QUYỀN CON NGƯỜI TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ HÌNH SỰ
Đảm bảo QCN nói chung và đảm bảo QCN trong xét xử hình sự nói riêng có mối quan hệ mật thiết với trình độ nhận thức và ý thức pháp luật của con người. Thực trạng về hoạt động xét xử đã cho thấy, một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc vi phạm QCN trong lĩnh vực này là do trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân nói chung và của cán bộ công chức các cơ quan tư pháp nói riêng chưa được đầy đủ, ý thức pháp luật chưa cao.
Thực tế cho thấy, những người nhận thức pháp luật thất thường dễ bị vi phạm pháp luật trong xử sự thiếu khả năng bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào lĩnh vực hoạt động tư pháp.
Đối với cán bộ công chức trong các cơ quan tư pháp, việc nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, ý thức pháp luật chưa cao là hệ quả của việc thiếu kịp thời, đầy đủ, khách quan khi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ phân công làm cho hoạt động này kém hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, ý thức pháp luật chưa cao nên việc nhận thức về vấn đề đảm bảo QCN trong HĐTP của một bộ phận cán bộ công chức tư pháp bị lệch lạc, thái độ ứng xử không đúng mực, vi phạm đến QCN của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là trong tố tụng hình sự.
Cho nên để đảm bảo QCN trong hoạt động xét xử hình sự, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng bên cạnh việc nhận thức đầy đủ, đúng pháp luật, còn phải có ý thức trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật trong lĩnh vực hình sự nói riêng để hiểu và làm đúng pháp luật. Để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật trong nhân dân nói chung và cán bộ công chức của các cơ quan tư pháp nói riêng, Đảng ta xác định:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và công dân.
Muốn vậy, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật theo các kênh truyền thông hiện nay. Trong lĩnh vực hoạt động xét xử hình sự cần có hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đặc trưng như: Tăng cường công tác tập huấn, hội thảo chuyên ngành về công tác xét xử hình sự, tăng cường công tác tổng kết kinh nghiệm, trong việc kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử hình sự…Đồng thời phải tăng cường công tác xét xử án lưu động và phát huy sự tham gia đông đảo của công dân, tổ chức vào lĩnh vực này để tuyên truyền, phổ biến và đặc biệt là giáo dục pháp luật trong lĩnh vực này một cách có hiệu quả nhất.