KHẮC PHỤC KỊP THỜI CÓ HIỆU QUẢ THIỆT HẠI DO NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG GÂY RA

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân (Trang 88 - 90)

TIẾN HÀNH TỐ TỤNG GÂY RA

Bản chất của hoạt động tư pháp, trong đó có cả hoạt động xét xử là bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân bằng quyền lực nhà nước thông qua trình tự, thủ tục tố tụng.

Trong hoạt động xét xử phải đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mặt khác, phải đảm bảo trong trình tự tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải tôn trọng pháp luật, thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ đúng theo quy định của pháp luật để tránh oan, sai, vi phạm quyền con người trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Có như vậy, việc đảm bảo quyền con người trong xét xử mới đầy đủ ý nghĩa.

Hoạt động xét xử hình sự là lĩnh vực hoạt động khó khăn và phức tạp và nhạy cảm vì đó là hoạt động chứng minh về sự thật khách quan của vụ án, có hay không có hành vi phạm tội xảy ra. Mọi trình tự hoạt động đều liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, nên nguy cơ vi phạm đến các quyền và lợi ích của họ là rất lớn. Vì thế, dù đã cố gắng đến mức cao nhất trong việc đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của công dân trong hoạt động hình sự, nhưng do nhiều yếu tố khách quan,chủ quan chi phối, nên tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động hình sự vẫn còn tồn tại, đã gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp của con người,ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động xét xử hình sự nói chung. Thực trạng này đang là sự nhức nhối trong tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và trong nhân dân,nhất là khi các thiệt hại này chậm được khắc phục.

Chính vì vậy, để đảm bảo quyền con người trong hoạt động hình sự, việc kịp thời khắc phục hậu quả của thiệt hại xảy ra trong lĩnh vực này đang trở thành yêu cầu mang tính cấp thiết. Vì thế, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ: Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với trường hợp bị oan, sai trong hoạt động tố tụng; nghiên cứu quỹ bồi thường thiệt hại.

Trên cơ sở đó, ngày 17/3/2003 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Tiếp đến ngày 25/3/2004, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cáo, Bộ tư pháp, Bộ quốc phòng, Bộ Tài chính đã ra thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC- BTP-BQP-BTC để hướng dẫn thi hành một số quy định của nghị quyết trên. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của văn bản này, cùng với việc triển khai thực hiện sâu rộng thông tư trên, cần thiết phải sớm ban hành pháp lệnh về lĩnh vực này để cụ thể hoá hơn các nội dung liên quan của Nghị quyết vào đời sống xã hội. Nhất là quy định về việc xác định, nội dung, phạm vi về trường hợp oan, sai, trách nhiệm của người có nghĩa vụ giải quyết các trường hợp oan,sai…

Để từng bước khắc phục tình trạng thiếu sự thống nhất, đồng bộ, chậm trễ, thiếu hiệu quả công tác bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, trong thời gian tới,cần có kế hoạch thống kê thực trạng các trường hợp oan, sai trong hoạt động này, kịp thời khắc phục về quyền lợi vật chất và tinh thần cho những người có hoàn cảnh, điều kiện quá bức xúc. Trên cơ sở đó, từng bước tổ chức thực hiện việc khắc phục hậu quả oan, sai một cách rộng khắp đối với tất cả các địa phương trong cả nước.

Cùng với hoạt động trên, để đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp cần phải tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực hình sự. Kiên quyết giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo có nội dung bức xúc kéo dài để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức để có biện pháp xử lý phù hợp với từng nội dung cụ thể. Trong hoạt động tư pháp, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực hình sự được gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, nó phản ánh về hiệu lực, hiệu quả đối với hoạt động tư pháp. Đồng thời phản ánh bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, tăng cường đối với hoạt động này chính là góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp, tăng cường sự đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp.

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân (Trang 88 - 90)