Đối với Hội Thẩm nhân dân

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân (Trang 84 - 85)

Sự tham gia của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử đã được quy định trong tất cả các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2002. Đã được thể chế hoá ở các Luật tổ chức của Toà án nhân dân năm 1992, Luật tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi năm 1993, 1995 và năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002…

Theo các quy định của pháp luật, “Việc xét xử của Toà án nhân dân có hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia. Khi xét xử, Hội thẩm ngang hàng với Thẩm phán. “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” [53, tr.69]. Như vậy, sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân là một nguyên tắc bắt buộc. trong quá trình đó: “Nếu coi nguyên tắc xét xử công khai là kiểm tra có tính chất tổng thể, chung nhất của xã hội đối với hoạt động xét xử của Toà án, thì nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử là sự kiểm tra trực tiếp,cụ thể và bên trong của hoạt động này” [54, tr.14].

Về tổ chức, “Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và do Hội đồng nhân dân cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm, theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp” [54, tr.58].

Trong hoạt động của mình, “ Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của chánh án. Chánh án có nhiệm vụ giữ mối liên hệ với hội thẩm” [54, tr.57].

Theo quy định trên, về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân phải trên cơ sở của sự phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Chánh án Toà án nhân dân. Vậy nhưng, trên thực tế vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định đầy đủ về chế độ phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Chánh án toà án trong việc thống nhất quản lý đội ngũ Hội thẩm nhân dân về tổ chức và hoạt động. Chưa có cơ chế đảm bảo nguyên tắc“Khi xét xử, Hội thẩm ngang hàng với Thẩm phán”. Cho nên, trong hoạt động của mình Hội thẩm nhân dân hiện nay còn thụ động, chưa phát huy được vai trò của mình do bị “thao túng” bởi sự lệ thuộc vào sự quản lý của Toà án.

Chính vì vậy, để hạn chế sự phụ thuộc này, theo chúng tôi: Cần phân công một hoặc một số thành viên Hội thẩm có năng lực và điều kiện để phụ trách chung đối với những người Hội thẩm theo cấp xét xử ở địa phương (Đoàn hội thẩm). Và điều này nhận

thấy ở các Toà án nhân dân của Tỉnh Hậu Giang đều đã thành lập được Đoàn Hội Thẩm và bầu Trưởng, phó đoàn Hội thẩm là những người có trình độ cử nhân Luật hoặc có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác hội thẩm, thường xuyên họp đoàn hội thẩm với chánh án cùng cấp để tổng kết rút kinh nghiệm. Họ thường xuyên làm việc và nhận nhiệm vụ từ Chánh án thông qua đại diện từ Trưởng hoặc Phó đoàn Hội thẩm. Vì người phụ trách Đoàn Hội thẩm mới nắm rõ được đầy đủ về điều kiện và khả năng tham gia từng vụ án hơn Chánh án. Trên cơ sở đó Hội thẩm nhân dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn được thuận lợi hơn. Do vậy, cơ chế làm việc giữa Chánh án với người phụ trách đoàn Hội Thẩm vừa hiệu quả, vừa ít tốn kém thời gian, không phải triệu tập cả đoàn hội thẩm khi cần triển khai về một vấn đề gì.

Toà án Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tập huấn công tác xét xử, triển khai kịp thời các văn bản pháp luật mới cho Hội Thẩm và cấp sổ tay đầy đủ cho mỗi Hội thẩm để nghiên cứu.

Song song đó, công tác triển khai và tổ chức lịch mời tham gia xét xử đảm bảo đồng đều giữa các Thẩm phán, tạo điều kiện để thẩm phán nghiên cứu trước hồ sơ trước khi xét xử, đảm bảo việc cấp phát trang phục và chi bồi dường phiên toà đúng theo quy định cho các Hội thẩm. Từ đó cho thấy chất lượng xét xử của Hội Thẩm nhân dân ở các Toà án tỉnh Hậu Giang đã được nâng lên, góp phần tích cực cho sự thành công trong công tác xét xử của Toà án.

Cuối năm có tổng kết và đề xuất khen thưởng kịp thời cho các Hội thẩm nhân dân có thành tích tốt.

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân (Trang 84 - 85)