần là do chi phí sản xuất (chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, tiền lương…) thường hay biến động mạnh và một phần vì giá cả thị trường xuất khẩu cũng tăng giảm bất thường.
So sánh chỉ số ROE và chỉ số ROS trung bình của XN, chỉ số ROE gần 8 lần chỉ số ROS nghĩa là XN đang hoạt động với nguồn vốn huy động tương đối lớn so với vốn chủ sở hữu. Trong khi lợi nhuận mang lại tương đối thấp. Nếu chỉ xét ở khía cạnh đầu tư tài chính hiện tại thì có thể nói DN đang hoạt động không mấy hiệu quả. Nhìn chung, tình hình tài chính của DN không được tốt lắm, vốn chủ sở hữu thấp do đó tạo áp lực lớn về lãi vay lên giá thành sản phẩm chế biến. Khả năng huy động vốn thấp do hạn mức tín dụng thấp khi vay từ ngân hàng nên hạn chế rất nhiều trong việc chớp thời cơ, chủ động sản xuất kinh doanh.